Thận đa nang

Tìm hiểu chung

Thận đa nang là gì?

Tình trạng rối loạn di truyền gây ra nhiều u nang trong thận được gọi là bệnh thận đa nang. U nang thận là một túi dị thường chứa đầy chất lỏng, khiến thận phình to làm suy giảm các chức năng thận và có thể gây bệnh thận mạn tính. Bệnh thận mạn tính lại dẫn đến bệnh suy thận, bệnh này chỉ có thể điều trị bằng cách cấy ghép thận hoặc lọc máu thường xuyên.

Bệnh thận đa nang ngoài việc có rất nhiều u nang còn gây ra nhiều biến chứng, bao gồm: cao huyết áp, gan u nang, các bệnh về mạch máu ở tim và não.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của thận đa nang

Nhiều người mắc bệnh này trong thời gian dài nhưng không hề có một triệu chứng hay dấu hiệu nào liên quan đến bệnh này. Thông thường u nang có kích thước từ 1.25cm trở lên mới bắt đầu biểu hiện các dấu hiệu, triệu chứng ra bên ngoài. Các triệu chứng phổ biến nhất là:

  • Da dẻ nhợt nhạt, bầm tím; cơ thể mệt mỏi;
  • Đi tiểu nhiều lần, trong nước tiểu có máu;
  • Mắc các bệnh lý về móng tay, móng chân;
  • Đau bụng hoặc hai bên sườn; cảm thấy đau nặng ở lưng;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.

Riêng ở trẻ em khi mắc bệnh này sẽ xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Đi tiểu thường xuyên;
  • Cao huyết áp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

 


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến thận đa nang

Tiền sử gia đình: bệnh xuất hiện do những rối loạn gen hoặc các khuyết tật di truyền từ thế hệ trước truyền sang thế hệ sau. Bệnh này do lỗi di truyền, được chia làm hai loại:

  • Bệnh thận đa nang tính trạng lặn: Loại này ít phổ biến; các dấu hiệu, triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi sinh. Cũng có khi không có bất kỳ triệu chứng nào xảy ra dù người đó đã thành niên.
  • Bệnh thận đa nang tính trạng trội: Các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện và phát triển vào độ tuổi từ 30 đến 40. Nếu cha mẹ mắc bệnh này thì đời con nguy cơ mắc bệnh đến 50%.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc thận đa nang?

Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới thì tỉ lệ mắc bệnh thận đa nang chiếm khoảng 1/400 đến 1/1000. Bệnh này có thể xảy đến ở bất kỳ lứa tuổi hay giới tính hay chủng tộc người nào.

Biến chứng suy thận: Đối với nam giới bị bệnh thận đa nang thì nguy cơ bị suy thận cao. Đối với nữ giới đã sinh con lần thứ ba mắc bệnh cao huyết áp hoặc bệnh thận đa nang thì cũng có nguy cơ cao mắc bệnh suy thận.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thận đa nang

Các bác sĩ có thể sử dụng nhiều phương pháp xét nghiệm để biết được số lượng nang thận, hình ảnh hiện tại của thận và số mô thận còn khỏe mạnh, chẳng hạn như phương pháp:

  • Siêu âm: Cho biết hình ảnh hiện tại của thận.
  • Chụp CT: Cho biết hình ảnh cắt ngang của quả thận, xác định số lượng túi nang và kích thước các túi nang đó.
  • Chụp MRI: Bệnh nhân nằm trong một thiết bị hình khối rất lớn, sóng radio và từ trường của thiết bị sẽ cho thấy hình ảnh cắt lớp ngang của thận.

Phương pháp điều trị thận đa nang hiệu quả

Một trong những mục đích quan trọng trong việc điều trị bệnh thận đa nang là ngăn ngừa biến chứng và kiểm soát các triệu chứng và theo dõi huyết áp. Các phương pháp điều trị có thể được áp dụng đó là:

  • Chế độ dinh dưỡng ít natri.
  • Sử dụng thuốc giảm đau, ngoại trừ Ibuprofen vì thuốc này có thể khiến bệnh nặng hơn.
  • Thuốc điều hòa huyết áp, thuốc lợi tiểu.
  • Thuốc kháng sinh trị nhiễm trùng đường tiểu.
  • Phẫu thuật cắt bỏ các túi nang.

Bệnh nhân đa nang dẫn đến biến chứng suy thận thì sẽ được tiến hành chạy thận, cấy ghép thận và loại bỏ một hoặc cả hai bên thận.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thận đa nang

  • Uống thuốc đúng liều, đúng giờ, tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc nếu đó không phải chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tham khảo chế độ ăn uống phù hợp bởi các chuyên gia dinh dưỡng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường xảy ra.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan