Viêm đài bể thận

Tìm hiểu chung

Viêm đài bể thận là gì?

Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu di chuyển đến bể thận, vào từng kẽ thận thì được gọi là viêm đài bể thận. Thông thường, nước tiểu được lưu trữ tại bàng quang trước khi bài tiết ra khỏi cơ thể. Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào bàng quang sẽ gây nhiễm trùng bàng quang, khi chúng phát triển mạnh mẽ và nhân lên, chúng có thể ngược dòng lên phía trên và gây nhiễm trùng đài bể thận.

Đây là bệnh ít gặp nhưng có thể tái đi tái lại nhiều lần và gây sẹo ở thận, có khi thận bị tổn thương vĩnh viễn.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm đài bể thận

  • Sốt cao, rét run người, môi khô;
  • Đau vùng lưng, hai bên sườn, cơn đau lan dần xuống vùng bụng dưới, vùng sinh dục ngoài;
  • Cơn đau có lúc dữ dội, có lúc âm ỉ;
  • Đi tiểu thường đau buốt, nước tiểu có máu, trong nước tiểu còn xuất hiện mủ;
  • Nước tiểu đục màu.

Ngoài các triệu chứng nêu trên, ở một số trường hợp có xuất hiện các triệu chứng khác nhưng do không phổ biến nên không được đề cập.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm đài bể thận

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm thận – bể thận nhưng các nguyên nhân dưới đây là phổ biến nhất:

  • Do vi khuẩn sinh sôi và gây nhiễm trùng ở bàng quang, niệu đạo, sau đó ngược dòng lên phía trên gây viêm đài bể thận. Có nhiều loại vi khuẩn có thể gây tình trạng này, trong đó vi khuẩn thường gặp nhất là vi khuẩn E.coli, vi khuẩn Klebsiella, vi khuẩn Gram.
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu khiến nước tiểu bị ứ đọng lại thận, tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng dẫn đến bệnh viêm nhiễm.
  • Sỏi: thường gặp nhất là sỏi tiết niệu, các khối u sỏi chèn ép niệu quản gây tắc nghẽn đường tiểu, khiến nhiễm khuẩn.

 


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm đài bể thận?

Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng, giới tính hay lứa tuổi nào. Tuy nhiên tỉ lệ người lớn tuổi mắc bệnh này khá cao, càng lớn tuổi tỉ lệ mắc bệnh càng cao.

Yếu tố làm tăng nguy cơ viêm đài bể thận, bao gồm:

  • Người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 1 và 2.
  • Người mắc hội chứng suy giảm hệ miễn dịch.
  • Người có tiền sử mắc các bệnh viêm nhiễm các cơ quan đường tiết niệu hoặc tiền sử khối u tiết niệu.
  • Độ tuổi: Càng lớn tuổi thì tỉ lệ mắc bệnh càng cao do chức năng thận suy giảm.
  • Giới tính: Phụ nữ có khả năng mắc bệnh cao hơn nam giới do niệu quản của nữ ngắn hơn nam nên vi khuẩn sẽ nhanh chóng di chuyển lên bàng quang hơn.
  • Di truyền: Có ông bà, cha mẹ mắc các bệnh về thận hay mắc bệnh thì nguy cơ con cái mắc bệnh này cao hơn người bình thường.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm đài bể thận

  • Đầu tiên các bác sĩ sẽ điều tra bệnh sử và tiến hành khám tổng quát.
  • Tiếp đến các bệnh nhân được xét nghiệm máu, nước tiểu để xem có sự xuất hiện của vi khuẩn không, nồng độ khoáng chất có vượt mức bình thường không, mục đích sau cùng để xác định nguyên nhân gây bệnh.
  • Chụp X-quang, CT hoặc siêu âm là những phương pháp sẽ được sử dụng tiếp theo để biết được hình ảnh cắt lớp bên trong thận, xem có sỏi thận hay không.
  • Khi đã có các kết quả rõ ràng, các bác sĩ đưa ra những chẩn đoán chuẩn xác nhất và giải pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng bệnh và sức khỏe của từng bệnh nhân.

Phương pháp điều trị viêm đài bể thận hiệu quả

Hầu hết các trường hợp đều phải dùng thuốc kháng sinh để giảm bớt các tình trạng viêm nhiễm, ngăn chặn tình trạng mủ, máu trong nước tiểu.

Trong một số trường hợp có triệu chứng đi kèm, bác sĩ sẽ cân nhắc kĩ càng trước khi kê toa thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, truyền dịch hay chất điện giải cho bệnh nhân.

Điều trị tháo tắc nước tiểu: có thể là dẫn lưu nước tiểu, hoặc phẫu thuật loại bỏ sỏi (trường hợp sỏi lớn) hoặc tán sỏi để cho sỏi theo nước tiểu ra bên ngoài.

 


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm đài bể thận

  • Uống nhiều nước lọc, ăn uống những thức ăn nhẹ nhàng dễ tiêu hóa.
  • Chế độ ăn uống thì tham khảo từ các chuyên gia dinh dưỡng.
  • Hạn chế ăn những thức ăn thức uống có nhiều đường, muối vì có hại cho thận.
  • Tránh xa thuốc lá, các chất kích thích.
  • Có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng gì thì phải liên hệ ngay với bác sĩ để có giải pháp giải quyết vấn đề kịp thời, tránh bệnh tình nặng đến mức nghiêm trọng không thể cứu chữa.

 


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan