Lồng ruột

Lồng ruột là gì?

Lồng ruột là một bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến đường ruột, gồm cả ruột non và ruột già. Đây là hiện tượng một đoạn ruột bị luồn vào bên trong của một đoạn ruột lân cận. Bệnh phổ biến ở trẻ em, nhưng người trưởng thành vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Tùy vào đối tượng mắc bệnh mà sẽ có những triệu chứng cụ thể.

Khi bị lồng ruột sẽ kèm theo các mạch máu cũng bị cuốn vào theo, hậu quả là tạo nên sự tắc nghẽn các mạch máu, cản trở quá trình cung cấp máu cho đoạn ruột bị ảnh hưởng, gây tổn thương, nhiễm trùng hoặc hoại tử. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, khi phát hiện cần được điều trị khẩn cấp. Phương pháp thường dùng trong điều trị là phẫu thuật kết hợp với dùng thuốc.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của lồng ruột

Tùy vào đối tượng mắc bệnh mà sẽ có những triệu chứng khác nhau, bao gồm:

Trẻ em:

  • Cơn đau bụng nặng và tái phát nhiều lần;
  • Phân lẫn máu và chất nhầy;
  • Sưng phình bụng;
  • Ói mửa (chất lỏng màu nâu vàng hoặc xanh);
  • Tiêu chảy;
  • Sốt, vã mồ hôi;
  • Mất nước;
  • Hôn mê.

Trong các triệu chứng trên, đau bụng là dấu hiệu sớm nhất trẻ có thể gặp khi bị lồng ruột. Cơn đau thường cách nhau từ 15 – 20 phút và xuất hiện càng lúc càng nhiều.

Người lớn:

Mặc dù hiếm nhưng lồng ruột vẫn có thể xảy ra ở người lớn.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lồng ruột ở người lớn không liên tục và gần giống với nhiều bệnh rối loạn khác nên rất khó nhận biết. Bao gồm các triệu chứng chính như sau:

  • Đau bụng từng đợt;
  • Nhu cầu đi tiêu khẩn cấp;
  • Chảy máu trực tràng (phần cuối của ruột già);
  • Đau bụng co cứng;
  • Chướng bụng;
  • Buồn nôn hoặc nôn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh lồng ruột

Lồng ruột có thể ngăn cản máu cung cấp đến đoạn ruột bị ảnh hưởng. Nếu không được điều trị kịp thời, các mô thành ruột sẽ bị thiếu máu dẫn đến bị hoại tử thành ruột. Mô ruột chết có thể dẫn đến lỗ thủng trong thành ruột, gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng khoang bụng và ảnh hưởng đến tính mạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay khi có các triệu chứng nêu trên. Đặc biệt nếu các triệu chứng ở trẻ em thì bạn nên gặp bác sĩ kịp thời để trẻ được điều trị khẩn cấp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến lồng ruột

Ruột có hình ống dài, lồng ruột là tình trạng một đoạn ruột (thường là ruột non) bị luồn vào trong một đoạn ruột khác. Tình trạng này có thể so sánh với cấu trúc của ống kính viễn vọng. Nhiều trường hợp bị lồng ruột vẫn chưa tìm được nguyên nhân. Số còn lại có thể là do các nguyên nhân sau đây:

  • Sự tăng trưởng của bướu hoặc khối u trong ruột.
  • Mô sẹo như trong dính ruột.
  • Phẫu thuật có liên quan đến đường ruột.
  • Viêm do bệnh Crohn hoặc nhiễm trùng do virus.
  • Rối loạn nhu động như ruột kích thích, bệnh Hirschsprung.
  • Bị tiêu chảy mạn tính.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh lồng ruột?

Lồng ruột có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng trẻ em có khả năng mắc bệnh cao hơn người trưởng thành. Tỷ lệ trẻ mắc bệnh là 90% nhưng chỉ có từ 2 – 5% tỷ lệ người lớn mắc bệnh này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lồng ruột, bao gồm:

  • Giới tính: Chứng lồng ruột ở trẻ em thường xảy ra nhiều hơn với các bé trai.
  • Ruột có cấu tạo bất thường bẩm sinh.
  • Đã từng bị chứng lồng ruột ở trẻ em: Nguy cơ mắc bệnh này cao hơn khi đã từng mắc bệnh khi nhỏ.
  • Những người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch.
  • Tiền sử gia đình có người bị lồng ruột.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh lồng ruột

Bác sĩ sẽ quan sát các triệu chứng của bạn, hỏi về tiền sử bệnh lý và khám lâm sàng. Điều kiện ban đầu để nghi ngờ bệnh lồng ruột là có một khối ở bụng, cùng với cơn đau liên tục. Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán như:

  • Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu.
  • Chụp X-quang ruột với barium. Chất bari được đưa vào ruột vừa giúp chẩn đoán vừa gây áp lực làm giãn ruột non.
  • Siêu âm hoặc chụp X-quang bụng: Hình ảnh bụng hoặc vùng bụng với siêu âm, X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể phát hiện tắc ruột do lồng ruột. Ngoài ra còn có thể phát ruột có bị thủng lỗ hay không.

Phương pháp điều trị bệnh lồng ruột hiệu quả

Khi có kết luận người bệnh mắc phải lồng ruột, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị khẩn cấp tình trạng mất nước, sốc, tình trạng nhiễm trùng do ruột bị hoại tử vì không được máu nuôi dưỡng (nếu có).

  • Điều trị đối với trẻ em:

Nếu trẻ được phát hiện sớm, đoạn ruột bị kẹt có thể được thoát ra bằng cách bơm hơi. Nhưng nếu phát hiện muộn sẽ phải tiến hành phẫu thuật để tháo hoặc cắt đoạt ruột bị lồng; kết hợp với dùng thuốc kháng sinh để trị nhiễm trùng.

Trong một số trường hợp bệnh nhẹ, có thể không cần điều trị mà vẫn tự động khỏi. Nếu bệnh có tái phát thì thường tái phát trong khoảng 24 giờ đầu sau khi điều trị. Khi lớn lên bệnh sẽ giảm nguy cơ tái phát.

  • Điều trị đối với người lớn:

Bệnh lồng ruột ở người lớn thường phải áp dụng phương pháp phẫu thuật, không thể bơm hơi như trẻ em. Bác sĩ sẽ phẫu thuật để tháo gỡ vùng ruột bị lồng, loại trừ tắc nghẽn và loại bỏ tất cả các phần ruột bị chết.

Trong một số trường hợp, lồng ruột có thể tạm thời và tự cải thiện mà không cần điều trị. Nếu không có vấn đề y tế cơ bản được tìm thấy gây ra lồng ruột, không cần thiết điều trị thêm.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lồng ruột

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Bệnh lồng ruột hiện vẫn chưa có phương pháp phòng ngừa cụ thể. Tốt nhất bạn nên điều trị dứt điểm các bệnh lý có thể gây lồng ruột nếu mắc phải hoặc hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan