Rụng tóc

Tìm hiểu chung

Rụng tóc là gì?

Rụng tóc là tình trạng số lượng tóc rụng nhiều hơn so với mức độ cho phép. Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, thông thường là do thay đổi nội tiết tố, vấn đề về tuổi tác và do hóa trị gây nên. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà tình trạng này có thể nhất thời hoặc kéo dài. Rụng tóc không chỉ là tín hiệu xấu phát ra từ cơ thể mà còn gây mất thẩm mĩ khiến người bệnh lo lắng. Vì thế, ngay khi thấy tình trạng tóc rụng nhiều bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của rụng tóc

Dấu hiệu và triệu chứng của rụng tóc bao gồm:

Trung bình mỗi người có khoảng 100.000 nghìn sợi tóc trên đầu. Mỗi ngày tóc có thể rụng từ 30 – 60 sợi và cũng mọc lên với số lượng tương đương. Đối với nhiều người, khi thấy tóc rụng nhiều cảm thấy lo lắng, tuy nhiên nếu lượng tóc rụng chỉ khoảng con số trên thì rất bình thường. Tình trạng rụng tóc nguy hiểm thật sự bao gồm các dấu hiệu sau:

  • Mỗi ngày rụng khoảng 100 sợi trở lên;
  • Rụng tóc thành từng cụm hoặc một vùng;
  • Ngứa da đầu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Rụng tóc có thể diễn ra âm thầm hoặc đột ngột đến mức bạn dễ dàng nhận thấy; có thể rụng trong một thời gian ngắn hoặc trong thời gian rất dài; có thể chỉ rụng tóc ở đầu những cũng có thể ảnh hưởng đến toàn thân (tức là rụng cả phần lông tay/chân, lông mày và râu). Tùy vào mỗi nguyên nhân mà rụng tóc sẽ có những biểu hiện khác nhau. Rụng tóc có thể là một bệnh đơn độc những cũng có thể là biểu hiện của những căn bệnh tiềm ẩn trong cơ thể. Vì thế, khi bạn cảm thấy tóc rụng nhiều và số lượng tóc rụng vào khoảng 100 sợi mỗi ngày thì bạn cần kịp thời đến bệnh viên để được bác sĩ tư vấn và điều trị.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến rụng tóc

Ngoài tác động cơ học như chải đầu mạnh tay hoặc buộc tóc quá chạt có thể làm tóc rụng, các nguyên nhân gây ra rụng tóc số lượng nhiều là:

  • Hormone: Việc thay đổi hormone và sự mất cân bằng nội tiết tố có khả năng gây rụng tóc cao. Nhất là trong trường hợp phụ nữ sau sinh, thời kỳ tiền mãn kinh và gặp các bệnh về tuyến giáp.
  • Tiền sử gia đình: Nếu bạn có người trong gia đình có tiền sử bị rụng tóc hoặc bị rụng tóc sớm thì khả năng rụng tóc của bạn sẽ cao hơn so với người khác.
  • Các bệnh về da: Da đầu bị nhiễm trùng, nấm da, tiếp xúc nhiều với tia cực tím trong ánh nắng mặt trời hoặc mắc bệnh lupus ban đỏ cũng có thể bị rụng tóc.
  • Dùng thuốc: Người dùng nhiều thuốc chống trầm cảm, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc trị tim mạch, cao huyết áp, trị viêm khớp và thậm chí là dùng thuốc tránh thai và vitamin A quá nhiều cũng làm rụng tóc.
  • Người đang điều trị ung thư: Khi phải dùng phương pháp hóa xạ trị để diệt mầm móng ung thư, khả năng rụng tóc sẽ là rất cao vì các loại hình này đều dùng hóa chất đưa vào người, chúng vừa có thể diệt tế bào ung thư nhưng cũng làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của các cơ quan khác, đặc biệt là tóc. Người bị ung thư khi hóa xạ trị thường không có tóc trong khoảng thời gian điều trị.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ rụng tóc?

Bất kì ai cũng có khả năng bị rụng tóc vì nó có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Với người lớn tuổi ngoài 50, khả năng bị rụng tóc sẽ cao hơn vì đây là độ tuổi lão hóa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị rụng tóc:

  • Tuổi tác.
  • Thiếu dinh dưỡng.
  • Tiền sử rụng tóc của gia đình.
  • Stress.
  • Bị nhiễm khuẩn, nấm da đầu.
  • Trải qua đợt hóa xạ trị.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rụng tóc

Bác sĩ có thể chẩn đoán rụng tóc bằng cách điều tra bệnh sử của bệnh nhân, tiền sử bệnh lý rụng tóc của gia đình và khám da đầu để kiểm tra nang tóc và các biểu hiện của rụng tóc.

Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Sinh thiết da đầu: Cạo một lớp da đầu và dùng kính hiển vi để soi tìm các dấu hiệu của viêm nấm, nhiễm khuẩn da đầu.
  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra sự mất cân bằng nội tiết hoặc các vấn đề về bệnh tuyến giáp, lupus ban đỏ, tiểu đường.

Phương pháp điều trị rụng tóc hiệu quả

Dựa vào nguyên nhân gây rụng tóc và tình trạng tóc rụng mà bác sĩ sẽ có những hướng điều trị khác nhau:

  • Nếu nguyên nhân xuất phát từ cơ học như buộc tóc chặt, chải tóc quá mạnh; dùng dầu gội đầu không phù hợp với da; do dùng thuốc; do các bệnh khác làm ảnh hưởng đến tóc,… thì sau khi loại bỏ các nguyên nhân hoặc khi cơ thể hồi phục sức khỏe, tóc có khả năng mọc lại bình thường. Bạn có thể bổ sung các loại vitamin nhóm B (B1, B6) và vitamin C để kích thích tóc mọc nhanh hơn.
  • Do rối loạn miễn dịch: Tình trạng rụng một khoảng lớn trên da đầu làm da nhẵn nhụi, trơn láng thường do vấn đề của hệ miễn dịch gây ra. Bạn có thể dùng corticoid dạng bôi và dạng uống để điều trị; có thể kết hợp với thuốc an thần, vitamin C và chiếu tia cực tím lên vùng da bị rụng tóc.
  • Liên quan đến androgen (chứng hói đầu): Tóc thường rụng ở phần trán và đỉnh đầu nhưng vẫn mọc ở hai bên và sau gáy thường được gọi là hói đầu. hiện tượng này rất khó để diều trị cho tóc mọc đều lại như trước.
  • Nếu liên quan đến nhiễm khuẩn, nấm da, ngoài việc ngăn chặn nấm lây lan sang các vùng da đầu khác, người bệnh có thể dùng thuốc mỡ để bôi lên vùng da bị tổn thương như mỡ clotrimazol, kem nizoral, lamisil, viên uống ketoconazol, nizoral, sporal; đồng thời, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với những thứ có thể lây nhiễm nấm và vi khuẩn cho da đầu.

Những cách điều trị trên cụ là cách điều trị cụ thể theo từng nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Trong trường hợp rụng tóc nghiêm trọng và khả năng mọc lai rất thấp, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân phẫu thuật cấy ghép tóc mới cho da đầu. Tuy nhiên, phương pháp này thường tốn kém và gây đâu nên rất hiếm khi phải sử dụng.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rụng tóc

  • Bạn cần được đảm bảo về nguyên nhân gây rụng tóc và từ đó sẽ đưa ra những phương pháp cụ thể giúp bạn loại bỏ các nguyên nhân trong quá trình điều trị. Việc không tiếp xúc với tác nhân gây bệnh có thể khiến tình trạng rụng tóc của bạn sẽ giảm đi.
  • Nên tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị. Việc phục hồi lại tóc cần rất nhiều thời gian, bạn không nên căng thẳng hoặc ngưng điều trị vì nản chí.
  • Bổ sung các loại dưỡng chất cần thiết giúp kích thích tóc mọc nhanh hơn.
  • Không gây bất kì tổn thương nào cho tóc cũng như không dùng các sản phẩm dầu gội chứa hóa chất mạnh vì chúng có thể làm tổn thương da đầu nặng hơn.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Bổ sung các loại thực phẩm có chứa sắt, canxi, lipit, kẽm, vitamin để giúp tóc chắc khỏe.
  • Nên lựa chọn dầu gội phù hợp với loại da đầu.
  • Dùng mặt nạ ủ tóc bằng các loại nguyên thiên nhiên như dầu dừa, dầu oliu, bơ, sữa chua,…
  • Không nên để tóc tiếp xúc nhiều với hóa chất (thuốc nhuộm, thuốc tẩy tóc) và với nhiệt độ cao (uốn tóc, duỗi tóc).
  • Không dùng lực tác động mạnh lên tóc như giật tóc, kéo tóc, buộc tóc quá chặt, dùng móng tay cào da đầu khi gội,…
  • Không ma sát tóc bằng cách chà xát tóc bằng khăn khi tóc ướt, thay vào đó nên để tóc tự khô.
  • đến gặp bác sĩ khi có dấu hiệu nào về rụng tóc quá nhiều.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan