Rối loạn chức năng tình dục

Rối loạn chức năng tình dục là gì?

Rối loạn chức năng tình dục là các rối loạn mãn tính có liên quan tới việc không có khả năng phản ứng lại một cách hiệu quả với kích thích tình dục của bạn tình trong thời gian dài. Dù bản thân hay bạn tình cố gắng đến đâu cũng không thể khiến cho cá nhân đạt được thỏa mãn. Nguyên nhân của hiện tượng này là do các yếu tố sinh học hay tâm lý tác động. Bệnh có thể tác động đến cả hai giới, gây ảnh hưởng đến tinh thần và cả sức khỏe của người mắc bệnh.

Tìm hiểu chung

Rối loạn chức năng tình dục là gì?

Rối loạn chức năng tình dục là các rối loạn mãn tính có liên quan tới việc không có khả năng phản ứng lại một cách hiệu quả với kích thích tình dục của bạn tình trong thời gian dài. Dù bản thân hay bạn tình cố gắng đến đâu cũng không thể khiến cho cá nhân đạt được thỏa mãn. Nguyên nhân của hiện tượng này là do các yếu tố sinh học hay tâm lý tác động. Bệnh có thể tác động đến cả hai giới, gây ảnh hưởng đến tinh thần và cả sức khỏe của người mắc bệnh.

Các nhóm rối loạn tình dục bao gồm: rối loạn ham muốn tình dục, rối loạn hưng phấn tình dục, rối loạn cực khoái, rối loạn đau khi quan hệ, và các rối loạn tình dục không thuộc những nhóm trên.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn chức năng và tình dục

Tùy thuộc vào dạng rối loạn tình dục mà bệnh nhân có các triệu chứng khác nhau. Một số dạng triệu chứng thường gặp ở cả hai giới có thể kể đến như:

  • Rối loạn ham muốn tình dục: giảm ham muốn và rối loạn dạng ghét tình dục. Ghét tình dục là sự căm ghét cực độ và kéo dài, biểu hiện qua việc né tránh các tiếp cận tình dục với bạn tình.
  • Rối loạn xuất tinh: bao gồm xuất tinh sớm, xuất tinh muộn, giao hợp không xuất tinh và xuất tinh ngược dòng.
  • Đau khi xuất tinh.
  • Rối loạn cực khoái: chậm trễ hay không lặp đi lặp lại cực khoái liên tục sau giai đoạn kích thích tình dục bình thường.
  • Rối loạn cương dương: không đạt được sự cương cứng dương vật và duy trì mức độ cần thiết để đảm bảo sinh hoạt tình dục bình thường.
  • Phụ nữ thấy đau đớn khi quan hệ, cảm thấy hổ thẹn và lo lắng, mất ngủ.
  • Khô âm đạo có thể dẫn đến các vấn đề kích thích, ham muốn tình dục thấp và thậm chí là đau khi quan hệ vì âm đạo không được bôi trơn…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất cứ khi nào nhận thấy vấn đề tình dục ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng, dẫn đến rối loạn lo âu và hổ thẹn thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán chữa trị. Việc điều trị sớm sẽ giúp cải thiện bệnh, đồng thời giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng tình dục.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến rối loại chức năng tình dục

Nguyên nhân gây rối loạn chức năng tình dục là rất nhiều và phức tạp. Một số nguyên nhân chủ yếu thường gặp là:

  • Rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ:
    • Thay đổi hormone sau thời kỳ mãn kinh hoặc trong thời kì cho con bú, các vấn đề về tâm lý như lo âu về tình dục… có thể gây khô âm đạo.
    • Nồng độ hormone estrogen thấp dẫn đến ham muốn tình dục thấp.
    • Thuốc chống trầm cảm khiến khó đạt cực khoái.
    • Khô âm đạo hoặc lạc nội mạc tử cung gây đau khi quan hệ.
  • Rối loạn chức năng tình dục ở nam giới:
    • bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp,… gây rối loạn cương dương.
    • Thuốc chống trầm cảm, lo lắng khi quan hệ… gây rối loạn xuất tinh (xuất tinh sớm, không có khả năng xuất tinh).
    • Các vấn đề về tâm lý, nồng độ hormone thấp… gây giảm ham muốn ở nam giới.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh rối loạn chức năng tình dục?

Bệnh có thể mắc phải ở cả hai giới trong độ tuổi sinh sản. Bệnh gây tác động tinh thần rất lớn đến cả cá nhân lẫn bạn tình, cần chú ý các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh sau để phòng tránh sớm:

  • Mắc các bệnh và các viêm nhiễm khác nhau gây trở ngại đến chức năng tình dục, thường bao gồm: ốm yếu, viêm nhiễm trầm trọng và mãn tính, bệnh tim, tiểu đường, rối loạn dạ dày-ruột,…
  • Tổn thương hay khủng hoảng liên quan đến não bộ, hệ thần kinh và vùng sinh dục.
  • Dùng các loại thuốc chống tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, ma tuý, và thức uống chứa cồn…
  • Mâu thuẫn tâm lý, stress và lo âu kéo dài.
  • Quan niệm tình dục là sai trái, không cởi mở trong quan hệ.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn chức năng tình dục

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ hỏi bệnh sử và tiến hành khám thực thể. Các xét nghiệm thường được chỉ định gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu với tuyến tiền liệt (PSA), kiểm tra mức độ Testosterone.
  • Điện tâm đồ (EKG), phân tích nước tiểu (UA).
  • Ngoài ra bệnh nhân có thể được kiểm tra bổ sung nếu có yêu cầu.

Phương pháp điều trị rối loạn chức năng tình dục hiệu quả

Thuốc chữa rối loạn tình dục ở nữ giới:

  • Apomorphine: Làm tăng khả năng cảm nhận của người phụ nữ đối với các kích thích tình dục.
  • Testosterone: Dùng nhiều cho phụ nữ có trạng thái giảm ham muốn.
  • Vasomax: Làm cho âm đạo tăng xung huyết, tăng dịch nhờn, thậm chí cả trạng thái hưng phấn.
  • Viagra: Xung huyết vùng âm đạo và tăng bài tiết dịch nhờn.

Thuốc chữa rối loạn tình dục ở nam giới:

  • Trường hợp rối loạn cương: Điều trị không đặc hiệu (độc lập với nguyên nhân gây ra rối loạn cương) và điều trị đặc hiệu theo nguyên nhân.
  • Rối loạn xuất tinh:
    • Xuất tinh sớm: Thuốc tê thoa quy đầu tại chỗ như kem hay thuốc xịt Lidocain và Prilocaine, các PDE5i (Sildenafil, Vardenafil, Tadalafil) và SSRI.
    • Chậm xuất tinh, không xuất tinh: Nếu bệnh nhân đang sử dụng SSRI thì cần ngưng thuốc và chuyển sang Trazodone. Nếu không đang dùng SSRI thì sử dụng Phenylephrine.
    • Xuất tinh ngược dòng: Điều trị bằng các chất giống giao cảm có thể có hiệu quả như Pseudoephedrine, Ephedrine, Phenylpropanolamine
  • Giảm ham muốn tình dục ở nam giới: Điều trị giảm ham muốn tình dục ở những trường hợp lo âu, trầm cảm bằng các phương pháp
    • Chờ hồi phục tự nhiên.
    • Giảm liều hay đổi thuốc (sử dụng Trazodone).
    • Dùng thuốc chống trầm cảm sau quan hệ tình dục.
    • Dùng thuốc chống trầm cảm ít gây rối loạn cương (ví dụ Tianeptine).
    • Ngưng thuốc ngày cuối tuần.
    • Dùng thêm thuốc hỗ trợ cương dương PDE5i.
    • Liệu pháp tâm lý hỗ trợ.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn chức năng tình dục

  • Áp dụng những phương pháp điều trị thích hợp theo chẩn đoán kê đơn của bác sĩ.
  • Trao đổi cởi mở với bạn tình về quan hệ tình dục.
  • Tập những bài tập làm chắc khỏe cơ vùng chậu (bài tập Kegel) giúp điều hòa những vấn đề về ham muốn và cực khoái.
  • Tránh uống rượu, hút thuốc, và sử dụng ma túy.
  • Giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Cung cấp năng lượng cho cơ thể thường xuyên bởi chế độ dinh dưỡng khoa học.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Chú ý phong cách sống và sinh hoạt hằng ngày có thể giảm nguy cơ mắc rối loạn chức năng tình dục

  • Không sử dụng các chất kích thích, thuốc lá hay uống rượu bia thường xuyên.
  • Tăng cường vận động điều độ.
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
  • Có thói quen sinh hoạt tình dục hợp lý và điều độ.
  • Điều chỉnh tâm lý, không để căng thẳng và áp lực túc trực.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan