Rối loạn cương dương

Tìm hiểu chung

Rối loạn cương dương là gì?

Rối loạn cương dương là rối loạn chức năng tình dục ở nam giới, biểu hiện rõ nét ở việc độ cương cứng của dương vật không đủ để tiến hành cuộc giao hợp một cách trọn vẹn.

Rối loạn cương dương là tổ hợp hội chứng những bệnh về sinh lý của nam như: yếu sinh lý, xuất tinh sớm, thiếu cảm giác hưng phấn hay một số những triệu chứng về suy giảm nội tiết tố của phái nam. Cần lưu ý rằng liệt dương chính là mức độ cao nhất của rối loạn cương dương, vì thế rối loạn cương dương cũng có những biểu hiện và nguyên nhân tương tự với liệt dương.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương được chia làm 4 nhóm:

  • Nhóm mất đi khả năng và sự khao khát các nhu cầu về tình dục.
  • Nhóm vẫn bị tác động và có ham muốn bởi tình dục, nhưng dương vật không thể cương cứng khi bị kích thích.
  • Nhóm dương vật chọn không đúng thời điểm để cương. Các trường hợp ở nhóm này khi hứng khởi sẽ cương lên, nhưng khi bắt đầu nhập cuộc thì lại mềm xìu. Có đôi khi chẳng làm gì cũng tự cương.
  • Nhóm dương vật vẫn cương cứng, các khao khát và hứng khởi vẫn còn, nhưng khi đã đưa vào cơ thể người bạn đời của mình thì nó lại lập tức mềm xẹp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi nam giới biểu hiện có vấn đề trong quan hệ tình dục như: rối loạn khả năng cương cứng và không có khao khát tình dục… thì nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị sớm.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương do 2 yếu tố: tâm thần và cơ thể tác động, có thể kể đến như các yếu tố thường gặp sau: rối loạn vận mạch (bệnh huyết áp, xơ vữa động mạch vùng chậu); nghiện bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích, thần kinh (stress, căng thẳng); biến dạng, dị tật ở cơ quan sinh dục… Trong đó, testosterone thấp được xem là nguyên nhân phổ biến ở nam giới sau tuổi 30.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc rối loạn cương dương?

Nam giới đều là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên bệnh phổ biến hơn ở những người cao tuổi do lượng testosteron suy giảm. Ngoài ra bệnh còn có nguy cơ mắc phải cao hơn ở:

  • Người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp…
  • Người thường xuyên bị căng thẳng, áp lực trong công việc và cuộc sống.
  • Người thường lạm dụng tình dục, thủ dâm quá độ.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn cương dương

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ tiến hành hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Ngoài ra bác sĩ cũng sẽ tiến hành một số xét nghiệm thăm khám hình ảnh và cận lâm sàng như:

  • Định lượng nội tiết tố máu.
  • Siêu âm Doppler màu mạch máu của dương vật.
  • Xét nghiệm mỡ máu.
  • Chụp động mạch dương vật.
  • Xét nghiệm testosterone huyết thanh.

Phương pháp điều trị rối loạn cương dương hiệu quả

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ bệnh lý mà bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị khác nhau:

  • Điều trị tâm lý.
  • Sử dụng testosterone: Chỉ có tác dụng tốt cho những trường hợp rối loạn cương dương do thiếu hụt lượng testosterone.
  • Bơm hút chân không: Bơm máu vào dương vật cho đầy lên, khi đầy buộc ngay vào gốc dương vật để giữ dương vật cứng lúc giao hợp, khi giao hợp xong tháo dây ở gốc dương vật ra.
  • Dùng thuốc: Giãn mạch tác động trực tiếp trên dương vật.
  • Điều trị phẫu thuật là biện pháp cuối cùng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn cương dương

  • Để tinh thần thoải mái, vui vẻ, giảm áp lực, lo lắng.
  • Duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh, rèn luyện thể thao, ăn uống khoa học.
  • Xây dựng khẩu phần ăn cân đối, chọn thực phẩm tươi sống thay vì đồ ăn nhanh, đóng hộp. Ăn nhiều rau quả, hạn chế thức ăn nhiều đường, mỡ, muối mặn.
  • Không dùng chất kích thích, không thức khuya.
  • Đừng vì cảm thấy xấu hổ, tự ti mà giấu bệnh của mình, hãy đến các cơ sở y tế sớm nhất để được tư vấn và điều trị.

Phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả

Bệnh có thể phòng ngừa bằng phong cách sống khoa học ngay từ khi còn trẻ

  • Có chế độ dinh dưỡng khoa học và cân bằng.
  • Không nên để quá thừa cân.
  • Tránh tăng huyết áp và lượng cholesterol trong máu cao.
  • Không uống quá nhiều rượu bia, không hút thuốc.
  • Vận động điều độ, cân bằng giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi.
  • Ổn định lượng testosterone.
  • Tránh quan hệ tình dục bừa bãi.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan