Viêm não

Tìm hiểu chung

Viêm não là bệnh gì?

Viêm não là tình trạng viêm của nhu mô não dẫn đến rối loạn chức năng thần kinh – tâm thần khu trú hoặc lan tỏa. Viêm não thường do virus gây nên, có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

Viêm não có hai thể là viêm não tiên phát (thường nặng nề dẫn đến nhập viện) và viêm não thứ phát (thường gặp và nhẹ hơn).


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm não

Viêm não cũng có những triệu chứng sợ ánh sáng, nhức đầu hay cứng cổ giống viêm màng não.

Nếu bệnh nhân mắc viêm não do virus, các triệu chứng thường nhẹ và giống như mắc bệnh cúm, thường không kéo dài, cũng có khi bệnh nhân không có biểu hiện gì.

Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân thường sốt cao kèm theo các triệu chứng:

  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Đau đầu dữ dội.
  • Mất định hướng;
  • Co giật;
  • Đờ đẫn;
  • Rối loạn nghe nói;
  • Bệnh nhi có dấu hiệu khóc không dứt và gồng cứng người.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất cứ khi nào cơ thể có biểu hiện kỳ lạ ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần với các dấu hiệu điển hình kể trên thì bệnh nhân nên đến bệnh viện để thăm khám và xác định nguyên do. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm não

  • Thường do nhiễm virus, điển hình như herpes virus, arbovirus do muỗi, côn trùng hoặc bệnh dại do mèo cắn. Trường hợp hiếm gặp hơn là do nhiễm vi khuẩn hay ký sinh trùng.
  • Do bệnh nhiễm trùng thường mắc ở trẻ em như: sởi, quai bị, rubella.
  • Hệ miễn dịch phát tín hiệu phản ứng với tác nhân từng gây nhiễm trùng trước đó, hoặc khi hệ miễn dịch phản ứng với các tác nhân như khối u.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm não?

Viêm não là bệnh thường mắc ở người già và trẻ em do hệ miễn dịch yếu hay chưa hoàn thiện.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm não, bao gồm:

  • Hệ miễn dịch suy giảm, chẳng hạn như người mắc bệnh mạn tính HIV.
  • Môi trường sống, chẳng hạn như ở vùng nhiệt đới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Các tháng mùa hè và nóng ẩm bệnh viêm não arbovirus tăng cao, vào mùa xuân và đông thì viêm não do virus ruột thường gặp hơn.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm não

Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh viêm não bằng cách:

  • Hỏi tiền sử bệnh lý.
  • Tiến hành các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và chẩn đoán điều trị. Các xét nghiệm thường được sử dụng như:
    • Chẩn đoán hình ảnh CT hoặc MRI: Phát hiện tình trạng phù nề, xuất huyết hay các bất thường của não.
    • Phân tích dịch não tủy, chọc dò tủy sống: Nhằm kiểm tra sự tăng lên của các tế bào bạch cầu và protein, vi khuẩn và virus.
    • Điện não đồ (EEG): Đo lường xung não để phát hiện các sóng bất thường.
    • Xét nghiệm công thức máu, hóa sinh, huyết thanh học: Xác định loại virus gây ra viêm não.

Phương pháp điều trị bệnh viêm não hiệu quả

Trong các trường hợp nhẹ, bệnh nhân chỉ cần được nghỉ ngơi đầy đủ và ăn uống lành mạnh để mau chóng lấy lại sức. Đồng thời sử dụng các acetaminophen làm giảm đau đầu và sốt.

Trường hợp bệnh nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể xem xét sử dụng các loại thuốc kiểm soát tình trạng viêm và không gây biến chứng do sốt.

  • Thuốc kháng virus như acyclovir (Zovirax) hoặc ganciclovir (Cytovene).
  • Thuốc kháng viêm như corticosteroid giúp giảm áp lực hộp sọ.
  • Thuốc chống co giật để ngăn ngừa các cơn động kinh.

Bệnh nhân cũng có thể được bổ sung tập vật lý trị liệu hoặc tâm thần trị liệu để cải thiện tình trạng bệnh.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm não

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và khoa học.
  • Uống đủ nước.
  • Nên bổ sung các loại thực phẩm chứa omega-3 (có trong các loại hạt, óc chó…), vitamin các nhóm B và C có trong các loại rau xanh và trái cây tươi.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Tiêm vắc-xin định kỳ các bệnh có nguy cơ gây viêm não như: thủy đậu, sởi, rubella, quai bị.
  • Phòng tránh muỗi đốt: Không để nhà có vũng nước đọng, nằm màn khi ngủ.
  • Vệ sinh môi trường: Phát quang bụi rậm, thông cống, đậy kỹ các vật dụng chứa nước để giảm thiểu nơi cư ngụ cũng như đẻ trứng của muỗi.
  • Nếu thấy gia cầm ốm hoặc chết nên báo cáo cho cơ quan y tế địa phương.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan