Loét tiêu hóa

Loét tiêu hóa là bệnh gì?

Loét tiêu hóa là tình trạng trên lớp niêm mạc lót trong của dạ dày, thực quản, tá tràng,… xuất hiện một lỗ. Tùy vào từng vị trí cụ thể mà sẽ có loét dạ dày, loét tá tràng và loét thực quản. Vết loét nhỏ có thể không gây triệu chứng, nhưng khi vết loét lớn có thể làm đau bụng, chảy máu, buồn nôn, mệt mỏi, sụt cân. Nguyên nhân gây loét là do lớp niêm mạc lót trong của các bộ phận này bị axit trong dạ dày tiết ra bào mòn lâu ngày hoặc do vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.pylori) gây ra. Bệnh có thể điều trị bằng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của loét tiêu hóa

Nếu vết loét nhỏ có thể không xuất hiện triệu chứng nào. Khi vết loét lớn có thể có các triệu chứng như:

  • Đau bụng;
  • Chảy máu nghiêm trọng;
  • Đầy bụng;
  • Hay đói và có cảm giác dạ dày bị rỗng;
  • Buồn nôn;
  • Phân có màu đen;
  • Tức ngực;
  • Mệt mỏi;
  • Sụt cân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh loét tiêu hóa

Thông thường bệnh nhân bị loét tiêu hóa vẫn thực hiện được các chức năng tiêu hóa. Tuy nhiên nếu tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến một số biến chứng bao gồm loét xuất huyết, tắc nghẽn dạ dày và thủng dạ dày.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến loét tiêu hóa

Mặc dù axit trong dạ dày là yếu tố trực tiếp dẫn đến ổ loét tiêu hóa nhưng nguyên nhân hàng đầu gây bệnh được cho là do bị nhiễm vi khuẩn H.pylori.

Ngoài ra, việc sử dụng thường xuyên các loại thuốc kháng viêm, thường là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như aspirin và hút thuốc lá cũng được xem là nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, hút thuốc không chỉ gây loét mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn trong việc điều trị.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh loét tiêu hóa?

Bất kì ai cũng có thể bị loét tiêu hóa. Người uống thuốc hoặc hút thuốc trong thời gian dài có khả năng mắc bệnh cao hơn.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh loét tiêu hóa

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng mà bạn gặp phải, hỏi về tiền sử bệnh lý, thói quen hút thuốc hoặc các thuốc bạn đang sử dụng; đồng thời kết hợp làm một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán. Các xét nghiệm được dùng bao gồm:

  • Nội soi đường tiêu hóa trên (EGD): Giúp quan sát hệ tiêu hóa và phát hiện ổ loét. Nội soi còn giúp lấy mẫu mô (sinh thiết) để xét nghiệm xem có nhiễm H.pylori không.
  • Xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ hemoglobin để xác định tình trạng thiếu máu.
  • Xét nghiệm phân để kiểm tra máu trong phân.
  • Chụp X-quang cản quang đường tiêu hóa trên với barium. Tuy nhiên, chụp X-quang với barium ít chính xác và 20% trường hợp không phát hiện được loét.

Phương pháp điều trị bệnh loét tiêu hóa hiệu quả

Các thuốc dùng trong điều trị loét tiêu hóa bao gồm:

  • Dùng thuốc chống axit để trung hòa lượng axit trong dạ dày. Thuốc cần phải sử dụng thường xuyên.
  • Thuốc kháng histamin để ngăn chặn tình trạng histamin kích thích dạ dày tiết axit.
  • Dùng kháng sinh diệt vi khuẩn H.pylori.
  • Nếu vết loét không do H.pylori (loét do dùng thuốc aspirin hoặc các NSAIDs,…) thì bạn có thể phải ngừng dùng thuốc và bác sĩ sẽ kê toa một loại thuốc ức chế bơm proton trong 8 tuần. Nếu không thể ngưng dùng thuốc aspirin hoặc các NSAIDs, thì bác sĩ sẽ thay thế bằng những loại thuốc có khả năng chữa loét tiêu hóa và có thể đi cùng với các thuốc bạn đang dùng.
  • Nếu loét dạ dày gây chảy máu nhiều, các phương pháp được sử dụng để cầm máu bao gồm: Tiêm thuốc vào vết loét, kẹp kim loại các vết loét.
  • Phẫu thuật có thể cần thiết khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh loét tiêu hóa

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Mặc dù không có cơ sở nào cho thấy rượu và cà phê gây loét tiêu hóa, tuy nhiên rượu có thể làm viêm dạ dày và cà phê kích thích dạ dày tiết axit nên bạn nên hạn chế sử dụng hai loại thức uống này.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Không hút thuốc.
  • Không dùng các loại thuốc kháng viêm như aspirin, ibuprofen… nếu như chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Hạn chế dùng rượu, cà phê hay các thức uống chứa cồn, có gas.
  • Không ăn các thức ăn nhiều gia vị cay nóng như tiêu, ớt, tỏi, gừng.
  • Không ăn các thức ăn có vị chua.
  • Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.
  • Không ăn các thức ăn cứng, khó tiêu như vỏ tôm, vỏ tép, hạt ổi, hạt cà chua.
  • Không ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Không làm việc nặng trước và ngay sau bữa ăn.
  • Không thức khuya.
  • Tránh mọi căng thẳng về thể chất và tinh thần.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan