Hiếm muộn

Tìm hiểu chung

Hiếm muộn là gì?

Hiếm muộn là tình trạng cặp vợ chồng chung sống với nhau, có quan hệ tình dục bình thường và không hề phòng tránh thai trong ít nhất một năm mà vẫn không thể có thai. Hiện nay trong xã hội có rất nhiều trường hợp hiếm muộn, ngay cả trong độ tuổi sinh sản.

Cần phân biệt giữa vô sinh và hiếm muộn, trong khi hiếm muộn vẫn còn có khả năng sinh con (chỉ là muộn mà thôi) thì vô sinh là mất hoàn toàn khả năng sinh sản.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi hiếm muộn

Nguyên nhân gây hiếm muộn có thể đến từ vợ, hoặc chồng, hoặc từ cả 2 phía. Thông thường biểu hiện rõ nhất là sau 1 năm không dùng các biện pháp tránh thai mà cặp vợ chồng vẫn không có con.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không có con sau một năm không phòng tránh thì nên đi khám bác sĩ, tuy nhiên đối với phụ nữ trên 35 tuổi thì thời gian chờ đợi chỉ là sau 6 tháng. Cả vợ và chồng nên đến khám và xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân và sớm khắc phục.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến  hiếm muộn

Các nguyên nhân hiếm muộn thường gặp ở nam giới:

  • Yếu tố di truyền như rối loạn nội tiết, rối loạn nhiễm sắc thể hay là do nam giới không có tinh trùng hoặc tinh trùng yếu, tinh trùng chết, tinh trùng quá ít.
  • Mắc các bệnh lý như đau tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, ung thư tinh hoàn hoặc giãn tĩnh mạch thừng tinh.
  • Có lối sống không lành mạnh.
  • Thường xuyên ăn uống không đủ chất.
  • Dùng các chất kích thích hay uống bia rượu, cà phê, hút thuốc lá.

Các nguyên nhân hiếm muộn thường gặp ở phụ nữ gồm:

  • Viêm, tắc vòi trứng.
  • Không rụng trứng hay rụng trứng không đều dẫn đến chu kỳ kinh thất thường.
  • Bệnh lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung.
  • Dùng quá liều, quá thường xuyên thuốc tránh thai.
  • Đặt vòng hoặc bị nhiễm trùng do đặt các dụng cụ vào tử cung.
  • Phụ nữ khi đang mặc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, các bệnh xã hội.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị hiếm muộn?

Cả nam và nữ giới trong độ tuổi sinh sản đều có thể mắc phải. Bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng có con, khiến tinh thần cả vợ lẫn chồng đều suy sụp, dễ dẫn đến đổ vỡ. Vì thế nên bệnh nhân cần được đến khám và điều trị sớm, phát hiện nguyên nhân và tìm hướng giải quyết. Đồng thời khi có ý định sinh con nên chú ý chăm sóc cơ thể và có một chế độ sống lành mạnh, khoa học, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ cao gây hiếm muộn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ hiếm muộn, bao gồm:

  • Phụ nữ muốn có con khi đã ở độ tuổi khá trễ (sau 30 tuổi), khi khả năng sinh sản tự nhiên có xu hướng suy giảm.
  • Môi trường sống ô nhiễm, công việc căng thẳng, lo âu kéo dài.
  • Các bệnh lý phụ khoa ở phụ nữ: nhiễm trùng phụ khoa, rối loạn hoạt động buồng trứng, lạc nội mạc tử cung.
  • Quan hệ tình dục thoáng hơn dẫn đến các bệnh lây qua đường tình dục phổ biến hơn, dễ tắc vòi trứng, giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới.
  • Phá thai khiến tắc hoặc viêm buồng trứng.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hiếm muộn 

Tùy vào trường hợp bệnh lý mà bệnh nhân sẽ được bác sĩ có thể chỉ định những xét nghiệm khác nhau. Một số xét nghiệm thường thấy như:

  • Ở người vợ:
    • Xét nghiệm máu đánh giá dự trữ buồng trứng (xem có nhiều trứng không, chất lượng còn tốt không, có rối loạn nội tiết, buồng trứng đa nang không…)
    • Siêu âm kiểm tra tử cung, buồng trứng.
    • Chụp HSG: chụp X quang kiểm tra lòng tử cung và vòi trứng, nếu vòi trứng bị tắc 2 bên thì không thể có thai tự nhiên được.
  • Ở người chồng: Quan trọng nhất là xét nghiệm tinh trùng (Tinh dịch đồ), nếu kết quả xét nghiệm không thấy tinh trùng thì bệnh nhân có thể phải xét nghiệm máu và khám Nam khoa chuyên sâu.

Cũng có khoảng 10% các cặp vợ chồng thực hiện đầy đủ các xét nghiệm khảo sát trên mà không tìm được trục trặc ở chỗ nào, trường hợp này y học gọi là “Vô sinh chưa rõ nguyên nhân”.

Phương pháp điều trị hiếm muộn hiệu quả 

Tùy theo nguyên nhân ở vợ hoặc chồng dẫn đến vô sinh mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị thích hợp, có thể dùng phương pháp sử dụng thuốc hay điều trị bằng phẫu thuật. Đặc biệt trong quá trình điều trị người bệnh cần kiên trì vì liệu trình có thể kéo dài, và tuyệt đối tuân thủ các quy định, hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Các phương pháp thường dùng hiện tại bao gồm:

  • Canh thời điểm rụng trứng và giao hợp vào thời điểm rụng trứng.
  • Kích thích buồng trứng bằng thuốc để làm cho có trứng rụng (với trường hợp không rụng trứng) hoặc làm tăng số trứng rụng để tăng khả năng có thai .
  • Thụ tinh nhân tạo, thường được kết hợp với dùng thuốc kích thích buồng trứng.
  • Thụ tinh trong ống nghiệm chủ yếu cho những người bị tắc 2 vòi trứng.
  • Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng: cho những người tinh trùng quá yếu và quá ít.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hiếm muộn 

  • Giữ trạng thái tinh thần tốt, không nên quá tuyệt vọng.
  • Cả hai cần tránh xa chất gây nghiện, chất kích thích.
  • Nên nghỉ ngơi hợp hợp lý, chơi thể thao…
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung đủ axit folic và vitamin B12 (có trong bơ, bông cải xanh, rau bina…), kẽm (trong ngũ cốc, long trắng trứng…)
  • Hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, béo.
  • Không ăn đồ quá mặn, thực phẩm ướp lạnh trong thời gian dài.
  • Hạn chế rượu bia, chất kích thích.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Khi đã quyết định mang thai, cả vợ và chồng nên thiết lập một phong cách sống lành mạnh để tránh hiếm muộn cũng như cho con có một sức khỏe tốt.

  • Có chế độ ăn uống hợp lí.
  • Không sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá.
  • Đảm bảo môi trường sinh hoạt trong lành, tránh những môi trường độc hại: thuốc trừ sâu, hóa chất, môi trường có nhiều sóng điện tử…
  • Thường xuyên kiểm tra tổng quát để sớm phát hiện các dấu hiệu hay điều gì bất thường.
  • Không nên sinh con quá trễ.
  • Quan hệ tình dục an toàn, tránh thai chủ động để hạn chế nạo phá thai.
  • Vệ sinh kinh nguyệt với các bạn nữ, và các bạn nam cũng nên lưu ý vệ sinh vùng kín.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan