Trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là bệnh gì?

Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản, có thể xảy ra từng lúc hay thường xuyên, việc này gây kích ứng niêm mạc thực quản và gây viêm, triệu chứng thường thấy là ợ chua, ợ nóng, lưỡi nếm thấy vị chua,… Những trường hợp trào ngược nhẹ hầu như không gây khó chịu gì, nhưng nếu bệnh trầm trọng và không được điều trị sớm, thực quản tiếp xúc với axit dạ dày lâu ngày sẽ có nguy cơ thay đổi tính chất niêm mạc bề mặt và tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày

Khi bạn bị trào ngược dạ dày và thực quản có thể xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

  • Có cảm giác rát trong lồng ngực do ợ nóng gây ra, đôi khi lan tới cổ họng;
  • Tức ngực;
  • Khàn tiếng hay đau họng;
  • Trào ngược thức ăn hoặc axit lên miệng, lưỡi nếm thấy có vị chua;
  • Cảm thấy trong cổ họng có cục u.
  • Ho khan, khó thở hoặc thở khò khè.

Biến chứng có thể gặp phải khi mắc bệnh trào ngược dạ dày  

Bệnh trào ngược dạ dày nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: hẹp thực quản, loét thực quản gây chảy máu hoặc thậm chí là ung thư thực quản.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn nhận thấy có bất kỳ triệu chứng nào kể trên và sau thời gian theo dõi hoặc tự điều trị không có sự thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày

Bệnh trào ngược dạ dày có liên quan tới cơ thắt dưới thực quản – chỗ nối thực quản và dạ dày. Thông thường, cơ thắt dưới chỉ mở ra khi nuốt thức ăn từ thực quản xuống dạ dày rồi đóng lại để ngăn không cho dịch từ dạ dày trào ngược lên. Nhưng do hoạt động không bình thường, cơ thắt dưới bị giảm áp lực đóng nên mở đường cho dịch dạ dày trào ngược lên, gây khó chịu và có thể dẫn đến tổn thương niêm mạc thực quản và các vấn đề về tiêu hóa khác.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày?

Trào ngược dạ dày thực quản có thể xảy ra đối với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi và giới tính.

Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể kể đến như là:

  • Bệnh béo phì;
  • Thức ăn nằm lâu trong dạ dày;
  • Thoát vị dạ dày qua khe thực quản;
  • Chứng sa ruột;
  • Mang thai;
  • Hút thuốc;
  • Chứng khô miệng;
  • Bệnh hen suyễn;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Rối loạn mô liên kết, chẳng hạn như xơ cứng bì.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày

Bác sĩ sẽ thông qua những triệu chứng của bạn và thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết để hỗ trợ việc chẩn đoán bệnh. Các xét nghiệm thường dùng là:

  • Nội soi. Dùng ống đưa vào bên trong thực quản để quan sát và lấy một số mẫu mô (sinh thiết) để quan sát dưới kính hiển vi.
  • Đo áp lực cơ thắt dưới thực quản.
  • Chụp X-quang thực quản có dùng chất cản quang để hình ảnh thực quản hiện lên trên phim.
  • Đo pH trong thực quản. Sử dụng một thiết bị để đo pH trong thực quản trong vòng 24 giờ. Phương pháp này gần như chỉ áp dụng trong các trường hợp đặc biệt.

Phương pháp điều trị bệnh trào ngược dạ dày hiệu quả

Các thuốc dùng trong điều trị trào ngược dạ dày:

Thuốc điều hòa vận động:

  • Metoclopramid: Tác dụng lên lớp cơ của ống tiêu hóa, giúp thúc đẩy mở môn vị để thức ăn đi qua dạ dày nhanh hơn, làm dạ dày vơi đi và giảm trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Domperidon, sulpirid: Làm tăng áp lực cơ thắt dưới thực quản, ngăn không cho dịch từ dạ dày trào ngược lên.
  • Trong những trường hợp đặc biệt, alizaprid, anzemet, zelmac có thể được sử dụng để giảm tác động gây hại do trào ngược.

Thuốc tạo lớp màng ngăn dịch dạ dày tiếp xúc với thực quản:

  • Alginate: Acid alginic khi gặp HCL trong dạ dày sẽ tạo nên lớp bọt nổi lên trên bề mặt dịch vị. Vì vậy, khi dịch vị trong dạ dày trào, lớp bọt này sẽ là tường thành bảo vệ niêm mạc ở thực quản, không để acid trong dịch vị làm tổn thương trực tiếp niêm mạc.
  • Sucralfat: Được gắn với protein tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày – thực quản. Thường được chỉ định cho trường hợp bệnh vừa và nặng.
  • Các thuốc kháng acid, thuốc kháng thụ thể H2, thuốc ức chế bơm proton có thể được áp dụng tùy vào tình trạng bệnh.

Phẫu thuật được sử dụng khi phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc khi trào ngược dạ dày đi kèm với biến chứng. Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh trào ngược dạ dày

Bên cạnh việc dùng thuốc thì bạn cần phải chủ động trong việc thay đổi thói quen sinh hoạt để làm tăng khả năng hồi phục. Bạn nên chú ý các vấn đề sau:

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Không hút thuốc lá.
  • Nên luyện tập thể dục thường xuyên để giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bạn nên chia nhỏ bữa ăn. Thay vì dùng 3 bữa ăn chính thì bạn có thể chia thành 4 – 5 bữa để thức ăn đưa vào dạ dày không quá nhiều.
  • Không nên ăn chất lỏng, thay vào đó là dùng thức ăn dạng đặc.
  • Không nên ăn muộn.
  • Không nên nằm sau khi ăn.
  • Một số thực phẩm bạn nên kiêng: chocolate, rượu, bia, cà phê, thức uống có gas; các loại thực phẩm chứa dầu mỡ, chua, cay; các loại gia vị như tiêu, ớt, hành, tỏi, bạc hà; trái cây chứa nhiều axit như cam, xoài, bưởi, chanh, cà chua, cóc,…
  • Các thực phẩm có thể giúp bạn hạn chế triệu chứng trào ngược: sữa chua; bơ làm từ đậu phộng; các thực phẩm giàu chất xơ như đu đủ, táo, rau xanh, các loại đậu.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Để phòng tránh trào ngược dạ dày bạn nên:

  • Giữ cân nặng ở mức hợp lý.
  • Tránh những thực phẩm có thể gây trào ngược dạ dày như: thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, nhiều chất kích thích, axit.
  • Nên ăn nhiều bữa nhỏ.
  • Không nằm ngay sau khi ăn.
  • Không nên hút thuốc lá và sử dụng rượu bia.
  • Không nên mặc quần áo quá chật.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan