Áp-xe gan

Áp-xe gan là gì?

Gan là một cơ quan rất quan trọng trên cơ thể người với nhiều chức năng như dự trữ năng lượng và loại bỏ những độc tố độc hại ra khỏi cơ thể.

Áp-xe gan là bệnh lý hết sức nguy hiểm đến tính mạng con người. Đây là tình trạng lá gan bị nhiễm mủ với những lỗ hổng nhỏ. Ổ mủ có thể to, nhỏ, đơn độc hay nhiều ổ mủ khác nhau. Nguyên nhân là do các loại vi khuẩn nấm, amíp truyền theo máu, mật tới gan hoặc do ổ nhiễm khuẩn nằm ở các bộ phận lân cận của gan trong ổ bụng. Đây là bệnh rất nguy hiểm vì có thể gây nhiễm khuẩn, nhiễm độc tế bào gan và nhiều biến chứng nguy hiểm khác, đặc biệt là tử vong.

Những dấu hiệu và triệu chứng của áp-xe gan

Những triệu chứng của bệnh áp-xe gan có thể không xuất hiện ngay lập tức, các triệu chứng phổ biến có thể kể đến như là:

  • Sốt và ớn lạnh: Đây là triệu chứng tiêu biểu của bệnh áp-xe gan. Bệnh nhân có thể sốt cao lên đến 39 – 40 độ C trong giai đoạn cấp tính, về sau thường sốt nhẹ kéo dài nhiều ngày.
  • Đau bụng: Người mắc phải triệu chứng này thường đau bụng dữ dội ở vùng sườn phải hoặc dưới sườn phải. Khi ổ áp-xe to và biến chứng thì tình trạng đau có thể lan rộng ra vùng thượng vị hoặc khắp bụng.
  • Khó chịu vùng gan: Hầu hết các trường hợp áp-xe gan thì gan sẽ sưng to khiến người bệnh có cảm giác căng tức. Ngoài ra, người bệnh có hiện tượng khó thở do gan to ra làm các cơ hoành bị đẩy lên cao.
  • Các triệu chứng toàn thân: Ngoài các triệu chứng đặc trưng của các bệnh lý liên quan đến gan, người bệnh áp-xe gan cũng thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và nôn, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Biến chứng có thể gặp khi bị áp-xe gan

Một số trường hợp áp-xe gan không được chẩn đoán sớm có thể vỡ ra gây nhiễm khuẩn huyết nghiêm trọng hoặc vỡ ra rồi chảy vào màng phổi hoặc phổi, màng tim, hoặc gây viêm phúc mạc (viêm màng bụng) cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Áp-xe gan hiện nay nằm trong nhón bệnh có khả năng tử vong khá cao, chiếm khoảng ¼ tổng số trường hợp mắc bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào kể trên như đau bụng dữ dội, sốt cao dai dẳng.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến áp-xe gan

Có thể thấy trong các bệnh liên quan đến gan mật thì áp-xe gan là một trong những bệnh phổ biến nhất ở nước ta hiện nay.

Theo phân tích, có rất nhiều nguyên nhân gây ra áp-xe gan như nhiễm khuẩn, nấm, ký sinh trùng, amip,… trong đó amip là nguyên nhân lớn nhất (hơn 80%) gây ra căn bệnh này.

Theo nguyên nhân, người ta phân bệnh áp-xe thành 3 nhóm chính:

  • Áp-xe do amip: Ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây ra ổ viêm cư trú ở vùng gan hoặc ký sinh trùng amip ký sinh ở đại tràng.
  • Áp-xe do nhiễm khuẩn: Xảy ra sau mổ ruột thừa, ung thư hoặc tắc đường mật do sỏi. Ngoài ra, nhiễm khuẩn có thể còn do tiếp giáp với các phủ tạng đã nhiễm khuẩn như loét dạ dày, tá tràng, viêm túi mật, áp-xe dưới cơ hoành… Chấn thương gan cũng là nguyên do dẫn đến nhiễm khuẩn ở gan.
  • Áp-xe gan do áp-xe đường mật: Là áp-xe do viêm đường mật lan sang mô gan gây nên. Nguyên nhân chủ yếu là do giun đũa từ đường ruột chui lên ống mật mang theo vi khuẩn đường ruột gây nhiễm khuẩn gan.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị áp-xe gan?

Bệnh có thể gặp ở bất cứ ai, kể cả nam hay nữ đặc biệt là những người sống ở vùng nhiệt đới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ áp-xe gan, bao gồm:

  • Ăn uống không đảm bảo vệ sinh.
  • Có tiền sử mắc các bệnh về gan như nhiễm trùng gan, suy yếu chức năng gan.
  • Nữ giới có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Tuy nhiên, tỷ lệ cao hơn là không nhiều.
  • Độ tuổi mắc bệnh cao vào khoảng 60 đến 70 tuổi.
  • Áp-xe gan cũng có thể gặp ở trẻ sơ sinh, liên quan đến thông tĩnh mạch rốn và nhiễm trùng.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán áp-xe gan

Các bác sĩ có thể chẩn đoán áp-xe gan bằng cách:

  • Siêu âm gan: Siêu âm sẽ cho ta thấy hình ảnh của ổ áp-xe, vị trí, kích thước, tính chất của áp-xe.
  • Chụp CT vùng bụng.
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết áp-xe bằng cách đưa kim thông qua bụng vào áp-xe để lấy mô và dịch để nghiên cứu dưới kính hiển vi.

Phương pháp điều trị áp-xe gan hiệu quả

Phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay đó là điều trị thuốc kháng sinh và dẫn lưu qua da:

  • Điều trị bằng thuốc kháng sinh: Giải pháp dành cho những bệnh nhân quá yếu không đáp ứng được các thủ tục xâm lấn. Biện pháp này cũng phù hợp với những bệnh nhân có quá nhiều ổ áp-xe không thể thực hiện dẫn lưu qua da hay phẫu thuật.
  • Dẫn lưu qua da: Với sự hỗ trợ hiệu quả của các kĩ thuật hình ảnh hướng dẫn, dẫn lưu và chọc hút qua da đã trở thành biện pháp ưu việt để chăm sóc bệnh nhân áp-xe.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Không ăn các loại thịt chưa nấu chín như nem chua, gỏi, tiết canh.
  • Không uống nước chưa đun sôi.
  • Cần rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh và trước mỗi bữa ăn.
  • Khi phát hiện cơ thể có ổ nhiễm khuẩn thì cần phải đi điều trị dứt điểm.
  • Khi nghi ngờ bị áp xe gan cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được xác định một cách chắc chắn và có hướng xử lý kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan