Ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn là gì?

Tinh hoàn là một trong số các tuyến sinh dục nam có nhiệm vụ sản xuất và chứa tinh dịch, đồng thời cũng là nơi sản xuất chính của các hormone nam, nó nằm trong bìu ở dưới dương vật. Ung thư tinh hoàn là bệnh trong đó các tế bào trở thành ác tính ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Đây là bệnh ít gặp, chiếm khoảng 1% ung thư ở nam giới và chiếm 5% ung thư đường sinh dục – tiết niệu.

Ung thư tinh hoàn có thể phân thành hai loại chính: u tinh và không phải u tinh.

  • U tinh chiếm khoảng 30% các trường hợp ung thư tinh hoàn.
  • Ung thư tinh hoàn không phải u tinh là một nhóm các loại ung thư trong đó có ung thư biểu mô màng đệm, ung thư biểu mô dạng bào thai, u quái và u túi noãn.
  • Ung thư tinh hoàn cũng có thể phối hợp cả hai loại u này.

Ung thư tinh hoàn không lây nhiễm và có thể chữa khỏi hoàn toàn. Với ung thư tinh hoàn đã di căn thì tỷ lệ thành công là trên 73%. Tùy vào giai đoạn và mức độ di căn của bệnh mà tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 99%. Tuy nhiên, việc chữa trị còn tùy vào loại tế bào ung thư và giai đoạn của khối u:

  • Giai đoạn I: ung thư chỉ khu trú ở tinh hoàn.
  • Giai đoạn II: bệnh đã lan rộng tới những hạch bạch huyết phụ cận.
  • Giai đoạn III: bệnh đã đã di căn vượt khỏi hạch bạch huyết, tới các nơi khác trong cơ thể, như gan hoặc phổi.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tinh hoàn

Nam giới có biểu hiện mọc u bướu nhỏ không đau ở vùng tinh hoàn.

  • Tinh hoàn to hơn bình thường;
  • Đau bên trong tinh hoàn, đau âm ỉ vùng bụng hay bẹn;
  • Đau lưng;
  • Ngực và núm vú to hơn bình thường, đau căng;
  • Máu và chất lưu nhiều bất thường ở vùng bìu.

Nam giới có thể tự kiểm tra tinh hoàn của mình để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của ung thư. Cần lưu ý bệnh có thể lan rộng ra các cơ quan gần đó, vì thế việc phát hiện những dấu hiệu bất thường sớm là rất quan trọng.

Cách kiểm tra:

  • Kiểm tra vùng tinh hoàn ngay sau khi tắm bằng nước ấm khi da vùng bìu đang mềm.
  • Đặc biệt chú ý kích cỡ, hình dáng và độ lớn của tinh hoàn.
  • Dùng 2 tay nhẹ nhàng đưa đi đưa lại các viên tinh hoàn, đừng quá lo lắng nếu thấy tinh hoàn hai bên không đều nhau vì đó là bình thường.
  • Kiểm tra mào tinh hoàn để xem có u bướu gì bất thường không.
  • Nên cảnh giác với những cục nhỏ dưới da như mụn cơm trước hoặc dọc theo tinh hoàn.
  • Nếu tinh hoàn bị sưng, có u cục nên đi kiểm tra chuyên khoa để được tư vấn kịp thời.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ung thư tinh hoàn có thể chữa dứt điểm, nên bạn cần nhanh chóng chữa bệnh ngay khi phát hiện ra để việc điều trị dễ dàng hơn. Các biểu hiện bất thường ở nam giới cần được lưu ý và đến khám sớm bao gồm: cảm thấy khối u ở tinh hoàn, sưng đau tinh hoàn, ngực đau…

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư tinh hoàn

Nguyên nhân chính gây mắc bệnh chính là những người có tinh hoàn ẩn. Những người có tinh hoàn ẩn thì 80% – 85% trong số họ bị ung thư tinh hoàn ẩn đó và 15% – 20% xảy ra ở tinh hoàn đối bên.

Ngoài ra có tiền sử gia đình bị ung thư tinh hoàn cũng là tác nhân gây bệnh.

Những yếu tố khác gây bệnh ung thư tinh hoàn đó là: tiền sử quai bị, tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị bẹn, bị nhiễm HIV, người mẹ sử dụng hormone trước khi sinh…


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn?

Ung thư tinh hoàn là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới trẻ ở độ tuổi 15 – 35. Bệnh thường gặp ở nam giới da trắng hơn nam giới da đen. Ngoài ra bệnh còn mang yếu tố di truyền, nếu gia đình cho cha bị ung thư tinh hoàn thì đứa bé có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 4 lần, với anh trai cùng thế hệ mắc thì tỷ lệ này tăng gấp đôi lên 8 lần.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Môi trường sinh hoạt: thợ mỏ, công nhân dầu khí, lái xe vận tải là những người dễ bị ung thư tinh hoàn hơn
  • Bất thường phát triển tinh hoàn (như hội chứng Klinefelter).
  • Tinh hoàn bị chấn thương, chàm da bẩm sinh, quai bị sau tuổi dậy thì.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư tinh hoàn

Bác sĩ sẽ dựa trên việc hỏi bệnh sử và khám lâm sàng để chẩn đoán.

Các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ:

  • Siêu âm bẹn bìu có thể phát hiện 75% trường hợp khối u hoặc tràn dịch màng tinh hoàn. Siêu âm ổ bụng phát hiện tinh hoàn lạc chỗ, các tổn thương bất thường khác trong ổ bụng.
  • MRI: đánh giá mức độ xâm lấn, di căn hạch,  xâm lấn tạng ở tiểu khung.
  • Chụp X-quang phổi phát hiện di căn phổi.
  • Xét nghiệm tế bào học: chọc hút khối u.
  • Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u.

Phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn hiệu quả

Tiên lượng bệnh ung thư tinh hoàn tương đối khả quan, giai đoạn sớm có thể chữa khỏi bệnh. 4 cách điều trị ung thư tinh hoàn thường được dùng bao gồm:

  • Cắt bỏ tinh hoàn tận gốc qua bẹn: Bao gồm cắt bỏ một hoặc cả hai tinh hoàn qua đường rạch ở bẹn. Hạch bạch huyết trong bụng cũng có thể được cắt bỏ. Nếu chỉ cắt bỏ một tinh hoàn bị ung thư, có có khả năng tinh hoàn kia ung thư vào một lúc nào đó, nên bác sĩ sẽ khuyên theo dõi thường xuyên ở chuyên khoa tiết niệu.
  • Chiếu trị ngoài: Dùng tia X liều cao hoặc tia xạ năng lượng cao khác để tiêu diệt tế bào ung thư. U tinh thường rất nhạy cảm với xạ trị, còn u không tinh thì không.
  • Hóa trị liệu: Dùng để tiêu diệt tế bào ung thư bên ngoài tinh hoàn. Thuốc thường được truyền tĩnh mạch tại bệnh viện vài ngày mỗi tháng.
  • Ghép tuỷ xương: Tuỷ xương được lấy từ cơ thể bạn, xử lý bằng các thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư và sau đó làm lạnh. Sau đó điều trị hóa trị liệu, cùng hoặc không cùng tia xạ để phá huỷ những tế bào ung thư còn lại trong cơ thể bạn. Đồng thời hóa trị liệu sẽ phá huỷ tuỷ xương còn lại. Cuối cùng, tuỷ xương đông lạnh được làm tan đông và tiêm trở lại cơ thể qua đường tĩnh mạch.

Phẫu thuật ung thư tinh hoàn sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên nếu có quan ngại, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có cần dự trữ tinh trùng cho tương lai hay không.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư tinh hoàn

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Học cách và tự thực hiện kiểm tra tinh hoàn 2 lần/tháng.
  • Kiêng hoạt động tình dục trong thời gian điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Kiêng bia, rượu, các đồ ngọt có gas, đồ ăn chiên xào, dầu mỡ, đồ cay nóng.
  • Không nên ăn thịt dê, thịt cừu, thịt chó, không nên có các thực phẩm khó tiêu trong bữa ăn.
  • Nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn thức ăn dễ nuốt, dễ ăn.
  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có chứa hàm lượng protein cao, thực phẩm nhiều vitamin, chất dinh dưỡng, nhóm thực phẩm có hàm lượng chất oxy hóa cao…

Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả

Trong suốt cuộc đời hãy thường xuyên tự kiểm tra tinh hoàn. Thời điểm tốt nhất để kiểm tra chính là sau khi tắm nước nóng.

  • Đứng trước gương. Tìm chỗ sưng ở da bìu.
  • Khám từng tinh hoàn bằng cả hai tay.
  • Nhẹ nhàng lăn tinh hoàn giữa các ngón cái và ngón trỏ.

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan