Đa ối

Tìm hiểu chung

Đa ối là gì?

Nước ối là dịch thể bao bọc quanh thai nhi với vai trò như một lớp đệm, để bảo vệ thai khỏi các chấn động và là môi trường trao đổi chất giúp thai nhi phát triển. Đa ối là tình trạng có quá nhiều nước ối khiến cho tử cung người mẹ quá căng và dễ dẫn đến sinh non.

Bình thường nước ối sẽ dao động trong khoảng 300 – 800ml, khi lượng nước này vượt trên 2000ml sẽ được gọi là đa ối. Tình trạng xảy ra vào khoảng tuần thứ 30 của thai kỳ.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị đa ối

Tùy theo cơ địa của mỗi người mà sẽ có các dấu hiệu khác nhau:

  • Tăng cân nhanh và quá nhiều;
  • Kích thước vòng bụng người mẹ tăng nhanh và cảm giác không thoải mái ở bụng;
  • Sưng chân, sưng phù chung cả cơ thể;
  • Chuyển động của thai nhi có xu hướng giảm;
  • Khó thở;
  • Ợ nóng, khó tiêu;
  • Bụng căng cứng, khó sờ nắn và cảm nhận rõ được chân tay của em bé bên trong;
  • Tử cung lớn nhanh, co thắt tử cung.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi thai phụ xuất hiện những dấu hiệu khó chịu như: gia tăng những cơn đau lưng, thở dốc, phù chân (nhất là ngón chân cái), nhịp tim tăng nhanh, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, táo bón, bí tiểu… thì nên đến gặp bác sĩ sớm để được siêu âm thai và chẩn đoán bệnh. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến đa ối

Do bệnh của mẹ:

  • Đái tháo đường trước hoặc trong thời gian mang thai.
  • Kháng thể kháng Rh và các bệnh tán huyết thứ phát do kháng thể bất thường có thể gây tình trạng thiếu máu thai nhi trầm trọng hoặc phù thai nhi có liên quan đến tình trạng đa ối.
  • Nhiễm virus các loại như rubella, cytomegalovirus và parvovirus B19.

Do rau thai:

U mạch máu màng đệm. Bệnh nhiễm khuẩn như các bệnh lý viêm nội mạc tử cung hoặc gây tổn thương bánh rau do nhiễm khuẩn giang mai.

Do thai:

  • Dị tật thai nhi và các bất thường di truyền (ở thận, đường tiêu hóa), bất thường nhiễm sắc thể.
  • Đa thai.
  • Thiếu máu thai nhi.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị đa ối?

Đa ối có thể ảnh hưởng đến mọi phụ nữ trong giai đoạn mang thai. Tuy nhiên bệnh cũng có thể phòng ngừa trước bằng cách tìm hiểu và giảm thiểu các yếu tố nguy cơ mắc bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Đa thai: hội chứng truyền máu song thai dẫn đến đa ối ở thai nhận máu.
  • Dị tật bẩm sinh của não và cột sống.
  • Đái tháo đường trước hoặc trong thai kì.
  • Khuyết tật cấu trúc hệ tiêu hóa (tắc ống thực quản hoặc ống tiêu hóa).
  • Vấn đề di truyền (vấn đề với các nhiễm sắc thể được di truyền): Hội chứng Down, hội chứng Edward.
  • Nhiễm vius rubella, viêm nội mạc tử cung.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đa ối

Bác sĩ có thể dựa trên các dấu hiệu lâm sàng như khi kích thước bụng của người mẹ không phù hợp với tuổi thai.. Khi sản phụ được siêu âm có thể cho ra hình ảnh rõ ràng của lượng nước ối và hỗ trợ việc chẩn đoán đa ối nếu có. Chỉ số AFI (dùng để đo lượng nước ối bao quanh em bé) bình thường là trong khoảng 8 – 18, AFI lớn hơn 20 – 24 cho thấy dấu hiệu đa ối.

Phương pháp điều trị đa ối hiệu quả

Bệnh hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, cách khả thi nhất hiện tại là theo dõi chặt chẽ người mẹ.

  • Nếu trường hợp dư ối nhẹ, bác sĩ có thể dặn bạn thăm khám thường xuyên và cho uống một số loại thuốc lợi tiểu.
  • Nguyên nhân do nhiễm khuẩn có thể điều trị bằng các kháng sinh an toàn cho thai nhi.
  • Nếu lượng nước ối tăng nhanh có thể dẫn đến vỡ ối sớm. Khi đó bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật chọc ối để rút bớt nước ối ra.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đa ối

Hầu hết các vấn đề về dư ối không xuất phát từ nguyên nhân chế độ ăn uống và dinh dưỡng của người mẹ, và nếu có thì cũng rất ít. Tuy nhiên nếu chế độ ăn uống không hợp lý có thể khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn, nên các bà mẹ mắc bệnh nên lưu ý các vấn đề sau:

  • Vẫn đảm bảo chế độ ăn uống bao gồm protein và chất đạm, cần thiết cho cả mẹ và sự phát triển của trẻ sơ sinh.
  • Ăn nhiều rau xanh nhưng hạn chế các loại rau nhiều nước.
  • Vẫn ăn trái cây như bình thường nhưng nên hạn chế các loại hoa quả mọng nước.
  • Không ăn mặn vì muối có thể giữ nước và khiến tình hình nghiêm trọng hơn.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Đa ối có thể gây nguy hiểm cho mẹ và cả bé không chỉ trong thai kỳ mà còn trong cả quá trình chuyển dạ. Vì thế gia đình cần lưu ý khám thai định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh để phát hiện các dị tật có nguy cơ gây đa ối. Ngoài ra người mẹ cũng cần:

  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
  • Hạn chế uống nước quá nhiều và giảm muối trong khẩu phần ăn.
  • Khi có dấu hiệu đa ối cần theo dõi sát sao và làm các xét nghiệm cần thiết để tìm nguyên nhân, rồi tiến hành điều trị.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn

Các bệnh liên quan