Băng huyết sau sinh

Tìm hiểu chung

Băng huyết sau sinh là gì?

Qua chín tháng mười ngày “mang nặng đẻ đau” thì sau sinh các bà mẹ còn phải đối mặt với những khó khăn và nguy hiểm khác, hơn hết được quan tâm nhiều nhất chắc chắn là tình trạng băng huyết sau sinh.

Đây là một hiện tượng chảy máu nặng, máu chảy từ đường sinh dục trong vòng 24 giờ sau sinh > 500ml hoặc mất máu > 1% trọng lượng cơ thể khiến cho các bà mẹ sợ hãi và ám ảnh tột cùng.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của băng huyết sau sinh

Một số dấu hiệu cho thấy tình trạng của băng huyết sau sinh là:

  • Da xanh tái, nhợt nhạt;
  • Tay chân lạnh, vã mồ hôi;
  • Mạch đập nhanh, huyết áp giảm;
  • Có máu chảy từ đường sinh dục: Lượng máu chảy ra tùy thuôc vào mỗi người, máu thường có màu đỏ tươi hay đỏ bầm, và có thể là máu cục hoặc máu loãng;
  • Tử cung khác thường: Máu chảy bị ứ vào buồng tử cung làm tăng thể tích tử cung, khiến nó to ra và mềm nhão;
  • Không thấy khối cầu an toàn trên xương vệ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu không giải quyết kịp thời, băng huyết sau sinh có thể dẫn đến một số biến chứng như:

  • Choáng do mất máu nhiều khiến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể giảm xuống, sau đó có thể dẫn đến suy thận, suy đa cơ quan gây tử vong.
  • Có thể gặp phải những bệnh về nhiễm trùng hậu môn.
  • Một số biến chứng khác là: viêm tắc đường tĩnh mạch, hoại tử tuyến yên, không thể mang thai trong trường hợp bị cắt bỏ tử cung.

Vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu trên, gia đình cần đưa nhanh sản phụ đến cơ sở y tế gần nhất để cầm máu và hồi sức tích cực, bên cạnh đó kiểm tra nguyên nhân để điều trị kịp thời. Vì sản phụ sau sinh mất rất nhiều sức và sức khỏe rất yếu ớt, cần có sự hỗ trợ từ những người thân xung quanh và bác sĩ.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguy hiểm này thường do:

  • Tiền sử nạo, hút thai nhiều lần.
  • Thai nhi có cân nặng quá lớn.
  • Lao động nặng trong quá trình mang thai.
  • Sản phụ bị thiếu máu, mang đa thai, bị bất thường ở nhau thai,…
  • Thời gian chuyển dạ quá lâu.
  • Phương pháp giục sinh không đúng cách.
  • Đẻ mổ.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ băng huyết sau sinh

Đối tượng dễ mắc phải băng huyết sau sinh nhất là những sản phụ có độ tuổi từ 35 trở lên hay có từ 4 con trở lên, có bệnh lý tiền sản giật.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán băng huyết sau sinh

Một số xét nghiệm có thể được dùng để kiểm tra băng huyết sau sinh là: xét nghiệm lượng hồng cầu, hemoglobin trong máu, xét nghiệm huyết sắc tố và rối loạn đông máu.

Phương pháp điều trị băng huyết sau sinh hiệu quả

Phương pháp điều trị tình trạng này phụ thuộc vào mức độ của băng huyết:

  • Nếu băng huyết sớm do tử cung co bóp yếu thì bác sĩ sẽ massage bụng sản phụ, khi không hiệu quả sẽ tiến hành tiêm thuốc. Sau tiêm thuốc, máu vẫn chảy, bác sĩ sẽ bắt đầu phẫu thuật, một số trường hợp hiếm gặp là phải cắt bỏ tử cung hay dùng thủ thuật loại bỏ nhau thai còn sót lại qua đường âm đạo.
  • Nếu do vết rách ở âm đạo hoặc tử cung thì bác sĩ chỉ cần khâu lại vết mổ cũ.
  • Nếu băng huyết do nhiễm trùng thì sản phụ sẽ được cho uống kháng sinh.

Trong tất cả trường hợp băng huyết sau sinh đều sẽ được bác sĩ truyền máu để thay thế.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của băng huyết sau sinh

Để giảm tần suất và tỉ lệ tử vong do băng huyết sau sinh thì các bà mẹ cần dự phòng trước khi nó xảy ra bằng cách:

  • Khám thai đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình mang thai.
  • Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý khi mang thai để tránh tình trạng thiếu máu hay thai nhi bị thừa cân.
  • Trong thời kỳ hậu sản, sản phụ cần giữ gìn, vệ sinh vùng kín thật sạch sẽ, không đặt các vật gì vào âm đạo để tránh bị nhiễm trùng.
  • Sau sinh, sản phụ nên nghỉ ngơi nhiều, hạn chế làm việc quá sức, quan hệ vợ chồng hay lo buồn quá mức, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến việc băng huyết trở lại.
  • Sản phụ sau sinh phải nhớ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước để giúp cơ thể mau phục hồi.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan