Hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu là bệnh gì?

Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao da của quy đầu dương vật bó chặt toàn bộ quy đầu, không thể lộn được về phía gốc dương vật hoàn toàn hoặc chỉ lộn được một phần của bao quy đầu. Ngay cả khi cương cứng bao quy đầu không thể tuột khỏi quy đầu của dương vật, dễ dẫn đến viêm nhiễm hay thậm chí là ung thư dương vật.

Đây là hiện tượng thường gặp ở cả trẻ nhỏ và nam giới trưởng thành. Nếu bệnh nhân không được điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, không những thế bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với sức khỏe nam giới.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp bao quy đầu

  • Trẻ nam lên 3 – 4 tuổi mà phần bao quy đầu vẫn không tuột khỏi quy đầu, không lộ phần đầu dương vật – quy đầu.
  • Nam giới trưởng thành khi dương vật cương cứng nhưng phần bao quy đầu vẫn bao trùm lấy quy đầu, không lộ phần quy đầu.
  • Dương vật cương cứng mà quy đầu không lộ được hoàn toàn hoặc khi bị tuột ra khỏi bao quy đầu thì không trở lại như cũ được.

Người mắc bệnh hẹp bao quy đầu dễ bị viêm nhiễm vùng bao quy đầu. Người bệnh có thể có biểu hiện đi tiểu nhiều lần. Thời kỳ đầu bao quy đầu có thể sưng đỏ, nghiêm trọng thì có tiết ra dịch mủ, đôi khi kèm sốt…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hẹp bao quy đầu là hiện tượng thường gặp ở mọi trẻ sơ sinh. Dần dần khi trẻ lớn lên lớp bao da quy đầu sẽ tự lột xuống. Thông thường trẻ khoảng 3 – 4 tuổi là bao quy đầu đã tuột xuống hoàn toàn. Một số trường hợp phải đến 9 – 10 tuổi bao quy đầu mới tuột xuống được. Thế nên phụ huynh không cần quá lo lắng vì hẹp bao quy đầu là hiện tượng bình thường ở trẻ nhỏ.

Tuy nhiên nếu bao quy đầu của trẻ có hiện tượng bị phồng to như bong bóng hoặc quá 10 tuổi mà trẻ vẫn chưa tuột được bao quy đầu thì cha mẹ cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế hoặc phòng khám chuyên khoa uy tín để được thăm khám và chữa trị sớm.

Hẹp bao quy đầu nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến một số biến chứng như: Viêm nhiễm quy đầu, viêm bao quy đầu, ung thư dương vật.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu thường do 2 nguyên nhân chủ yếu sau:

  • Do bẩm sinh: Lỗ bao da quy đầu nhỏ, hẹp.
  • Do bệnh lý: Nhiễm trùng tiết niệu, viêm dính do cặn nước tiểu.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị hẹp bao quy đầu?

Bé trai sơ sinh đến giai đoạn trưởng thành đều có nguy cơ mắc bệnh.

Tuy nhiên bệnh cũng có khả năng mắc phải khi bệnh nhân bị các bệnh viêm nhiễm vùng kín gây sẹo xơ hóa ở nam giới có bao quy đầu bình thường.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu là bệnh thường gặp ở nam giới. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng (tiền sử bệnh, triệu chứng của bệnh,…).

Với nam giới ở độ tuổi trưởng thành khi bị hẹp bao quy đầu do viêm nhiễm thì bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch để tiến hành xét nghiệm, từ đó xác định nguyên nhân và có hướng hỗ trợ và điều trị thích hợp.

Phương pháp điều trị hẹp bao quy đầu hiệu quả

Tùy theo mức độ hẹp bao quy đầu mà bác sĩ sẽ chỉ định những cách điều trị khác nhau.

  • Với trường hợp bán hẹp bao quy đầu, nam giới có thể dùng thuốc bôi hỗ trợ theo chỉ dẫn của bác sĩ để nong rộng bao quy đầu.
  • Đối với trường hợp hẹp bao quy đầu hoàn toàn, cách điều trị hiệu quả duy nhất là làm phẫu thuật cắt bao quy đầu. Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật hiện đại, ngày nay cắt bao quy đầu rất nhanh chóng, không đau, không chảy máu và không để lại biến chứng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hẹp bao quy đầu

Sau khi phẫu thuật thành công, bệnh nhân nên chú ý những điểm sau:

  • Tránh các chất kích thích như rượu, bia, đồ ăn cay nóng sau khi phẫu thuật để nhanh chóng hồi phục vết thương.
  • Tránh xem sách báo phim ảnh gây kích thích, tránh quan hệ tình dục.
  • Nằm nghỉ 3 – 4 ngày sau phẫu thuật, hạn chế đứng dậy lâu, hoạt động nhẹ nhàng.
  • Nên mặc quần lót rộng, chất liệu thoáng mát để dễ hút ẩm, tạo độ thông thoáng.

Phương pháp phòng bệnh hiệu quả

Hẹp bao quy đầu là bệnh lý bẩm sinh nhưng cũng có liên quan đến yếu tố bệnh lý khác, chúng ta cần phải phòng ngừa trước, tránh gây cản trở sinh hoạt về sau.

  • Chú ý vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ, nhất là những chất bẩn ở bao quy đầu cần nhanh chóng rửa sạch và không nên để lâu, cần tránh quan hệ tình dục không sạch sẽ, mặc đồ lót không sạch sẽ, giữ cho cơ quan sinh dục khô thoáng.
  • Nếu nam giới đang bị hẹp bao quy đầu và dài bao quy đầu cần tiến hành các biện pháp điều trị phù hợp sớm, không nên để lâu sinh ra vi khuẩn gây truyền nhiễm bệnh viêm bao quy đầu.
  • Tránh vi khuẩn truyền nhiễm: Nếu một người trong hai vợ chồng mắc phải bệnh truyền nhiễm cơ quan sinh dục, cần phải tiến hành chữa trị cùng lúc với cả hai người.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan