Suy cận giáp

Suy cận giáp là gì?

Hormone parathyroid của tuyến cận giáp có chức năng điều chỉnh lượng canxi và photpho trong xương và máu. Tình trạng tuyến cận giáp không sản xuất đủ hormone parathyroid khiến mất cân bằng trong khi lượng photpho tăng thì canxi trong máu lại giảm, gây nên bệnh suy cận giáp.

Suy cận giáp dẫn đến nhiều bệnh lý khác như: thần kinh, cơ, da, xương…


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy cận giáp

  • Cảm giác tê cứng ở các đầu ngón tay, chân và cả môi, lưỡi;
  • Cơ yếu, đau các vùng cơ ở tay, chân, thậm chí các vùng khác trên cơ thể;
  • Đau bụng dữ dội khi tới chu kỳ kinh nguyệt;
  • Co thắt thanh quản gây khó thở, trường hợp nặng phải cấp cứu;
  • Khô da, móng tay giòn, dễ gãy, biến dạng;
  • Rụng nhiều tóc, lông mày thưa thớt;
  • Thần kinh luôn căng thẳng, mệt mỏi, đau đầu;
  • Xuất hiện tình trạng động kinh, trầm cảm ở một số bệnh nhân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi những dấu hiệu, triệu chứng trên xuất hiện cần đến ngay bệnh viện để làm các xét nghiệm, thăm khám, từ đó bác sĩ có cơ sở đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất, hướng dẫn điều trị bằng các giải pháp phù hợp với tình trạng mỗi bệnh nhân.

Tuyệt đối không thờ ơ với các bất thường xảy ra ở cơ thể vì việc chữa trị muộn màng thường khó đem lại kết quả cao.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến suy cận giáp

Suy cận giáp mắc phải: Thường xuất hiện sau các cuộc phẫu thuật hay chấn thương tuyến cận giáp (đặc biệt là phẫu thuật cắt tuyến giáp hoặc điều trị u tuyến cận giáp). Trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng cao nên các cuộc phẫu thuật được thực hiện bởi những bác sĩ có trình độ và tay nghề cao, số trường hợp gặp tai biến ngày càng ít.

Suy cận giáp di truyền: Đứa trẻ sinh ra hoặc là không có tuyến cận giáp hoặc tuyến cận giáp có nhưng hoạt động rất kém. Suy cận giáp di truyền là bệnh di truyền theo gen lặn, nếu cả cha và mẹ đều mang gen này thì nguy cơ con mắc bệnh đến 25%. Các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện vào trước năm trẻ 10 tuổi, nhất là lúc trẻ 2 tuổi.

Hậu quả của bệnh tự miễn: Kháng thể sinh ra và quay lại tấn công loại bỏ tuyến cận giáp, dẫn đến suy cận giáp. Cũng có khi, bệnh nhân còn mắc thêm các bệnh tự miễn khác nữa, thường nhất là bệnh Addison.

Nguyên nhân khác: Việc điều trị ung thư ở vùng cổ dễ dẫn đến tổn thương và phá hủy tuyến cận giáp.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải suy cận giáp?

  • Người có tiền sử điều trị các bệnh tuyến giáp, đặc biệt đã từng phẫu thuật hay điều trị ung thư vùng cổ.
  • Tiền sử gia đình: Cha và mẹ mang gen lặn bệnh suy tuyến cận giáp thì nguy cơ con mắc bệnh càng cao.
  • Người mắc các bệnh tự miễn.
  • Người có chế độ ăn uống nghèo canxi thì nguy cơ mắc các bệnh về tuyến nội tiết càng cao, trong đó có bệnh suy tuyến cận giáp.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy cận giáp

Bệnh nhân mắc suy tuyến cận giáp khi đến bệnh viện sẽ được làm các xét nghiệm máu, nước tiểu để kiểm tra nồng độ canxi và photpho, nồng độ hormone parathyroid trong máu; chụp X-quang để kiểm tra nồng độ canxi trong xương; làm điện tâm đồ để kiểm tra nhịp tim.

Các bác sĩ sẽ kết hợp với việc điều tra tiền sử gia đình, tiền sử bệnh của bệnh nhân rồi từ đó mới đưa ra các chẩn đoán và giải pháp điều trị phù hợp.

Phương pháp điều trị suy cận giáp hiệu quả

Chủ yếu bệnh suy tuyến cận giáp được điều trị bằng thuốc, mục đích là để cân bằng nồng độ canxi và photpho trong máu luôn ở mức cân bằng. Quá trình điều trị diễn ra như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sức khỏe, mức độ bệnh, các dấu hiệu và  triệu chứng bệnh,… của từng bệnh nhân.

Cụ thể các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống calcium carbonate dạng viên để điều trị bệnh. Tuy nhiên thuốc cũng có tác dụng phụ như táo bón, sỏi thận nếu sử dụng liều cao.

Với trường hợp canxi trong máu quá thấp, triệu chứng bệnh nặng thì phải nhập viện và được các bác sĩ chuyên khoa tiêm canxi vào tĩnh mạch. Sau khi được về nhà, các bệnh nhân phải dùng canxi và vitamin D đường uống. Đây là một bệnh mãn tính nên việc điều trị có thể kéo dài suốt đời của bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy cận giáp

  • Chế độ ăn giàu canxi như rau xanh, sữa, các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc.
  • Không hút thuốc lá, dùng các chất kích thích, uống các loại nước ngọt, đặc biệt các loại nước có chứa acid phosphoric.
  • Tăng cường vận động thân thể. Ngủ đủ giấc, uống đủ nước để cải thiện sức khỏe.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan