Đẻ non

Đẻ non là gì?

Thường các thai phụ khỏe mạnh sẽ sinh con vào khoảng tuần thứ 40 của thai kỳ, thời gian sinh thực tế cũng có thể chậm hoặc sớm hơn dự kiến 1 – 2 ngày. Tuy nhiên nếu sản phụ chuyển dạ khi chưa đủ 37 tuần (từ tuần 22 đến trước tuần thứ 37) của thai kỳ thì trường hợp đó gọi là đẻ non.

Tìm hiểu chung

Đẻ non là gì?

Thường các thai phụ khỏe mạnh sẽ sinh con vào khoảng tuần thứ 40 của thai kỳ, thời gian sinh thực tế cũng có thể chậm hoặc sớm hơn dự kiến 1 – 2 ngày. Tuy nhiên nếu sản phụ chuyển dạ khi chưa đủ 37 tuần (từ tuần 22 đến trước tuần thứ 37) của thai kỳ thì trường hợp đó gọi là đẻ non.

Khi bé ra đời sớm sẽ có hàng loạt vấn đề về sức khoẻ và sự phát triển kéo theo. Do đó, việc theo dõi và chăm sóc thai là rất quan trọng, giúp hạn chế và phát hiện sớm các vấn đề và can thiệp kịp lúc.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị đẻ non

Các dấu hiệu cho thấy sản phụ đẻ non có thể kể đến như:

  • Tăng tiết dịch âm đạo một cách bất thường;
  • Các cơn co thắt ở vùng bụng xuất hiện, kéo dài ở vùng bụng dưới;
  • Cơn đau ở vùng thắt lưng âm ỉ và dữ dội;
  • Vùng xương chậu trở nên nặng nề hơn;
  • Mệt mỏi, choáng váng, đau đầu, buồn nôn và tiêu chảy;
  • Thai nhi giảm hoạt động;
  • Vỡ nước ối.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi thai phụ có biểu hiện đau bụng từng cơn hoặc bụng dưới nặng, kèm theo đó là ra dịch nhầy âm đạo, máu hoặc nước ối… thì nên đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị, tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến đẻ non

Trên 50% trường hợp chuyển dạ đẻ non không tìm được nguyên nhân nhưng vẫn có một số yếu tố có thể gây ra như sau:

  • Do thai: Vỡ ối non, đa thai, đa ối, thai dị dạng, viêm màng ối do nhiễm trùng.
  • Do bệnh lý của mẹ: Cao huyết áp, viêm ruột thừa, tử cung dị dạng, từng sinh non hay sẩy thai, sản phụ hút thuốc, uống rượu hay stress thời gian dài.
  • Do nhau: Nhau tiền đạo, nhau bong non, thiểu năng nhau không đủ dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi.
  • Do sinh con muộn.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường bị đẻ non

Mọi sản phụ đều có nguy cơ sinh non. Tuy nhiên cũng có các yếu tố ảnh hưởng đến sinh non mà các bà mẹ có thể chú ý và phòng tránh, cũng như báo với bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ như:

  • Có tiền sử sinh non trước đó.
  • Đái tháo đường thai kì.
  • Tăng huyết áp.
  • Đa thai.
  • Đã từng có nhiều hơn 4 con.
  • Chấn thương.
  • Nhau tiền đạo, nhau bong non, suy nhau thai.
  • Sản phụ bị béo phì.
  • Cổ tử cung hoặc tử cung bất thường.
  • Có các bệnh lý cấp tính ở mẹ.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đẻ non

Nếu sản phụ có biểu hiện sinh non sẽ được kiểm tra xem cổ tử cung đã bắt đầu giãn chưa, và liệu các màng thai nhi có bị vỡ hay không.

Theo dõi chặt chẽ thời gian và khoảng cách giữa các cơn co thắt.

Trong một số trường hợp có thể được chỉ định sử dụng siêu âm để theo dõi chiều dài của cổ tử cung.

  • Khám cổ tử cung bằng tay (đánh giá chỉ số Bishop)
  • Siêu âm chiều dài cổ tử cung qua ngã âm đạo.

Xét nghiệm Fibronectin thai: quá trình do viêm và cơn gò tử cung có thể gây nên xuất tiết Fibronectin thai (là chất protein giữa màng nhau và ngoại sản mạc). Nếu tử cung có cơn gò nhưng xét nghiệm Fibronectin (âm tính) có thể loại trừ sanh non trong vòng 7- 10 ngày.

Chẩn đoán nhiễm trùng kèm theo:

  • Đo pH âm đạo.
  • Xét nghiệm dịch tiết âm đạo.
  • Phân tích nước tiểu để loại trừ nhiễm trùng niệu.
  • Huyết đồ, sinh hóa máu.

Phương pháp điều trị khi sản phụ đẻ non

Có 3 loại thuốc thường được sử dụng cho trường hợp đẻ non:

  • Corticosteroids trước sinh (ACS): thúc đẩy trưởng thành phổi thai nhi, giảm nguy cơ mắc bệnh lý sau sinh.
  • Kháng sinh: Điều trị nhiễm khuẩn.
  • Thuốc giảm co tử cung: Làm chậm hoặc ngừng cơn co chuyển dạ, thường trì hoãn và kéo dài được vài ngày.

Ngoài ra còn có thể điều trị với progesterone hoặc khâu eo cổ tử cung.

Đồng thời sản phụ nên được nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái tại giường cho đến khi chuyển dạ.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Chăm sóc sức khỏe tiền sản của thai phụ, đảm bảo khẩu phần ăn cân bằng và đầy đủ.
  • Tập thể dục nhẹ, tránh tập luyện quá sức trong lúc mang thai.
  • Ngay lập tức loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy.
  • Không cần kiêng giao hợp trong thai kỳ bình thường nhưng cần tránh giao hợp trong thai kỳ có nguy cơ sinh non.
  • Thai phụ nên đến khám và chẩn đoán sớm khi có những triệu chứng báo hiệu chuyển dạ sinh non như đau lưng, thoát dịch âm đạo bất thường hoặc tiêu chảy.
  • Cần xét nghiệm khí hư và điều trị các bệnh lý sớm.
  • Nếu bị sốt cao cấp tính cần được điều trị nhanh chóng.
  • Ăn 5 bữa một ngày thường xuyên (3 bữa chính và 2 bữa ăn nhẹ) thay vì chỉ ăn 3 bữa. Ăn nhiều bữa nhỏ một ngày sẽ giúp giảm thai nghén và giảm nguy cơ sinh non.
  • Uống thật nhiều nước.
  • Kiểm soát cân nặng, không để thừa hoặc thiếu quá.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin hằng ngày.
  • Có chế độ ăn uống cân bằng, đủ omega-3 axit béo (trong cá hồi, trứng, quả óc chó và hạt lanh); vitamin A (trong cà rốt, quả mơ và bông cải xanh); vitamin C (có trong cam quýt, dâu tây, ớt chuông) và vitamin E (trong các loại hạt, khoai lang và xoài).
  • Bổ sung canxi (trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác hoặc nước trái cây); magiê (trong hạt đậu, đậu phụ, sữa chua, chuối); sắt (trong thịt bò, trái cây và các sản phẩm đậu nành khô); kẽm (có trong thịt gà, thịt lợn, thịt bò, bột yến mạch, ngô, sò và trứng).
  • Quan trọng nhất là cần thêm đủ axit folic (trong các sản phẩm ngũ cốc, chuối, cam và các loại rau lá xanh đậm).
  • Chăm sóc răng miệng thường xuyên.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan