Sản giật

Sản giật là gì?

Sản giật là biến chứng cấp tính của tiền sản giật, biểu hiện qua những cơn co giật liên tục rồi kết thúc bằng hôn mê. Bệnh tuy hiếm gặp nhưng để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Nếu sản phụ không được cấp cứu kịp thời sẽ diễn ra trạng thái co giật liên tục cho đến chết. Sản giật có thể xảy ra cả ở trước, trong và sau cơn chuyển dạ.

Tìm hiểu chung

Sản giật là gì?

Sản giật là biến chứng cấp tính của tiền sản giật, biểu hiện qua những cơn co giật liên tục rồi kết thúc bằng hôn mê. Bệnh tuy hiếm gặp nhưng để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Nếu sản phụ không được cấp cứu kịp thời sẽ diễn ra trạng thái co giật liên tục cho đến chết. Sản giật có thể xảy ra cả ở trước, trong và sau cơn chuyển dạ.

Các biến chứng của bệnh gồm:

  • Với mẹ: Viêm hút phổi, xuất huyết não, suy thận, và ngừng tim.
  • Với con: Thai chết lưu trong tử cung, thai kém phát triển, chết sau đẻ, đẻ non.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị sản giật 

Tiền sản giật có thể dẫn đến sản giật nên sản phụ có thể có triệu chứng của cả 2 bệnh lý.

Triệu chứng của sản giật:

  • Giai đoạn xâm nhiễm (chừng 30 giây đến 1 phút): những cơn kích thích ở mặt, cổ là chủ yếu, nét mặt nhăn nhúm, hai mắt hấp háy.
  • Giai đoạn giật cứng (chừng 30 giây): các cơ toàn thân co giật cứng, thân uốn cong và co cứng. Các cơ thanh quản co thắt làm cho bệnh nhân thở rít lên, ngạt thở  làm bệnh nhân tím tái, tay giật như người đánh trống, lưỡi thè ra thụt vào nên dễ cắn phải lưỡi, nhãn cầu đảo đi đảo lại.
  • Giai đoạn giãn cách: tình trạng thiếu oxy tạm thời chấm dứt, nhưng rồi lại có những cơn kích động, nét mặt lại nhăn nhúm, lưỡi thè ra thụt vào rồi chuyển sang giai đoạn hôn mê.
  • Giai đoạn hôn mê: hôn mê nông hoặc hôn mê sâu. Trong khi hôn mê bệnh nhân mất tri giác, đồng tử giãn, tiểu tiện không tự chủ và có thể chết trong tình trạng hôn mê kéo dài.

Đa số phụ nữ mang thai sẽ có triệu chứng của tiền sản giật trước khi lên cơn co giật như:

  • Nhức đầu
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Phù tay và mặt.
  • Các vấn đề thị lực, chẳng hạn như mất tầm nhìn, tầm nhìn mờ, nhìn đôi.
  • Các vấn đề về tiểu tiện.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra trong giai đoạn thai nghén bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bị sản giật

Cho đến hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh sản giật và tiền sản giật. Tuy nhiên sản giật là biến chứng của tiền sản giật thường xảy ra trong nửa sau của thai kỳ, vì thế nên nếu tiền sản giật không được điều trị kịp thời và tích cực thì sẽ dẫn đến sản giật.

Ngoài ra còn có một số tác nhân gây bệnh sản giật có thể kể đến như:

  • Các vấn đề mạch máu.
  • Các yếu tố tại não và hệ thần kinh.
  • Chế độ ăn uống.
  • Gen.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị sản giật?

Bệnh tuy hiếm gặp nhưng cứ 200 người mắc tiền sản giật thì sẽ có 1 người bị sản giật. Cần lưu ý phòng ngừa các yếu tố nguy cơ mắc tiền sản giật và sản giật để tránh rủi ro không đáng có cho cả mẹ và bé:

  • Sản phụ mang thai trên 35 tuổi hoặc dưới 20 tuổi.
  • Mang thai lần đầu tiên.
  • Mang đa thai.
  • Có tiền sử bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh thận hoặc bất kỳ bệnh lý khác có ảnh hưởng đến mạch máu.
  • Chế độ ăn uống kém hoặc suy dinh dưỡng.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sản giật

Sản phụ sẽ được bác sĩ hỏi bệnh sử và khám thực thể với trường hợp chẩn đoán sớm. Cần lưu ý đặc biệt đến huyết áp, sưng ở các chi, và kết quả nghiên cứu về thần kinh.

Một số xét nghiệm có thể được chỉ định:

  • Nước tiểu được kiểm tra protein.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định nồng độ axit uric cao hay không, bệnh nhân có hiện tượng giảm tiểu cầu và mắc bệnh thận hay không.
  • Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), siêu âm, xét nghiệm nước tiểu.
  • Có thể cần xét nghiệm nồng độ axit uric.

Với trường hợp chẩn đoán khẩn cấp, phải dựa vào cơn sản giật bắt buộc phải qua 4 giai đoạn đã mô tả như trên.

Phương pháp điều trị sản giật hiệu quả

Điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý.

  • Sinh con: Có thể sinh em bé sớm từ tuần mang thai thứ 32 đến 36 nếu các triệu chứng đe dọa tính mạng hoặc thuốc không hiệu quả.
  • Điều trị nội khoa và điều dưỡng
    • Ngáng miệng đề phòng cắn phải lưỡi.
    • Hút đờm dãi.
    • Thở oxy.
    • Nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
  • Thuốc: Magie Sulfat 4-6g tiêm tĩnh mạch, Seduxen 10 mg, thuốc hạ áp (Hydralazine, Aldomet, Adalat), thuốc lợi tiểu (Lasix), kháng sinh (Nhóm Beta lactam)…
  • Điều trị sản khoa: Nếu bệnh nhân đáp ứng với điều trị thì tiếp tục cho thai nghén phát triển, nếu không đáp ứng với điều trị thì đình chỉ thai nghén.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sản giật

  • Cần tuân thủ chế độ điều trị, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Ngừng làm việc hoặc giảm mức độ hoạt động để nghỉ ngơi.
  • Theo dõi tình trạng huyết áp, cân nặng,… mỗi ngày.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Thuốc phòng bệnh gồm có:
    • Aspirin cho những phụ nữ có nguy cơ cao.
    • Bổ sung canxi ở những vùng có lượng canxi thấp.
    • Điều trị tăng huyết áp bằng thuốc.
  • Sản phụ cũng nên lưu ý luyện tập thể dục khi mang thai.
  • Có chế độ ăn uống đủ chất, không để thiếu hụt dinh dưỡng.
  • Khám thai định kỳ.
  • Thường xuyên kiểm tra huyết áp.
  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không lao lực.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan