Thai chết lưu

Thai chết lưu là gì?

Thai chết lưu bao gồm tất cả các trường hợp trứng đã thụ tinh và làm tổ được trong tử cung, nhưng không thể phát triển được thành thai nhi trưởng thành, bị chết và lưu lại trong tử cung. Thai chết lưu có thể bắt gặp ở mọi giai đoạn lúc mang thai, tuy nhiên phổ biến trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nếu không phát hiện sớm và để tình trạng thai lưu ở trong tử cung lâu có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng cho người mẹ.

Tìm hiểu chung

Thai chết lưu là gì?

Thai chết lưu bao gồm tất cả các trường hợp trứng đã thụ tinh và làm tổ được trong tử cung, nhưng không thể phát triển được thành thai nhi trưởng thành, bị chết và lưu lại trong tử cung. Thai chết lưu có thể bắt gặp ở mọi giai đoạn lúc mang thai, tuy nhiên phổ biến trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nếu không phát hiện sớm và để tình trạng thai lưu ở trong tử cung lâu có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng cho người mẹ.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị thai chết lưu

Sản phụ có thể tự nhận biết được các thay đổi khi thai chết lưu:

  • Thai dưới 20 tuần bị chết: Ra máu âm đạo tự nhiên, máu đỏ sẫm hay nâu đen, không kèm theo đau bụng là triệu chứng phổ biến.
  • Thai chết trên 20 tuần: Không thấy cử động của thai (thường là dấu hiệu để thăm khám), bụng nhỏ dần, vú tiết sữa non, có thể ra máu âm đạo nhưng hiếm gặp ở giai đoạn này.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Sản phụ nên đến gặp bác sĩ ngay nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường như tự nhiên hết nghén (nếu thai còn nhỏ đang ở giai đoạn nghén), bụng không to thêm hoặc nếu đã to rồi thì mỗi ngày một nhỏ đi, thai không còn đạp như trước nữa, sau khi thai chết vú căng to hơn và có sữa non…

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu

Nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu có thể xuất phát từ 3 phía: từ phía người mẹ, từ phía thai nhi và các thành phần phụ của thai nhi.

  • Những nguyên nhân xuất phát từ phía người mẹ: Béo phì, nhiễm độc thai nghén, tử cung bất thường, tuổi quá lớn hoặc bị mắc phải các bệnh lý như huyết áp cao, bệnh tim, sốt rét, tiểu đường, viêm thận, tử cung dị dạng, giang mai… Ngoài ra nguyên nhân thai chết lưu cũng có thể do thai phụ làm việc nặng quá sức, ăn uống thiếu hụt chất dinh dưỡng, sử dụng chất kích thích…
  • Những nguyên nhân xuất phát từ phía thai nhi: Rối loạn nhiễm sắc thể, não úng thủy, bánh nhau thai bị nhão, phù nhau thai, vỡ sọ… Bên cạnh đó nhóm máu giữa mẹ và con có sự bất đồng do hai yếu tố Rh (+) và Rh (-) cũng có thể khiến thai chết lưu.
  • Những nguyên nhân xuất phát từ phía thành phần phụ của thai nhi: Dây rốn bị xoắn, bánh nhau bị bong, u mạch máu màng đệm, lượng nước ối bất thường…  cũng làm thai nhi bị chết lưu.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị thai chết lưu?

Bệnh có thể xảy đến với các sản phụ bất cứ lúc nào, cần lưu ý đề phòng các yếu tố nguy cơ tránh tình trạng này:

  • Chế độ dinh dưỡng bất hợp lý, béo phì và suy dinh dưỡng đều khiến người mẹ có nguy cơ mang thai chết lưu.
  • Mẹ mang đa thai (từ hai con trở lên) có tỷ lệ thai chết lưu cao gấp 4 lần so với đơn thai.
  • Phụ nữ có thai lúc trên 40 tuổi.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán thai chết lưu

  • Thai dưới 20 tuần bị chết:
    • Xét nghiệm hCG nước tiểu âm tính (sau khi thai chết khoảng 2 tuần).
    • Siêu âm: thấy hình ảnh của thai nhưng không có hoạt động của thai và tim thai, có khi chỉ thấy túi ối mà không có phần thai (trứng trống). Hình ảnh túi ối rỗng, méo mó không đều càng chắc chắn thai đã chết. Nếu còn nghi ngờ nên kiểm tra lại sau một tuần.
  • Thai chết trên 20 tuần:
    • Chiều cao tử cung nhỏ hơn tuổi thai. Đo chiều cao tử cung nhỏ lại so với lần đo trước.
    • Nắn bụng không rõ phần thai, không nghe được tim thai.
    • Siêu âm: không thấy cử động của thai, không nghe được tim thai, đầu thai méo mó, có thể thấy một viền âm vang nghèo quanh hộp sọ do da đầu bị bong ra.
    • X-quang: sau khi thai chết khoảng 10 ngày có hình ảnh chồng xương sọ (dấu hiệu Spalding 1), cột sống bị gấp khúc, đốt sống chồng nhau (dấu hiệu Spalding 2) hoặc vòng sáng quanh đầu (dấu hiệu Devel). Đôi khi thấy bóng hơi trong buồng tim hoặc trong các mạch máu lớn (dấu hiệu Robertson).

Phương pháp điều trị thai chết lưu hiệu quả

Trước hết cần điều chỉnh lại tình trạng rối loạn đông máu (nếu có) của thai phụ. Sau đó, bác sĩ sẽ xem xét và quyết định cách thức đưa thai ra ngoài bằng các phương pháp:

  • Nong cổ tử cung và nạo: Cần lưu ý theo dõi chảy máu sau nạo và kiểm tra xem có sót nhau hay không.
  • Gây sảy thai, chuyển dạ: Khi thai chết lưu to không nong hay nạo được. Lưu ý sau khi xổ nhau phải tiến hành kiểm soát tử cung một cách chủ động, hệ thống vì bao giờ cũng bị sót nhau.
  • Cần cho sản phụ sử dụng kháng sinh để tránh nhiễm khuẩn.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thai chết lưu

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thường sau khi bị thai lưu phụ nữ dễ bị chấn thương tâm lý và sức khỏe nên cần có thời gian chuẩn bị từ 6 – 12 tháng sau mới nên có thai lại.
  • Có chế độ ăn nhiều chất dinh dưỡng để hồi phục sức khỏe.
  • Giữ tinh thần thoải mái.
  • Uống bổ sung viên sắt và acid folic.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Để phòng tránh chuyện đáng tiếc cho thai nhi các cặp vợ chồng nên ăn uống lành mạnh, tránh xa các chất kích thích. Sản phụ nên giữ ổn định sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần khi mang thai.

  • Không nên làm việc nặng nhọc, hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại.
  • Giữ tâm lý cân bằng, tinh thần thoải mái.
  • Chữa trị tận gốc các bệnh lý nội khoa, mạn tính của mình.
  • Khám thai và theo dõi định kỳ để kịp thời can thiệp các triệu chứng bất thường của thai nhi.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan