Lạc nội mạc tử cung

Tìm hiểu chung

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý trong đó các mô bình thường phát triển bên trong, tử cung lại phát triển bên ngoài tử cung. Những mô phát triển không đúng này vẫn hoạt động như các mô tử cung bình thường, chúng có phản ứng với sự thay đổi của nồng độ estrogen, cũng bị bong ra và chảy máu trong chu kì kinh nguyệt. Tuy nhiên, do phát triển bên ngoài tử cung nên máu không thể chảy ra ngoài cơ thể mà bị tích lại, dẫn đến chảy máu bên trong và nhiễm trùng. Hiện tượng chảy máu này hàng tháng cũng có thể tạo ra mô sẹo.

Bệnh tuy lành tính nhưng gây cho bệnh nhân nhiều đau đớn và khó chịu vào mỗi kỳ hành kinh do hiện tượng chảy máu, viêm và hình thành mô sẹo. Hơn nữa bệnh nhân còn có nguy cơ mắc phải vô sinh cao hơn bình thường.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị lạc nội mạc tử cung

Triệu chứng thường thấy nhất ở các bệnh nhân là đau bụng dưới kinh niên, đặc biệt là trước và trong khi hành kinh, cũng có thể bị đau khi quan hệ tình dục.

  • Nếu mô bệnh lạc chỗ ở ruột: có thể bị đau khi đại tiện;
  • Nếu mô bệnh lạc chỗ ở bàng quang: có thể bị đau khi đi tiểu;
  • Máu kinh ra nhiều và chu kỳ rối loạn cũng là một triệu chứng của lạc nội mạc tử cung;
  • Có nhiều phụ nữ mắc bệnh mà không có triệu chứng gì rõ ràng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có biểu hiện đau bụng dữ dội vào mỗi kỳ hành kinh, và chu kỳ cũng thường xuyên rối loạn kèm theo đó là các triệu chứng có thể kể đến như tiểu đau, có máu, không có con sau 1 năm không phòng tránh, đau vùng chậu… thì nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến lạc nội mạc tử cung

Nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên có thể do các yếu tố: bệnh phụ khoa, hậu phẫu hoặc rối loạn nội tiết… gây ra.

  • Máu kinh bị chảy ngược: Trong máu kinh có chứa những tế bào nội mạc tử cung, máu kinh chảy ngược lại qua ống dẫn trứng và khoang xương chậu thay vì bị đẩy ra khỏi cơ thể, làm cho các tế bào này bị bám lại các vùng bên ngoài của tử cung mà không đi ra ngoài.
  • Quan hệ tình dục trong những ngày bị hành kinh.
  • Tăng trưởng tế bào phôi.
  • Do phẫu thuật, những vết sẹo do phẫu thuật có thể khiến các tế bào nội mạc tử cung dính vào đó, gây lạc nội mạc tử cung.
  • Hệ miễn dịch rối loạn.
  • Hệ thống mạch máu hoặc các mô chất lỏng (bạch huyết) có thể vận chuyển lớp lót nội mạc tử cung đến các bộ phận khác của cơ thể.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung?

Mọi phụ nữ đều có nguy cơ là đối tượng của bệnh, tuổi mắc bệnh trung bình là 27 tuổi. Tuy nhiên bệnh cũng có thể dự phòng trước nhờ vào các yếu tố tăng nguy cơ như:

  • Tiền sử viêm vùng chậu.
  • Có kinh trước 12 tuổi.
  • Hình dạng bất thường của tử cung.
  • Có tiền sử gia đình từng mắc bệnh.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lạc nội mạc tử cung

Bởi vì triệu chứng của bệnh còn mơ hồ và giống với một số bệnh lý khác, nên việc xác định bệnh cần có thời gian loại trừ các yếu tố nguy cơ. Xét nghiệm được bác sĩ dùng để chẩn đoán chắc chắn nhất là dựa vào việc nội soi và lấy mẫu mô làm xét nghiệm, để xác định mẫu mô đó đúng là tế bào nội mạc tử cung hay không.

Phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung hiệu quả

Phụ thuộc vào tình trạng diễn biến của bệnh và nguyện vọng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thích hợp. Mục đích chính của việc điều trị bệnh là: giảm đau, chữa trị hiếm muộn, chữa lành các tổn thương của nội mạc tử cung. Một số phương pháp có thể kể đến như:

  • Dùng thuốc giảm đau: Sử dụng các thuốc giảm đau bụng kinh theo chỉ thị của bác sĩ.
  • Liệu pháp Hormone: Bổ sung nội tiết tố có thể làm giảm hoặc loại bỏ cơn đau. Giúp ngăn chặn sự tăng trưởng các mô nội mạc tử cung phát triển phía bên ngoài, khuyết điểm của phương pháp này là không dùng để chữa lâu dài.
  • Phẫu thuật: Giúp giảm đau và tăng khả năng sinh sản. Trong quá trình phẫu thuật, mô bệnh sẽ được cắt bỏ đi. Mổ nội soi loại bỏ những lớp lót nội mạc tử cung bị “lạc”. Cần khám thường xuyên từ 3-6 tháng sau khi phẫu thuật để tránh tái phát.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lạc nội mạc tử cung

  • Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi.
  • Bổ sung các chất axit béo omega-3 (có trong các loại cá đặc biệt là cá hồi).
  • Đậu hũ, sữa đậu nành có chứa nhiều estrogen thực vật và điều chỉnh tốt các hoạt động của estrogen.
  • Hạn chế uống bia, rượu, chất kích thích, hạn chế những thực phẩm có nguồn gốc từ sữa như: bơ, phô-mai.
  • Vào những ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt nên ăn các thức ăn dễ tiêu hóa.
  • Chườm nước nóng để vào vùng bụng dưới sẽ giúp giảm bớt cơn đau.
  • Trong thời gian điều trị lạc nội mạc tử cung nên kiêng quan hệ tình dục để tránh máu lại trào ngược.
  • Nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng vào ngày ấy.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bệnh có thể được phòng ngừa bằng cách tạo một môi trường sống lành mạnh cho sức khỏe sinh sản:

  • Vệ sinh vùng kín hằng ngày bằng nước muối pha loãng.
  • Quan hệ tình dục an toàn.
  • Ăn nhiều hoa quả và rau xanh, uống nhiều nước.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu protein giúp duy trì cân bằng hormone.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan