Viêm bao hoạt dịch

Viêm bao hoạt dịch là gì?

Bao hoạt dịch có vai trò như một lớp đệm giữa xương và các bộ phận xung quanh như cơ bắp, gân, da, từ đó giúp cho ta cử động dễ dàng hơn. Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm, sưng đỏ của túi chứa dịch lỏng hay còn gọi là bao hoạt dịch. Những bao hoạt dịch dễ bị viêm nhất là ở xung quanh vai, khuỷu tay, hông, đầu gối, bàn chân – những khớp xương phải cử động thường xuyên. Bệnh có xu hướng tái phát sau khi điều trị, trừ khi nguyên nhân gây ra được ngăn chặn.

Viêm bao hoạt dịch là một dạng bệnh lý cơ xương khớp phổ biến, có biểu hiện gần giống với bệnh viêm khớp, thường xảy ra ở các khớp gối, khớp cổ tay, cổ chân,… Bệnh cần chữa trị kịp thời và đúng cách để tránh xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bao hoạt dịch

Viêm bao hoạt dịch thường có dấu hiệu rất dễ nhận biết nhưng dễ nhầm lẫn với những bệnh lý xương khớp khác. Một số biểu hiện của bệnh:

  • Đau nhức tại các khớp bị viêm, có thể thấy khớp bầm tím, bề mặt da xuất hiện vùng ban đỏ.
  • Cơn đau tăng đột ngột khi di chuyển, vận động, làm việc hoặc ấn, sờ nắn vào bao khớp.
  • Khớp có dấu hiệu bị cứng tại các vị trí như khớp gối, khớp cổ tay và cổ chân, đặc biệt là sáng sớm.
  • Những cơn đau nhức khớp có thể hết ngay sau đó hoặc kéo dài liên tục trong thời gian dài.
  • Sốt đi kèm với các cơn đau nhức khớp.
  • Đau nhiều hơn khi cử động nhiều tại vùng đó.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu trên và kéo dài hơn 1 tuần thì bạn nên đến phòng khám để gặp bác sĩ chuyên khoa xương khớp để khám và xét nghiệm. Bên cạnh đó, nếu bạn thấy sưng quá nhiều, tấy đỏ, bầm tím hoặc phát ban khu vực bị ảnh hưởng, hoặc đau nhói bất thình lình, đặc biệt là khi đang tập thể dục bạn cũng nên đến gặp bác sĩ.

Viêm bao hoạt dịch tuy là một bệnh lý không nghiêm trọng nhưng nếu không chữa trị đúng cách cũng có thể trở nặng và gây những khó khăn nhất định cho người mắc bệnh.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch nằm ở mặt trong của các khớp động, có cấu tạo gồm nhiều sợi xơ mềm, thực hiện chức năng tiết hoạt dịch làm trơn và nuôi dưỡng sụn khớp, giúp khớp chống viêm nhiễm, hoạt động linh hoạt hơn. Tuy nhiên, khi phần bao hoạt dịch bị chấn thương, nhiễm khuẩn sẽ gây ra tình trạng tiết hoạt dịch tăng làm tràn dịch khớp hay viêm bao hoạt dịch.

Nguyên nhân chính gây viêm bao hoạt dịch thường do các khớp hoạt động liên tục nên dễ gặp chấn thương, kích thích bao hoạt dịch quanh khớp tiết ra nhiều hơn bình thường, làm hạn chế khả năng hoạt động khớp. Ngoài ra, sử dụng quá mức và chấn thương trực tiếp ở các khớp xương cũng là những nguyên nhân thường thấy dẫn đến viêm bao hoạt dịch.

Bệnh xảy ra với những nguyên nhân cụ thể sau:

  • Thực hiện liên tục trong thời gian dài các động tác như quỳ gối, nhón gót chân, ngồi cùng 1 tư thế, tựa khuỷu tay hoặc cổ tay, chống cằm, sử dụng tay hoặc chân làm một việc gì đó,…
  • Khớp gối hay khuỷu tay rất dễ bị chấn thương, khiến bao hoạt dịch nhiễm trùng gây viêm bao hoạt dịch, do 2 khớp này có phần bao hoạt dịch nằm sát dưới da.
  • Tuổi tác càng cao thì cơ xương khớp lão hóa càng nhanh, hoạt động kém hiệu quả và dễ gặp chấn thương, do đó nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch cao hơn bình thường.
  • Chơi thể thao với cường độ cao trong thời gian dài, đặc biệt là các môn thể thao đòi hỏi hoạt động phần chân hoặc tay quá nhiều như điền kinh, bóng chuyền, bóng đá, tennis, bơi lội,…
  • Mắc các bệnh lý như thấp khớp, bệnh gút, bệnh tuyến giáp và tiểu đường.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch?

Viêm bao hoạt dịch thường xảy ra với người lớn tuổi hơn so với người trẻ. Nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch sẽ tăng lên nếu nghề nghiệp hoặc sở thích đòi hỏi những động tác lặp lại đơn điệu và tạo áp lực lên một vài bao hoạt dịch nhất định. Ví dụ: họa sĩ, thợ làm vườn, nhạc công…

Ngoài ra, khi bạn mắc những bệnh lý xương khớp khác như gout, thấp khớp, đái tháo đường thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm bao hoạt dịch cao hơn người không mắc bệnh.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm bao hoạt dịch

Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm bao hoạt dịch bằng cách khám thực thể; hỏi về tiền sử bệnh lý, tiền sử va chạm, chấn thương được nghi ngờ là có thể ảnh hưởng đến bao hoạt dịch. Ngoài ra, một số xét nghiệm khác có thể được tiến hành như:

  • Chụp X-quang: giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây các triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
  • Siêu âm hay chụp cộng hưởng từ MRI nếu khám lâm sàng không thể kết luận được viêm bao hoạt dịch.
  • Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm chất dịch lấy từ nơi bị viêm để tìm nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch.

Phương pháp điều trị viêm bao hạch hiệu quả

Hiện nay bệnh viêm bao hoạt dịch có thể điều trị theo nhiều phương pháp khác nhau. Thông thường người bệnh sẽ được điều trị bảo tồn như:

  • Băng nẹp hoặc băng bột cố định vùng bị viêm bao hoạt dịch trong khoảng 7 – 10 ngày.
  • Nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động trong khoảng 2 tuần.
  • Dùng thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen, naproxen.
  • Chọc và hút bớt dịch trong bao hoạt dịch. Tuy nhiên điều này không đem lại kết quả lâu dài và nếu thực hiện nhiều có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc đứt gân.

Những cách điều trị trên sẽ được áp dụng cho tình trạng viêm vừa và nhẹ. Trong trường hợp nặng hoặc điều trị bảo tồn sau 6 – 12 tuần mà không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật thoát dịch để làm giảm áp lực cho bao hoạt dịch; đồng thời kê thuốc kháng sinh nếu phát hiện tình trạng nhiễm trùng.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm bao hoạt dịch

Các biện pháp có thể dùng ở nhà để làm giảm cơn đau của viêm bao hoạt dịch bao gồm:

  • Nghỉ ngơi nhiều và không cử động khu vực bị viêm bao hoạt dịch.
  • Dùng đá lạnh áp vào vùng bị viêm để giảm sưng, đau.
  • Uống thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.
  • Đệm đầu gối, bằng cách đặt một cái gối nhỏ giữa hai chân.
  • Nếu bị viêm bao hoạt dịch ở khuỷu tay, để tránh áp lực lên khuỷu tay bạn không nên đè lên tay khi nằm nghiêng.

​​​​​Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bạn có thể giảm nguy cơ viêm bao hoạt dịch bằng cách:

  • Nếu công việc đòi hỏi tư thế quỳ nhiều, bạn nên có một miếng đệm kê dưới chân khi quỳ để giảm áp lực lên đầu gối.
  • Không mang vật nặng trong thời gian dài.
  • Không lặp đi lặp lại một hành động trong nhiều giờ liền. Bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn các khớp.
  • Cố gắng không ngồi ở một vị trí quá lâu, đặc biệt là trên các bề mặt cứng.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ vừa phải, không để thừa cân, béo phì.
  • Tập thể dục vừa phải, tăng cường hoạt động cơ bắp có thể giúp bảo vệ khớp bị ảnh hưởng
  • Trước khi hoạt động bạn nên có vài bước khởi động để làm nóng và bảo vệ các khớp xương khỏi bị tổn thương.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan