Khô miệng

Tìm hiểu chung

Khô miệng là gì?

Tuyến nước bọt trong miệng có chức năng giúp việc nhai, nuốt, nếm, nói chuyện, giúp miệng giữ vững độ pH; nước bọt còn giúp ngừa sâu răng bằng cách trung hòa lượng acid trong khoang miệng, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

Tuyến nước bọt hoạt động kém khiến miệng khô, tình trạng này được gọi là khô miệng. Khi bị khô miệng, các bạn sẽ gặp những tình trạng sau đây: Lở loét tại các góc miệng, nứt môi chảy máu, nguy cơ nhiễm nấm trong miệng, tăng các mảng bám, sâu răng, viêm nướu răng, khó khăn trong việc nhai và nuốt thức ăn.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của khô miệng

Dễ nhận thấy nhất ở bệnh khô miệng đó là những dấu hiệu sau đây:

  • Cảm giác miệng và cổ họng khô;
  • Nước bọt trong miệng khá sệt, dính và thường xuyên cảm thấy khát nước;
  • Hơi thở có mùi hôi khó chịu;
  • Khó khăn trong việc nói chuyện, nhai, nuốt thức ăn;
  • Khẩu vị ăn uống thay đổi;
  • Xuất hiện tình trạng sâu răng, bệnh về nướu.

Còn những dấu hiệu khác nhưng do chỉ xảy ra ở một số người nên không được đề cập.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến khô miệng

  • Tổn thương thần kinh: Đó là ảnh hưởng của các cuộc chấn thương do tai nạn hay phẫu thuật vùng đầu và cổ có thể dẫn đến tình trạng khô miệng.
  • Ảnh hưởng của phương pháp trị bệnh: Xạ trị hoặc thuốc hóa trị gây nên sự thay đổi trong cơ thể, ảnh hưởng lên tuyến nước bọt khiến tuyến nước bọt hoạt động kém.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Đặc biệt là các loại thuốc trị bệnh trầm cảm, lo âu, đau thần kinh, thuốc giảm đau các loại, thuốc kháng histamin,…
  • Ảnh hưởng bởi một số bệnh lý: HIV/AIDS, bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer, tiểu đường, xơ nang, cao huyết áp, bệnh Parkinson, và còn nhiều bệnh khác nữa.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc khô miệng?

Khô miệng là tình trạng có thể xuất hiện ở bất kỳ giới tính và lứa tuổi nào. Tuy nhiên, theo thống kê của bộ y tế thì bệnh thường xuất hiện nhiều ở nữ giới hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc khô miệng, bao gồm:

  • Hút thuốc lá càng nhiều thì tình trạng khô miệng càng trầm trọng.
  • Lão hóa: Nhiều bệnh lý liên quan đến sự lão hóa, gián tiếp dẫn đến tình trạng khô miệng.
  • Mất nước: Các bệnh khiến cơ thể mất nước như tiêu chảy, sốt cao, đổ mồ hôi nhiều cũng gây khô miệng.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán khô miệng

Các bác sĩ hay nha sĩ sẽ khám miệng, điều tra tiền sử hay bệnh nhân có đang điều trị bệnh lý nào không, từ đó mới xác định bệnh nhân có bị khô miệng hay khô miệng ở mức độ nào.

Nếu nguyên nhân không do ảnh hưởng của bất kỳ loại thuốc nào thì bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu, quét hình ảnh của tuyến nước bọt; thậm chí sinh thiết tuyến nước bọt để xác định nguyên nhân khô miệng. Sau khi đã có tất cả kết quả các xét nghiệm, các bác sĩ hoặc nha sĩ mới đưa ra các chẩn đoán phù hợp nhất.

Phương pháp điều trị khô miệng hiệu quả

Bác sĩ dựa vào nguyên nhân mà đưa ra giải pháp điều trị phù hợp:

  • Thuốc là nguyên nhân gây khô miệng: Bác sĩ sẽ điều chỉnh lượng thuốc hoặc thay đổi loại thuốc khác để không còn tình trạng khô miệng.
  • Chỉ định hoặc gợi ý cho bệnh nhân sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm miệng góp phần cải thiện tình trạng khô miệng.
  • Trường hợp khô miệng nặng: Bác sĩ chỉ định một số loại thuốc để kích thích tuyến nước bọt hoạt động mạnh hơn, tăng lượng nước bọt như bình thường, chẳng hạn như thuốc cevimeline hoặc pilocarpine.
  • Để ngăn ngừa hậu quả của việc khô miệng, bác sĩ khuyên bệnh nhân đeo khay fluoride trong vài phút vào buổi tối; sử dụng chlorhexidine hàng tuần để kiểm soát tình trạng răng sâu.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Thở bằng mũi và hạn chế tối đa việc thở bằng miệng.
  • Bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất caffeine, chất kích thích hoặc ăn uống thực phẩm chứa nhiều đường, chất acid.
  • Kiểm tra răng miệng theo định kỳ mỗi năm.
  • Thường xuyên uống nước lọc để làm ẩm miệng cũng như cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan