Suy thận cấp

Tìm hiểu chung

Suy thận cấp là gì?

Tình trạng thận đột ngột suy giảm chức năng loại bỏ các chất thải ra ngoài cơ thể, không thể cân bằng nước và điện giải gọi là tình trạng suy thận cấp tính hay còn gọi là bệnh suy thận cấp. Tình trạng này có thể xảy đến rất nhanh chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày.

Bệnh suy thận cấp tính có thể gây tử vong.

 


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy thận cấp

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là lượng nước tiểu rất ít hoặc không có.

Khi bệnh nặng hơn sẽ có các dấu hiệu sau đây: ăn không ngon, buồn nôn, mắc ói, thường tiêu chảy. Ở một số trường hợp còn có thêm các triệu chứng như mất ngủ, cao huyết áp, động kinh, hôn mê, có các vết bầm hoặc chảy máu nhưng không rõ nguyên nhân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

 


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp

Các nguyên nhân sau đây là những nguyên nhân phổ biến khiến mắc bệnh suy thận cấp tính:

  • Do sự tắc nghẽn ở thận: Do tắc nghẽn nước tiểu nên các chất cặn bã, chất độc bị ứ đọng lại trong thận.
  • Quá trình máu di chuyển đến thận diễn ra chậm do thận đã từng tổn thương.
  • Các bệnh lý liên quan như tiểu đường, cao huyết áp, nhiễm trùng đường tiểu cấp tính,… cũng có thể gây bệnh suy thận cấp tính.
  • Do dùng các loại thuốc, phương pháp liên quan đến điều trị thận cũng là nguyên nhân gây bệnh suy thận cấp tính.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc suy thận cấp?

Đây là căn bệnh do yếu tố tuổi tác gây nên, người càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Theo thống kê của Bộ y tế thì có 1/4 nữ giới và 1/5 nam giới từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh suy thận cấp tính.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh suy thận cấp tính, tuy nhiên nếu nằm trong những trường hợp sau thì tỉ lệ mắc bệnh càng cao hơn bình thường:

  • Người bệnh tiểu đường, người mắc các bệnh về gan, thận.
  • Người cao tuổi, đặc biệt từ 65 tuổi trở lên.
  • Người bị suy tim hay tắc nghẽn mạch máu.
  • Người suy nhược cơ thể nghiêm trọng và nằm viện trong thời gian khá dài.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy thận cấp

Các bệnh nhân sẽ được tiến hành thực hiện các xét nghiệm nước tiểu và máu để biết được mức độ, chức năng làm việc của thận, phối hợp với khám lâm sàng các bác sĩ sẽ đưa ra các chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân.

Trường hợp xét nghiệm máu và nước tiểu không cho kết quả rõ ràng về bệnh thì các bác sĩ sẽ lấy mẫu sinh thiết từ tế bào thận, phối hợp với chụp X-quang vùng ngực, xương chậu, thận và niệu quản để biết được chức năng thận như thế nào. Từ các kết quả, các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác nhất và đưa ra giải pháp điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.

Phương pháp điều trị suy thận cấp hiệu quả

Bệnh suy thận cấp tính luôn cần được theo dõi liên tục nên bệnh nhân phải nhập viện và điều trị tại đây. Các bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng các thuốc kích thích sản sinh nước tiểu hoặc chỉ định chạy thận nhân tạo để thanh lọc thận.

Có một phương pháp khác gọi là chạy thận phúc mạc là phương pháp đưa chất lỏng vào bụng bệnh nhân để làm sạch chất thải trong máu sau đó được dẫn truyền ra ngoài theo một đường ống đặc biệt. Trong thời gian điều trị bằng phương pháp này, bệnh nhân buộc phải hạn chế ăn những thức ăn chứa nhiều kali, muối, protein, thuốc bổ sung canxi và thuốc điều chỉnh huyết áp.

Việc điều trị và phục hồi chức năng thận mất thời gian từ 6 tuần trở lên.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh suy thận cấp

  • Uống thuốc đúng giờ, đúng liều theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nói với bác sĩ về những loại thuốc đang sử dụng để điều trị bệnh khác.
  • Có chế độ ăn lành mạnh, chứa ít protein, kali vì có thể gây nguy hiểm cho thận.
  • Kiểm soát lượng chất lỏng đưa vào cơ thể để tránh tình trạng thận ứ nước.
  • Liên hệ ngay bác sĩ nếu có bất kì dấu hiệu bất thường nào xảy ra.

 


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan