Viêm âm đạo

Viêm âm đạo là bệnh gì?

Viêm âm đạo là hiện tượng viêm nhiễm âm đạo ở nữ giới. Hiện nay có khoảng 1/3 phụ nữ thỉnh thoảng xuất hiện triệu chứng viêm âm đạo, đặc biệt thường mắc phải ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh biểu hiện bằng việc tiết huyết trắng nhiều, màu vàng hoặc xanh kèm theo các dấu hiệu như ngứa, rát, đỏ âm đạo và âm hộ, tiểu đau, quan hệ đau.

Thông thường môi trường âm đạo có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh do có tính acid và các loại vi khuẩn có lợi thường trú trong đấy, tuy nhiên vì lý do nào đó mà môi trường âm đạo bị thay đổi hoặc các vi khuẩn có lợi trong âm đạo đột nhiên bị suy giảm và tác nhân gây bệnh sẽ lợi dụng cơ hội mà phát triển và xâm nhập âm đạo.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị viêm âm đạo

  • Cảm giác ngứa vùng kín: Thường rất dễ xảy ra, nguyên nhân chủ yếu do mắc phải chứng viêm nhiễm âm đạo do vi khẩn vaginosis và trichomoniasis;
  • Đau khi quan hệ: Thường xuất hiện do âm đạo bị khô, rát. Có thể do tác dụng phụ của thuốc tránh thai, dị ứng thuốc, do sinh nở hay quá trình mang thai khiến hàm lượng hormone trong cơ thể thay đổi;
  • Tiểu đau;
  • Chảy máu sau khi quan hệ;
  • Màu sắc, mùi hoặc lượng dịch âm đạo thay đổi;
  • Xuất huyết âm đạo nhẹ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào ở vùng kín như huyết trắng nhiều, có màu vàng hoặc xanh kèm theo ngứa, rát, đỏ âm đạo và âm hộ, tiểu đau, quan hệ đau… thì nên đến phòng khám phụ khoa để được xét nghiệm và chẩn đoán sớm tránh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Viêm âm đạo nếu không được điều trị kịp thời có thể lan rộng vào tử cung, phần phụ và nhiều khi dẫn đến điều trị phẫu thuật cấp cứu.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh có thể kể đến như: vi sinh, ký sinh trùng, dị vật hay rối loạn cân bằng nội tiết sinh dục…

Viêm do tác nhân vi sinh có thể do nấm men Candida (albican hay non-albican), nguyên sinh động vật Trichomonas vaginalis và tạp trùng (Bacterial vaginosis) là nguyên nhân phổ biến nhất.

Các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai,… cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo?

Phụ nữ ở mọi độ tuổi đều có nguy cơ mắc phải bệnh, tuy nhiên bệnh có thể kiểm soát được bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh như:

  • Dùng thuốc kháng sinh lâu dài.
  • Tiểu đường không thể kiểm soát được.
  • Suy giảm, rối loạn hệ miễn dịch.
  • Thụt rửa âm đạo hay đặt thuốc âm đạo dài ngày.
  • Sử dụng dụng cụ tử cung để ngừa thai.
  • Nhiễm trùng qua đường tình dục.
  • Mặc quần áo ẩm ướt hoặc chật.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán viêm âm đạo

Bạn sẽ được bác sĩ hỏi triệu chứng và nếu có nghi ngờ bị viêm âm đạo, bác sĩ sẽ thực hiện khám âm đạo để xác định. Ngoài ra bạn cũng có thể được đề nghị làm một số xét nghiệm như:

  • Lấy mẫu làm xét nghiệm: lấy mẫu dịch tiết tử cung hoặc âm đạo để xét nghiệm chẩn đoán xác định viêm âm đạo loại nào.
  • Thực hiện xét nghiệm pH âm đạo bằng cách sử dụng que thử pH hoặc giấy pH, pH tăng cao có thể cho thấy nhiễm vi khuẩn âm đạo hoặc trichomonas. Tuy nhiên, chỉ kiểm tra pH thì chưa thể đưa ra quyết định chuẩn xác.

Phương pháp điều trị viêm âm đạo hiệu quả

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng các loại thuốc khác nhau. Có thể điều trị bằng thuốc uống, kem hoặc gel bôi vào âm đạo.

  • Viêm âm đạo do vi khuẩn: bác sĩ có thể kê thuốc metronidazol.
  • Nhiễm nấm men: thường được điều trị bằng kháng nấm hoặc thuốc viên đặt âm đạo như miconazole, clotrimazole, butoconazole hoặc tioconazole.
  • Nhiễm Trichomonas: bác sĩ có thể kê toa viên nén metronidazol hoặc tinidazole.
  • Viêm âm đạo không do nhiễm trùng: cần phải xác định nguồn gốc của các kích thích và tránh xa nó. Các tác nhân có thể bao gồm xà phòng, chất tẩy giặt, băng vệ sinh hoặc tampon.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm âm đạo

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
  • Nên ăn sữa chua không đường và tỏi có thể giúp cho tình trạng bệnh.
  • Không nên ăn đồ cay nóng quá nhiều, kiêng đồ ngọt.
  • Không sử dụng rượu bia và chất kích thích.
  • Tập luyện thể dục thể thao và nghỉ ngơi hợp lý.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Giữ vệ sinh vùng kín, đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt, thai nghén, hậu sản, trước và sau khi quan hệ tình dục.
  • Tránh mặc quần lót quá chật hoặc quá ẩm ướt.
  • Không thụt rửa âm đạo quá nhiều gây ảnh hưởng cân bằng sinh lý và độ pH của âm đạo.
  • Không dùng nguồn nước bẩn để tắm rửa, vệ sinh.
  • Không dùng xà bông hoặc dung dịch tẩy rửa mạnh để vệ sinh âm đạo.
  • Sử dụng thuốc và vệ sinh vùng kín theo chỉ định của bác sĩ.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan