Hẹp môn vị

Hẹp môn vị là gì?

Hẹp môn vị hay còn gọi là tắc nghẽn môn vị là tình trạng thức ăn từ dạ dày không xuống được ruột non hoặc xuống rất hạn chế. Môn vị là một van cơ bắp giữ thức ăn trong dạ dày cho đến khi thức ăn sẵn sàng để được chuyển xuống ruột non và tiếp tục quá trình tiêu hóa. Hẹp môn vị là khi van này dày lên khiến lượng thức ăn không thể xuống hoặc xuống rất ít. Bệnh gây triệu chứng nôn ói, cơn đau do co thắt dạ dày, mất nước, sụt cân. Hẹp môn vị phổ biến ở trẻ sơ sinh. Bệnh có thể được điều trị bằng phẫu thuật môn vị.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hẹp môn vị

Dấu hiệu của chứng hẹp môn vị thường xuất hiện trong vòng 3 – 5 tuần sau khi sinh. Hẹp môn vị hiếm ở trẻ lớn hơn 3 tháng tuổi. Những triệu chứng có thể kể đến như là:

  • Nôn mửa;
  • Ợ chua, ợ nóng do trào ngược dạ dày;
  • Đau bụng âm ỉ;
  • Đầy hơi sau khi ăn;
  • Luôn cảm thấy đói;
  • Sụt cân, mất nước.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh hẹp môn vị

Khi nôn mửa có thể làm mất nước và mất chất điện giải, nếu không được bổ sung kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến mạch đập ở tim và nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu trào ngược dạ dày lặp đi lặp sẽ gây kích thích dạ dày thậm chí là chảy máu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra nếu bạn hoặc trẻ có các dấu hiệu sau:

  • Thường xuyên nôn mửa sau khi ăn.
  • Ít hoạt động hoặc có vẻ dễ cáu kỉnh.
  • Đi tiểu ít thường xuyên hơn.
  • Không tăng cân, hoặc có vẻ giảm cân.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến hẹp môn vị

Bệnh hẹp môn vị khá phổ biến nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Một số yếu tố được xem là tác nhân gây bệnh như gen. Nếu trong gia đình có bố/mẹ đã từng bị hẹp môn vị thì nguy cơ con mắc bệnh là cao hơn hẳn. Ngoài ra, hẹp môn vị có thể liên quan đến tình trạng loét dạ dày, bị khối u ở môn vị hoặc do sẹo sau phẫu thuật.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh hẹp môn vị?

Bệnh nhân hẹp môn vị phổ biến ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở các bé trai nhiều hơn bé gái.

Nếu trẻ dùng thuốc kháng sinh để chữa bệnh trong tuần đầu chào đời hoặc mẹ dùng kháng sinh trong thời điểm sắp sinh nở thì khả năng cao trẻ bị hẹp môn vị.

Yếu tố làm tăng nguy cơ hẹp môn vị, bao gồm:

  • Giới tính: Hẹp môn vị xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới hơn ở nữ.
  • Thứ tự sinh: Trẻ đầu lòng có nguy cơ bị hẹp môn vị cao hơn trẻ sinh sau.
  • Lịch sử gia đình: Nếu thành viên trong gia đình từng bị hẹp môn vị thì khả năng trẻ sinh ra trong gia đình đó cũng bị hẹp môn vị.
  • Sử dụng kháng sinh: Một số thuốc kháng sinh, chẳng hạn như erythromycin có thể làm tăng nguy cơ hẹp môn vị.
  • Người có tiền sử bị viêm loét dạ dày.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh hẹp môn vị

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng mà bạn gặp phải, khám lâm sàng, kiểm tra bệnh sử và tiến hành một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán.

Các xét nghiệm bao gồm:

  • Khám tổng quát bụng để phát hiện bất thường như khối u.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra dấu hiệu của việc mất chất điện giải do nôn mửa liên tục và mất nước.
  • Siêu âm để kiểm tra dạ dày.
  • Chụp X-quang nuốt bari để thấy rõ môn vị.

Phương pháp điều trị bệnh hẹp môn vị hiệu quả

Điều trị hẹp môn vị thường cần dùng đến phẫu thuật. Có hai phương pháp phẫu thuật phổ biến là mổ hở và nội soi.

  • Mổ hở để mổ cơ môn vị, cắt bỏ phần môn vị bị phù và dày.
  • Nội soi và đặt bong bóng vào môn vị. Sau đó bong bóng được bơm lên để kéo giãn môn vị ra.

Thuốc an thần có thể được dùng để giảm đau sau phẫu thuật. Phẫu thuật mở môn vị hoặc làm giãn môn vị thường có kết quả tốt. Bạn hoặc trẻ có thể ăn lại sau 6 – 8 tiếng.

Điều trị hẹp môn vị cần phải kết hợp điều trị với nguyên nhân gây bệnh.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hẹp môn vị

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Đặt túi ấm trên vùng mổ để trẻ cảm thấy đỡ đau và khó chịu.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị; nhất là khi sau khi mổ, trẻ bị chảy máu, viêm vùng mổ hoặc bị sốt.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bạn có thể phòng ngừa bệnh hẹp môn vị bằng cách:

  • Phòng ngừa bệnh viêm loét dạ dày vì viêm loét dạ dày cũng là nguyên nhân dẫn đến hẹp môn vị.
  • Có chế độ ăn uống khoa học, nên ăn chậm và nhai kỹ. Không ăn nhiều thực phẩm có vị chua vì dễ gây viêm loét dạ dày.
  • Hạn chế hút thuốc, uống rượu, các thức uống chứa cồn, nước tà pha đặc, nước chứa caffeine.
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan