Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là bệnh gì?

Hội chứng ruột kích thích là chứng bệnh rối loạn liên quan đến đường tiêu hóa, diễn tả hành động khi thức ăn đi qua đại tràng (ruột già), các cơn co thắt ở ruột hoạt động mạnh,nhanh và kéo dài hơn bình thường, bắt buộc thức ăn phải qua ruột nhanh hơn; từ đó tạo khí, đầy hơi và tiêu chảy.

Mặc dù đây là bệnh lành tính nhưng gây khó chịu cho người bệnh. Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kết hợp với một lối sống khoa học, lành mạnh.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Tùy vào cơ địa mỗi người mà dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có thể rất khác nhau. Những triệu chứng phổ biến như là:

  • Đau bụng hoặc đau rút;
  • Cảm giác bụng cồng kềnh, chướng bụng;
  • Đầy hơi;
  • Tiêu chảy hoặc táo bón, đôi khi xen kẽ những cơn táo bón và tiêu chảy;
  • Cơn đau cải thiện sau khi đại tiện;
  • Tần suất đi ngoài có sự thay đổi;
  • Buồn nôn;
  • Đau lưng, mệt mỏi, đau cơ;
  • Khó ngủ.

Những triệu chứng khác có thể có bao gồm: cảm giác muốn đi ngoài khẩn cấp, hoặc đi ngoài không hết phân. Đây có thể xem là một bệnh mạn tính mặc dù đôi lúc các triệu chứng xuất hiện nhiều nhưng có khi lại không có triệu chứng nào.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hội chứng ruột kích thích không liệt vào danh sách các bệnh gây nguy hiểm nhưng chúng có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn. Khi phát hiện cơ thể có những triệu chứng bất thường nêu trên, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và được biết kết quả chính xác nhất, vì không loại trừ khả năng triệu chứng của ruột kích thích cũng có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng ruột kích thích

Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các chuyên gia về sức khỏe cho rằng sự tương tác sai lệch giữa não và đường tiêu hóa là nguyên nhân gây ra triệu chứng co cơ bất thường gây nên tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, ruột nhạy cảm bất thường cũng có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng ruột kích thích?

Nhiều người thỉnh thoảng có dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, nhưng nhiều khả năng bạn mắc hội chứng ruột kích thích nếu có các yếu tố sau:

  • Người lớn trên 50 tuổi.
  • Giới tính: Nữ giới có khả năng mắc bệnh cao gấp 2 lần nam giới.
  • Gia đình có người bị hội chứng ruột kích thích.
  • Có vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo lắng, trầm cảm, rối loạn nhân cách…
  • Dùng nhiều thuốc kháng sinh.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

Không có cơ sở cụ thể để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích. Vì vậy bác sĩ cần phải xem xét các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải để xem có đủ tiêu chí đáp ứng với hội chứng ruột kích thích hay không.

Ngoài ra bác sĩ cũng thực hiện thêm một số các xét nghiêm cần thiết như:

  • Nội soi (thường cho kết quả chính xác nhất).
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để tìm ra nguyên nhân gây nên các triệu chứng.
  • Xét nghiệm máu: Nhằm chẩn đoán phân biệt với các bệnh có triệu chứng tương tự.
  • Thử nghiệm dung nạp Lactose.

Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích hiệu quả

Bệnh không thể điều trị khỏi hẳn. Mục tiêu của việc điều trị nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh. Tùy vào các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp. Các loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc bổ sung chất xơ.
  • Thuốc chống tiêu chảy hoặc thuốc chống táo bón.
  • Thuốc chống co thắt.
  • Thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc kháng sinh.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng ruột kích thích

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên.
  • Không thức khuya.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Xây dựng chế độ ăn nhiều chết xơ như rau củ quả.
  • Tránh dùng thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ, chua, cay.
  • Không dùng các chất dễ gây kích thích đường ruột như rượu bia, cà phê, thuốc lá.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan