Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa hay còn gọi là viêm da dị ứng là một bệnh về da do hệ thống miễn dịch quá mẫn. Bệnh phổ biến ở trẻ em và thường kéo dài đến suốt đời. Dấu hiệu của viêm da cơ địa là tình trạng da bị ngứa, nổi ban đỏ, có thể chứa dịch. Bệnh thường đi kèm với những chứng hen, viêm mũi dị ứng, mề đay,… Với những người có tiền sử gia đình mắc viêm da cơ địa, thì khả năng mắc bệnh sẽ vào khoảng 60%


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm da cơ địa

Dấu hiệu và triệu chứng của viêm da cơ địa bao gồm:

  • Da khô, dày, tróc vảy;
  • Ngứa;
  • Nổi ban đỏ;
  • Thường xuất hiện triệu chứng ở vùng mặt, cổ, ngực, cổ tay, cánh tay, mặt sau đầu gối, chân.

Viêm da cơ địa ở trẻ em và người lớn có biểu hiện tương tự nhau. Với trẻ nhỏ, bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn 2 – 3 tháng tuổi, hoặc nếu chậm hơn có thể xuất hiện khi trẻ 2 tuổi. Triệu chứng của bệnh phổ biến ở cổ, mặt và da đầu. Ở những vùng da bị ảnh hưởng sẽ có tình trạng da ngứa và tróc vảy. Nếu trẻ cào gãi thì da sẽ dày hơn và trẻ có biểu hiện mất ngủ.

Với người trưởng thành, khi viêm da cơ địa xuất hiện sẽ làm da bị nổi ban và ngứa dai dẳng, có thể xảy ra ở toàn thân. Tình trạng ngứa sẽ ngày một nặng hơn chứ ít khi thuyên giảm nếu không được chữa trị.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trong trường hợp cào gãi quá nhiều có thể khiến da bị bội nhiễm dẫn đến nhiễm trùng da; gây các vệt đỏ, vảy vàng hoặc có mủ xuất hiện. Ngoài ra, viêm da cơ địa có thể ảnh hưởng đến thị lực của mắt, giảm tập trung trí lực, khiến người bệnh mất ngủ và cảm thấy khó chịu trong vấn đề sinh hoạt hay khi giao tiếp. Vì vậy, khi bạn phát hiện có những dấu hiệu của ngứa da dai dẳng, hoặc dùng thuốc dị ứng thông thường vẫn chưa thấy dấu hiệu thuyên giảm, bạn hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được kiểm tra và có phương án điều trị thích hợp.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm da cơ địa

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa vẫn chưa được xác định rõ. Nhiều nghiên cứu cho răng đây là sự tổng hợp của yếu tố di truyền và một số tác nhân môi trường như căng thẳng, thời tiết, tiếp xúc với các chất dễ gây dị ứng như xi măng, cao su, chất háo học, chất tẩy rửa, vi khuẩn, ký sinh trùng,…


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị viêm da cơ địa?

Viêm da cơ địa phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm da cơ địa, bao gồm:

  • Di truyền: Nếu bố/mẹ từng bị viêm da cơ địa hoặc các bệnh có yếu tố dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng, mề đay,… thì khả năng con mắc bệnh là 60%. Trong trường hợp cả bố lẫn mẹ đều có tiền sử bị bệnh thì khả năng con mắc bệnh tăng lên 80%.
  • Người phải thường xuyên tiếp xúc với các chất bẩn, vật phẩm y tế, chất hóa học, chất tẩy rửa và các chất dễ gây dị ứng khác.
  • Đối với trẻ em, việc sống trong vùng đông dân cư, đi nhà trẻ và có chứng rối loạn tăng động (ADHD) thì sẽ làm tăng  nguy cơ bị viêm da cơ địa.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm da cơ địa

Bác sĩ chẩn đoán viêm da cơ địa bằng cách:

  • Khám ngoài da và quan sát các biểu hiện trên da và mắt.
  • Hỏi bệnh sử để xác định viêm da cơ địa có phải xuất phát từ yếu tố gia đình hoặc từ các bệnh khác có yếu tố dị ứng hay không.
  • Sinh thiết da: Dùng một mẫu da nhỏ ở vùng da bị ảnh hưởng để làm xét nghiệm, loại trừ tình trạng da bị nhiễm trùng.

Phương pháp điều trị viêm da cơ địa hiệu quả

Không có phương pháp điều trị viêm da cơ địa dứt điểm. Nguyên tắc chung trong việc điều trị bao gồm:

  • Giảm các triệu chứng trên da như khô da, ngứa rát da, da nổi ban, dày da.
  • Chống nhiễm trùng, chống viêm.
  • Tư vấn cho người bệnh và gia đình cách chăm sóc da tại nhà để phòng bệnh tái phát nặng hơn.

Điều trị viêm da dị ứng cần có sự kết hợp giữa việc dùng thuốc, cách tự chăm sóc của người bệnh và thay đổi lối sống. Phương pháp điều trị cụ thể là:

Dùng thuốc:

  • Chống ngứa da: Thuốc kháng histamin H1, fexofenadin180 mg, certerizin 10 mg. Với trường hợp nặng có thể dùng thuốc chứa corticoid như prednisone, diphenhydramine, và hydroxyzine.
  • Chống khô da:  Dùng urea 10%, petrolatum với vùng da bị khô.
  • Chống bong vảy: mỡ salicyle 5% – 10%, mỡ goudron, ichthyol, crysophanic.
  • Chống nhiễm khuẩn: Dùng kháng sinh nhóm cephalosphorin thế hệ 1.

Tùy theo thể trạng của bệnh nhân và mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp. Bạn tuyệt đối không nên tự mua thuốc và điều trị tại nhà mà chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn

Cách tự chăm sóc tại nhà:

  • Dùng thuốc và thoa kem dưỡng ẩm da theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không cào gãi làm trầy xước da vì nó có thể gây nhiễm trùng.
  • Chú ý đến các chất có khả năng làm bạn dị ứng và hạn chế tiếp xúc với chúng, hoặc khi tiếp xúc cần dùng các phương pháp bảo vệ bản thân.

Vì đây là bệnh có thể đi theo bạn suốt đời nên việc đầu tiên chính là bạn hãy lạc quan và kiên trì chăm sóc cơ thể. Điều này có thể giúp bạn hạn chế được tần suất tái phát bệnh hoặc giảm thiểu khả năng bệnh diễn tiến nặng hơn.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Vì viêm da cơ địa vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân nên rất khó trong việc phòng bệnh. Bạn chỉ có thể hạn chế các yếu tố nguy cơ bằng cách:

  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như gà, hải sản, bò, sữa, phô mát, và các thức ăn cay, nóng.
  • Không để cơ thể trực tiếp tiếp xúc với các loại hóa chất, chất tẩy rửa. Khi bắt buộc phải tiếp xúc, bạn nên trang bị đồ bảo hộ như găng tay, ủng, khẩu trang.
  • Vệ sinh thường xuyên chỗ ở, không để bụi bẩn, móc meo, lông thú nuôi làm bạn dị ứng.
  • Lựa chọn quần áo vải mềm, thoáng mát, không gây hầm, bí hoặc mặc đồ quá chật.
  • Cắt móng tay và vệ sinh tay để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn khi cào, gãi.
  • Tắm bằng nước ấm hoặc hôn hợp nước ấm pha với bột yến mạch.
  • Giữ ẩm cho da bằng các loại kem dưỡng ẩm nhẹ dịu sau khi tắm.
  • Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, đồng thời luyện tập thể dục để tăng cường đề kháng.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan