Vỡ tử cung

Tìm hiểu chung

Vỡ tử cung là gì?

Vỡ tử cung là một trong 5 loại tai biến sản khoa có thể gây tử vong cho mẹ và thai nhi. Hiện nay nhờ tiến bộ của khoa học trong lĩnh vực gây mê hồi sức cũng như trình độ chuyên khoa sản được nâng cao, chỉ định mổ lấy thai kịp thời nên tỷ lệ vỡ tử cung đã giảm đi nhiều.

Trước khi vỡ tử cung có một giai đoạn doạ vỡ tử cung, cần phát hiện sớm nguy cơ này để can thiệp kịp thời và cứu được cả mẹ lẫn con. Vỡ tử cung cũng có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai, nhưng thường xảy ra trong giai đoạn chuyển dạ.

Các hình thái vỡ tử cung:

  • Vỡ tử cung hoàn toàn: Tử cung bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ và cả phúc mạc làm buồng tử cung thông với ổ bụng.
  • Vỡ tử cung không hoàn toàn (còn gọi vỡ tử cung dưới phúc mạc): Tổn thương từ niêm mạc đến rách cơ tử cung nhưng phúc mạc còn nguyên, thường gặp vỡ ở đoạn dưới.
  • Vỡ tử cung phức tạp: Tổn thương đến cả bàng quang hoặc đường tiêu hoá.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị vỡ tử cung

Vỡ tử cung trong thai kỳ: Có thể xảy ra ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ nhưng không có dấu hiệu dọa vỡ tử cung.

Triệu chứng cơ năng:

  • Đau xảy ra đột ngột ở vùng tử cung (thường ở vị trí vết mổ cũ);
  • Ra máu ở âm đạo.

Triệu chứng toàn thân:

  • Trong một số trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu choáng, đôi khi choáng nặng: da mặt tái nhợt, nhịp thở nhanh, thở nông, chân tay lạnh toát, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp hạ, đôi khi có thể ngừng tim.

Triệu chứng thực thể:

  • Ðau bụng: có thể lan toả toàn bụng, có khi phản ứng phúc mạc rất rõ;
  • Tử cung không còn hình dạng ban đầu, có thể sờ thấy các phần thai ngay dưới thành bụng, trường hợp vỡ tử cung không hoàn toàn có thể còn sờ thấy tử cung nhưng có điểm đau nhói tại vùng sẹo của tử cung;
  • Tim thai không còn nghe được;
  • Gõ bụng: bụng đục toàn bộ;
  • Khám âm đạo: ngôi thai không sờ thấy, có máu chảy ra theo tay.

Vỡ tử cung trong chuyển dạ: Trước khi vỡ tử cung bao giờ cũng có giai đoạn doạ vỡ, cần phát hiện để xử trí kịp thời sẽ cứu được cả mẹ lẫn con.

Doạ vỡ tử cung:

  • Triệu chứng cơ năng: Thai phụ đau nhiều, quằn quại do cơn co mạnh và dày.
  • Triệu chứng thực thể:
    • Thấy rõ tử cung bị chia làm hai khối, thắt ở giữa như hình quả bầu nậm. Khối dưới là đoạn dưới bị kéo dài (có khi lên tới rốn), giãn mỏng, khối thân tử cung bị đẩy lên cao. Chỗ thắt ở giữa gọi là vòng Bandl, lúc tử cung gần vỡ vòng Bandl càng lên cao và càng rõ;
    • Đo cơn co tử cung thấy mạnh, dồn dập;
    • Sờ nắn: Hai dây chằng tròn sờ rõ và căng. Dấu hiệu này phối hợp với vòng Bandl gọi là dấu hiệu Bandl-Frommel. Nếu không được xử trí tử cung sẽ vỡ ngay;
    • Nghe tim thai: Có thể thấy dấu hiệu bất thường: nhanh, chậm hoặc không đều;
    • Khám âm đạo: Có thể thấy các nguyên nhân đẻ khó như khung chậu hẹp, ngôi thai bất thường (ngôi vai, ngôi trán, ngôi mặt cằm cùng), thai to hoặc bất tương xứng giữa thai và khung chậu…

Giai đoạn vỡ tử cung:

  • Triệu chứng cơ năng:
    • Ở sản phụ đã có dấu hiệu dọa vỡ đột nhiên đau chói lên, đau nhiều ở chỗ vỡ sau đó dịu bớt đi;
    • Ra máu ở âm đạo: Máu đỏ có thể nhiều hoặc ít tùy theo vị trí vỡ và có kèm tổn thương mạch máu không.
  • Triệu chứng thực thể:
    • Nếu mất máu nhiều có tình trạng choáng: da nhợt nhạt, thở nhanh – nông, niêm mạc mắt trắng bệch, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp hạ;
    • Nhìn: Không thấy hình dạng tử cung;
    • Sờ nắn: Nếu thai còn trong buồng tử cung thì tử cung vẫn còn hình thế cũ nhưng sờ vào chỗ vỡ thai phụ đau chói, bụng có phản ứng. Nếu thai bị đẩy vào ổ bụng thì sờ thấy các phần của thai nhi lổn nhổn dưới da bụng;
    • Nghe: Không có tim thai hoặc có dấu hiệu suy thai trong trường hợp nứt một đoạn sẹo mổ ngay đoạn dưới;
    • Khám âm đạo: Máu đỏ chảy ra theo tay, ngôi thai cao, đẩy lên dễ dàng nếu thai nằm trong ổ bụng;
    • Thông tiểu có thể thấy nước tiểu màu hồng hoặc đỏ tùy theo có tổn thương hoặc vỡ bàng quang.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu sản phụ thấy được bất thường nào nêu trên trong quá trình mang thai cần lưu ý báo với bác sĩ ngay lập tức, đồng thời nên khám thai thường xuyên để đề phòng nguy cơ tiềm ẩn.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến vỡ tử cung

Vỡ tử cung trong thai kỳ:

Có thể xảy ra ở các thai phụ có sẹo mổ cũ ở tử cung do:

  • Mổ lấy thai ở thân tử cung.
  • Khâu lại tử cung bị vỡ.
  • Mổ lấy thai từ hai lần trở lên.
  • Mổ cắt góc tử cung trong phẫu thuật điều trị chửa ngoài tử cung ở sừng.
  • Mổ lấy thai bị nhiễm khuẩn tại vết mổ hoặc tử cung.
  • Phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung.
  • Khâu lỗ thủng tử cung sau nạo phá thai.
  • Tai nạn, sang chấn trực tiếp.

Vỡ tử cung trong chuyển dạ:

Nguyên nhân về phía mẹ:

  • Đẻ khó do khung chậu hẹp tuyệt đối, bất cân xứng đầu chậu, khung chậu méo…
  • Có sẹo mổ cũ ở tử cung hay có thai lại sớm sau mổ lấy thai.
  • Đẻ nhiều lần hoặc có tiền sử sinh đôi, sinh 3 làm tử cung nhão, mỏng dễ vỡ.
  • Nạo phá thai nhiều lần.
  • Đẻ khó do các khối u tiền đạo như các u xơ ở eo tử cung, u nang buồng trứng, u trong tiểu khung.

Nguyên nhân về phía thai nhi:

  • Thai to toàn bộ: trọng lượng thai trên 4.000g, gây bất tương xứng giữa thai và khung chậu.
  • Thai to từng phần như não úng thủy.
  • Do ngôi, kiểu thế bất thường.
  • Đẻ khó do các thai dính nhau trong sinh đôi làm thể tích thai lớn.

Nguyên nhân do can thiệp:

  • Tiến hành các thủ thuật mà không đúng chỉ định, chưa đủ điều kiện hoặc không đúng thủ thuật.
  • Truyền oxytocin không đúng chỉ định, liều lượng và theo dõi không cẩn thận.
  • Can thiệp các thủ thuật như: Nội xoay thai trong ngôi vai, đại đầu hậu thô bạo trong ngôi mông, giác hút, forceps, cắt thai trong ngôi vai buông trôi, không đúng chỉ định và không đủ điều kiện.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh vỡ tử cung?

Vỡ tử cung có thể xảy ra ở bất cứ sản phụ nào. Ngoài ra cần lưu ý các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh sau đây:

  • Phụ nữ có vết mổ khi mang thai có nguy cơ vỡ tử cung cao.
  • Biến chứng của nạo phá thai nhiều lần.
  • Tử cung nhão, mỏng, dễ vỡ do sinh nhiều.
  • Thai to trên 4kg, đầu của thai nhi to do bị não úng thủy.
  • Thai sinh đôi dính nhau khiến thể tích thai to…

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán vỡ tử cung

Chẩn đoán xác định: Dựa vào triệu chứng lâm sàng như đã nêu ở trên.

Chẩn đoán phân biệt:

  • Bàng quang căng nước tiểu.
  • Nhau tiền đạo: Không có dấu hiệu dọa vỡ, chảy máu ngoài là chủ yếu, tim thai có thể mất khi máu chảy nhiều, cơn co tử cung không mạnh, khám âm đạo thấy một phần bánh nhau (nhau bám mép, nhau bán trung tâm) hoặc sờ thấy toàn nhau khi cổ tử cung mở (trong nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn).
  • Nhau bong non: Có thể có các dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén (protein niệu, phù, huyết áp cao), máu chảy ra âm đạo là máu loãng không đông, có thể choáng nhưng huyết áp có thể không hạ, mạch vẫn rõ, tử cung cứng, không nghe thấy tim thai, sinh sợi huyết giảm.

Xét nghiệm: Khi siêu âm có thể thấy thai nằm trong ổ bụng, không thấy hoạt động tim thai, thấy tổn thương ở tử cung, dịch trong ổ bụng. Xét nghiệm công thức máu thấy thiếu máu

Phương pháp điều trị vỡ tử cung hiệu quả

Tất cả các loại vỡ tử cung đều phải mổ cấp cứu, vừa hồi sức vừa mổ.

  • Hồi sức chống choáng bằng cách bù lại khối lượng máu đã mất, truyền dịch, nước, điện giải, trợ tim trước, trong và sau mổ.
  • Khi phẫu thuật: Tuỳ theo tình trạng của thai phụ, thời gian vỡ mới hay vỡ lâu, tình trạng nhiễm khuẩn nhiều hay ít, vỡ đơn thuần hay phức tạp, tuổi và số con sống của thai phụ… mà quyết định cắt tử cung hay bảo tồn tử cung.
  • Khâu lại tử cung: Chỉ khâu lại tử cung khi thai phụ còn trẻ, còn nguyện vọng sinh đẻ, vết rách không nham nhở, không bị nhiễm khuẩn.
  • Cắt tử cung: Khi thai phụ nhiều tuổi, đã đẻ nhiều lần, vết rách nham nhở, nhiễm khuẩn hoặc vỡ phức tạp.
  • Sau mổ dùng kháng sinh liều cao, có thể dùng phối hợp hai loại kháng sinh và săn sóc hậu phẫu tốt, đảm bảo chế độ ăn đủ dinh dưỡng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của vỡ tử cung

Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ trong thời kỳ hậu phẫu để phát hiện nhiễm khuẩn sau mổ. Đảm bảo chế độ ăn đủ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, tránh để lo âu kéo dài ảnh hưởng tiến độ phục hồi của bệnh nhân.

  • Về chế độ dinh dưỡng, ngoài việc tăng hàm lượng protein hợp lý thì cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất từ rau củ trái cây để giúp tăng nhanh thể trọng và vết mổ nhanh lành.
  • Gia đình cũng nên chú ý đến tâm lý của bệnh nhân. Trong trường hợp thai phụ bị vỡ tử cung và cần thực hiện cắt toàn bộ tử cung thì sẽ không còn có cơ hội mang thai nữa. Dẫn đến tâm lý bệnh nhân bị ảnh hưởng muộn phiền, căng thẳng, gia đình cần bên cạnh động viên tinh thần cho bệnh nhân.
  • Trường hợp bệnh nhân chỉ thực hiện phẫu thuật khâu lại tử cung thì cần lưu ý không nên mang thai trong khoảng ít nhất 2 năm.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Khi chuẩn bị mang thai:

  • Nếu đã từng gặp các bất thường về tử cung, nên đi thăm khám theo dõi thường xuyên để ngăn ngừa tai nạn phát sinh.
  • Không nên sinh con ở thời điểm quá gần nhau bởi rất dễ làm nhão cổ tử cung, khiến dễ vỡ. Nhất là các mẹ sinh mổ cần giãn cách thời gian ít nhất là từ 2-3 năm mới nên mang thai lại.

Khi có thai:

  • Không bỏ qua bất cứ buổi khám thai định kỳ nào, đặc biệt là các buổi khám vào những tuần cuối thai kỳ.
  • Các thai phụ có sẹo ở tử cung phải được vào viện trước khi chuyển dạ để theo dõi cẩn thận.
  • Trường hợp mẹ được chẩn đoán có khung chậu hẹp nên chọn sinh ở bệnh viện tuyến trên để được can thiệt kịp thời và đúng cách nhất, đồng thời cấp cứu kịp khi cần thiết.

Khi chuyển dạ:

  • Khám phát hiện sớm các nguyên nhân đẻ khó.
  • Theo dõi sát cuộc cuộc chuyển dạ để xử trí kịp thời.
  • Khi sử dụng các thuốc tăng co, truyền nhỏ giọt oxytocin cần đúng chỉ định, đúng liều lượng và theo dõi cẩn thận.
  • Khi phải làm thủ thuật đường dưới như nội xoay thai, cắt thai, forceps, giác hút… phải theo đúng chỉ định và phải đủ điều kiện.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan