Hở van ba lá

Tìm hiểu chung

Hở van ba lá là gì?

Van ba lá nằm ở giữ tâm nhĩ phải và tâm thất phải của tim. Van mở ra khi tâm nhĩ co lại để bơm máu vào tâm thất, đóng lại khi tâm thất co lại để ngăn máu chảy ngược về tâm nhĩ.

Hở van ba lá là tình trạng van không đóng chặt lại được khiến cho máu chảy ngược về tâm nhĩ, điều này làm cho tâm nhĩ phải hoạt động nhiều hơn và trở nên to ra.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của hở van ba lá

Trong tình trạng nhẹ bạn có thể không gặp bất kì triệu chứng nào. Các triệu chứng thường xuất hiện sau vài năm mắc bệnh, bao gồm:

  • Sưng bàn chân, cẳng chân, sưng bụng;
  • Khó thở, đặc biệt là khi nằm xuống.

Một số dấu hiệu khác khi bệnh tiến triển nặng hơn như:

  • Yếu ớt, mệt mỏi;
  • Lượng nước tiểu thấp;
  • Bị rối loạn nhịp tim do tâm nhĩ không co bóp như bình thường
  • Máu dồn lại ở tâm nhĩ và có thể hình thành huyết khối, những cục máu này có thể di chuyển đến não và gây đột quỵ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh hở van ba lá

Ở mức độ nhẹ, hở van ba lá chỉ gây ra mệt mỏi, khó thở, đau ngực… Tuy nhiên, nếu không được khám và điều trị, bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy tim, huyết khối.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vì hở van ba lá là bệnh diễn tiến và có thể gây biến chứng nguy hiểm như suy tim. Vậy nên, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh như mệt mỏi, đau ngực, khó thở đối với các hoạt động bình thường, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến hở van ba lá

Nguyên nhân gây tổn thương van ba lá có thể là do dị tật bẩm sinh hoặc có thể do:

  • Sự mở rộng tâm thất phải gây ra bởi tăng huyết áp phổi.
  • Nhiễm trùng tim như sốt thấp khớp hoặc nhiễm khuẩn màng trong tim cũng có thể gây ra bệnh.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải hở van ba lá?

Chưa có nghiên cứu rõ ràng về nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao. Bệnh có thể xảy ra với mọi lứa tuổi, giới tính.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hở van ba lá bao gồm:

  • Nhiễm trùng.
  • Một cơn đau tim.
  • Suy tim.
  • Tăng huyết áp động mạch phổi.
  • Các bệnh về tim mạch.
  • bệnh tim bẩm sinh.
  • Sử dụng một số loại thuốc nhất định.
  • Bức xạ.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hở van ba lá

Bác sĩ có thể chẩn đoán sơ bô thông qua việc khám lâm sàng, điều tra bệnh sử. Ngoài ra, để có kết luận chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện các bước:

  • Theo dõi tiếng tâm thu: Giúp bác sĩ xác định vị trí van nào bị ảnh hưởng.
  • Các xét nghiệm bao gồm:
    • Siêu âm tim: Tìm ra các bất thường trong tim của bạn.
    • Chụp X-quang ngực.
    • Điện tâm đồ: Cho thấy những thay đổi trong hệ thống hoạt động của tim như nhịp đập bất thường.

Phương pháp điều trị hở van ba lá hiệu quả

Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị khác nhau, bao gồm:

  • Trường hợp nhẹ thì không cần phải điều trị, đối với người rối loạn tim có thể dùng thuốc chống đông tụ để ngăn ngừa huyết khối.
  • Trường hợp bị suy tim có thể dùng thuốc lợi tiểu làm giảm lượng chất lỏng trong máu để tim không phải làm việc nặng. Dùng thuốc giãn mạch khi bệnh suy tim của bạn nặng hơn.
  • Trường hợp hở van ba lá nặng, bạn có thể phẫu thuật thay van tim mới.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hở van ba lá

Bạn có thể hạn chế diễn tiến của bệnh bằng các thói quen sinh hoạt sau:

  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định.
  • Hạn chế chất lỏng và muối trong ăn uống.
  • Tập thể dục theo lời khuyên của bác sĩ.
  • Gọi cho bác sĩ nếu bạn gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc hoặc có triệu chứng mới nặng hơn như đau ngực, thở gấp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, sưng tay hoặc bụng.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan