Nhiễm độc thai nghén

Tìm hiểu chung

Nhiễm độc thai nghén là gì?

Nhiễm độc thai nghén là bệnh lý phát sinh trong thời kỳ thai nghén mà chỉ xuất hiện ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu (hiện tượng bệnh lý sớm) thai phụ có biểu hiện nghén nặng, nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối (nhiễm độc thai nghén giai đoạn cuối hay là hiện tượng bệnh lý muộn) có triệu chứng phù, tăng huyết áp, protein niệu…

Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể dẫn tới tiền sản giật, sản giật và nguy cơ trẻ khi sinh bị ngạt cao.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị nhiễm độc thai nghén

Nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng đầu là hiện tượng bệnh lý sớm gồm những triệu chứng:

  • Nôn oẹ vào buổi sáng, ăn uống kém, thèm ăn đột ngột;
  • Thể trạng có khi không thay đổi hoặc thay đổi chút ít;
  • Gồm 2 thể nôn nhẹ hoặc nôn nặng:
    • Nôn nhẹ: Buồn nôn, nôn nhiều vào buổi sáng, tính tình thai phụ thay đổi, dễ xúc động, đôi khi khó thở, chuột rút, hồi hộp, tim đập nhanh.
    • Nôn nặng: nghén nặng khi ảnh hưởng tới sức khoẻ. Tình trạng này biểu hiện ở 3 thời kỳ:
      • Thời kỳ nôn mửa: nôn liên tục ra thức ăn, ra mật xanh mật vàng, táo bón, đái ít, cơ thể gầy dần.
      • Thời kỳ suy dinh dưỡng: Không thể ăn uống được dẫn đến thể trạng gầy sút nhanh, rối loạn nước điện giải, mặt xanh xao hốc hác, hơi thở nhanh, môi khô, mạch nhanh…
      • Thời kỳ biến cố thần kinh: Thai phụ trở nên sợ sệt hoảng hốt, có khi liệt hoặc co giật, nhịp thở tăng, có khi dẫn đến hôn mê.

Nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng cuối là hiện tượng bệnh lý muộn, thể hiện bằng hội chứng Protein niệu (đái ra protein ở thai phụ không có tiền sử bệnh thận và không có dấu hiệu viêm trong hệ thống tiết niệu). Các mẹ cần lưu ý những biểu hiện sau đây để phòng tránh:

  • Phù 2 chân: Ấn ngón tay vào mắt cá chân mà có in dấu lõm của ngón tay. Khi mắc phải cân nặng của các thai phụ sẽ tăng nhanh mỗi tuần tới 500gr do nước bị giữ lại trong cơ thể.
  • Protein niệu: Thường là dấu hiệu muộn. Nếu xét nghiệm nước tiểu có kết quả >0,3g/l các sản phụ cần lưu ý theo dõi.
  • Tăng huyết áp: huyết áp của sản phụ tăng lên tối đa khoảng 30mmHg và tối thiểu tăng khoảng 15mmHg so với trước khi có thai.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu sản phụ có dấu hiệu nghén nghiêm trọng trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc có biểu hiện tăng huyết áp, phù, đái ra protein ở 3 tháng cuối thai kỳ thì nên đến phòng khám chuyên khoa uy tín hoặc bệnh viện để làm xét nghiệm và chẩn đoán điều trị. Cần lưu ý bệnh nếu để lâu có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và trẻ.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc thai nghén

Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng của căn bệnh này. Tuy nhiên có một số yếu tố dễ dẫn tới hiện tượng này gồm:

  • Thường xảy ra ở những thai phụ trẻ, mẹ mang thai lần đầu.
  • Yếu tố thời tiết: thời tiết lạnh, chuyển mùa.
  • Sản phụ thường xuyên làm việc mệt mỏi, quá sức.
  • Ăn phải các loại thức ăn lạ, thức ăn dễ gây dị ứng.
  • Sản phụ mắc các bệnh nội khoa mãn tính như loét dạ dày, viêm thận mãn tính…

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ nhiễm độc thai nghén?

Mọi phụ nữ trong giai đoạn mang thai đều có nguy cơ mắc cơ mắc bệnh này. Cần lưu ý các nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ mắc phải cao hơn các sản phụ bình thường:

  • Người bị tăng huyết áp hoặc bị bệnh thận trước khi mang thai.
  • Bà mẹ mang thai lần đầu.
  • Thanh thiếu niên (dưới 18 tuổi) và người trên 40 tuổi.
  • Những người mang thai đôi.
  • Người có tiền sử chậm phát triển trong tử cung.
  • Người bị bệnh béo phì.
  • Phụ nữ huyết áp cao.
  • Người mắc bệnh tiểu đường, tiền sử bệnh tim mạch, nhiều nước ối, viêm cầu thận,…

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm độc thai nghén

Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử người mẹ và tiến hành một số xét nghiệm.

  • Nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu thai kì:

Dựa vào những dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm: định lượng hCG nước tiểu, siêu âm hình ảnh, để xác định xem thai nghén bình thường hay không bình thường… để cho ra kết quả.

  • Nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối thai kì:

Chẩn đoán xác định bệnh thông qua dấu hiệu phù khi khám thực thể, tăng huyết áp, xét nghiệm có protein trong nước tiểu.

Phương pháp điều trị nhiễm độc thai nghén hiệu quả

Nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu thai kì:

  • Trong trường hợp thai phụ bị nôn nhẹ, nên cho nằm trong phòng yên tĩnh, thoáng, sạch sẽ, không có mùi thức ăn, ánh sáng vừa đủ. Nên ăn nguội ít gây kích thích nôn.
  • Nếu sản phụ bị nôn nặng, nên làm công tác ổn định tinh thần và thực hiện chế độ ăn theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cũng có thể được kê toa 1 số thuốc thích hợp như thuốc chống nôn, thuốc chống mất nước, dinh dưỡng…

Nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối thai kì:

  • Điều trị triệu chứng với thai chưa đủ tháng:
    • Huyết áp: Khống chế không để tăng và hạ thấp quá.
    • Bổ sung canxi.
    • Với protein niệu: Nên dùng kháng sinh nhóm beta lactam để chống viêm cầu thận khi có thai.
    • Với phù: Điều trị theo nguyên nhân. Nếu ứ Natri ở máu, cần hạn chế dưa Natri Clorua vào cơ thể. Nếu protid máu giảm, nên nâng cao áp lực keo trong lòng mạch bằng cách truyền đạm hay bằng đường tiêu hoá.
    • An thần.
    • Dùng thêm các vi lượng như Magie B6, acid folic.
  • Đánh giá tình trạng mức độ nhiễm khi chẩn đoán nhiễm độc thai nghén lúc đủ tháng. Tiến hành biện pháp nội khoa phù hợp, đánh giá chỉ số Bishop và các vấn đề chuẩn bị liên quan khác để quvết định và chọn thời điểm thích hợp để tiến hành đình chỉ thai nghén.
  • Đánh giá tình trạng nhiễm độc thai nghén lúc đang chuyển dạ để thực hiện biện pháp nội khoa và sản khoa thích hợp.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm độc thai nghén

Với sản phụ nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu:

  • Trường hợp nhiễm độc thai nghén nhẹ: Nghỉ ngơi, ăn nhẹ và chia nhỏ bữa trong ngày. Có thể dùng thuốc an thần để chống nôn theo chỉ định của bác sĩ.
  • Trường hợp nhiễm độc thai nghén nặng: Bù dịch, nâng cao thể trạng, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Bệnh nhân cũng cần giữ tinh thần tốt, tránh quá lo âu căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và thai nhi.

Điều trị nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối:

  • Chế độ ăn hạn chế muối đề phòng tiền sản giật và sản giật.
  • Lượng nước uống hàng ngày rút xuống không quá 1lít.
  • Nằm nghiêng về bên trái để tránh tử cung đè vào cuống thận.

  • Dùng thuốc lợi tiểu và hạ huyết áp theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Theo dõi Protein niệu.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Do bệnh còn chưa rõ nguyên nhân nên vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu.

  • Sản phụ trước khi mang thai nên điều trị các bệnh liên quan như bệnh cao huyết áp, bệnh thận…
  • Nên thực hiện khám tiền sản trước khi quyết định mang thai.
  • Trong giai đoạn có thai, cần đăng ký khám thai định kỳ để có thể phát hiện sớm các bất thường của thai nghén.
  • Khi có thai cần chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng một cách hợp lý (đường, đạm, vitamin, các chất vi lượng, uống bổ sung viên sắt, axid folic…).

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan