Viêm cổ tử cung

Tìm hiểu chung

Viêm cổ tử cung là gì?

Viêm cổ tử cung là hiện tượng cổ tử cung của nữ giới bị viêm nhiễm, khiến cho lớp niêm mạc ở đây bị tổn thương, gây lở loét hoặc mưng mủ do sự tấn công từ các loại vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng gây ra. Đây là một trong những bệnh phụ khoa rất phổ biến ở phụ nữ và có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cổ tử cung được xem là cánh cửa để đón tinh trùng vào buồng tử cung để thụ thai và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, nên cổ tử cung rất dễ bị mắc các bệnh viêm nhiễm. Bệnh viêm cổ tử cung đang trở thành một trong những bệnh là nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ vô sinh ở nữ giới ngày càng tăng lên nhanh chóng.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị viêm cổ tử cung

Viêm cổ tử cung được chia thành 2 giai đoạn: viêm cổ tử cung cấp tính và viêm cổ tử cung mạn tính. Ở giai đoạn cấp tính, các triệu chứng bệnh cũng biểu hiện rõ rệt nên dễ điều trị triệt để. Nhưng nếu không điều trị ngay từ sớm bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính khó chữa hơn, tiềm ẩn những biến chứng như: mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm âm đạo và những nguy hại khác đối với khả năng sinh sản.

Các triệu chứng viêm cổ tử cung điển hình là:

  • Những bất thường về khí hư: Khí hư chuyển thành màu vàng, xanh hoặc xám, tiết ra nhiều hơn bình thường, đôi khi có lẫn mủ và hôi hám khó chịu.
  • Những cơn đau: Viêm cổ tử cung gây ra những cơn đau đồng loạt: cảm giác đau buốt khi đi tiểu kèm theo tiểu nhiều, tiểu gấp, đau sau quan hệ tình dục, đau bụng dưới, đau vùng chậu và đau lưng dữ dội, đặc biệt trong những ngày hành kinh.
  • Chảy máu âm đạo bất thường: Âm đạo có thể tiết dịch kèm theo những sợi máu ở ngoài chu kỳ kinh nguyệt và có thể xảy ra sau mỗi lần quan hệ.
  • Rối loạn kinh nguyệt: Chậm có kinh dù không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc rong kinh, thống kinh diễn ra trong thời gian dài là dấu hiệu rõ ràng nhất.
  • Ngứa âm đạo: Khí hư tiết ra nhiều cùng tình trạng viêm nhiễm khiến vùng kín lúc nào cũng ẩm ướt ngứa ngáy.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ nếu có các biểu hiện bất thường như: ra dịch âm đạo bất thường và dai dẳng, chảy máu khi không trong chu kỳ hoặc đau khi giao hợp…

Bệnh viêm cổ tử cung hoàn toàn có thể chữa trị được nếu phát hiện sớm.  Tuy nhiên nếu bệnh không được chữa trị kịp thời thì sẽ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe và phiền toái đối với cuộc sống, thậm chí là vô sinh.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm cổ tử cung

Viêm cổ tử cung do rất nhiều các tác nhân gây nên bệnh, chủ yếu là do sự xâm nhập và gây bệnh của các vi khuẩn, virus gây bệnh. Các vi khuẩn, virus xâm nhập vào cổ tử cung gây bệnh qua nhiều con đường khác nhau.

Chị em phụ nữ nếu sinh hoạt tình dục không an toàn, thô bạo, quan hệ tình dục không điều độ dễ làm tổn thương cơ quan sinh dục, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Quan hệ tình dục không an toàn cũng là con đường ngắn nhất để lây lan và lây nhiễm các bệnh xã hội, các bệnh tình dục, đặc biệt là lậu, giang mai, nấm, tạp khuẩn…


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm cổ tử cung?

Bệnh viêm cổ tử cung là bệnh được xảy ra ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản rất cao, phổ biến là từ 20 – 50 tuổi.

Một số chị em nạo phá thai quá nhiều, sinh đẻ khi độ tuổi còn quá nhỏ cũng có nguy cơ mắc viêm cổ tử cung cao hơn những người khác rất nhiều lần.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm cổ tử cung

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ hỏi bệnh sử và tiến hành khám thực thể. Đồng thời tiến hành xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung. Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu.

Phương pháp điều trị viêm cổ tử cung hiệu quả

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bệnh nhân sẽ có liệu trình điều trị khác nhau, như loại bỏ các chất gây kích ứng, dị ứng, điều trị các nhiễm trùng.

  • Khi viêm tử cung đã chuyển sang giai đoạn mạn tính, cần điều trị toàn bộ. Khi bệnh chưa nặng, nên dùng kháng sinh, trước khi đi ngủ nên đặt thuốc vào âm đạo, cách một ngày một lần, mỗi đợt nên từ 7 – 10 lần. Lưu ý rằng khi dùng thuốc cần tránh quan hệ tình dục.
  • Nếu bệnh nặng áp dụng những biện pháp trị liệu vật lý như: dùng tia lazer, nhiệt điện hoặc phẫu thuật ngoại khoa. Trong khi điều trị, cần kiểm tra định kỳ sự bong niêm mạc cổ tử cung và sự tiết dịch âm đạo để có cách điều trị đúng hướng, đây cũng là cách điều trị hiệu quả để phòng ung thư.

Các phương pháp điều trị viêm cổ tử cung bằng áp, đốt điện, laser… Và hiện nay là phương pháp dùng ánh sáng năng lượng cao chiếu vào thực ra cũng là cách dùng nhiệt để điều trị vùng thương tổn của cổ tử cung, sẽ không ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Cần lưu ý tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm cổ tử cung

Để việc điều trị đạt được hiệu quả cao nhất, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Giữ vệ sinh âm đạo sạch sẽ, tắm rửa, thay quần lót thường xuyên và mặc những loại quần lót khô thoáng.
  • Không nên quan hệ tình dục trong thời gian bị bệnh, hoặc nếu có thì nên sử dụng bao cao su và quan hệ tình dục nhẹ nhàng.
  • Không được mang thai trong giai đoạn này.
  • Có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.

Phương pháp phòng bệnh hiệu quả

  • Không quan hệ tình dục quá sớm hoặc với nhiều người.
  • Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục. Khi sinh con xong cần chú ý vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ.
  • Vệ sinh bộ phận bộ phận sinh dục đúng cách: Không nên thụt rửa âm đạo, không dùng các loại xà phòng có tính chất tẩy mạnh sẽ làm thay đổi pH của âm đạo, gây rối loạn sinh lý của cổ tử cung…
  • Sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh.
  • Tránh nạo phá thai.
  • Nên sử dụng các biện pháp tránh thai để phòng ngừa viêm cổ tử cung.
  • Điều trị triệt để các bệnh viêm âm đạo.
  • Khám phụ khoa theo định kỳ (kể cả khi không thấy biểu hiện bệnh lý gì).

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan