Tiểu đêm

Tìm hiểu chung

Tiểu đêm là gì?

Nước tiểu là sản phẩm của quá trình trao đổi chất, sau khi thận đã lọc những chất dinh dưỡng cho máu thì phần chất cặn bã, nước thừa còn lại để bài tiết chính là nước tiểu. Mỗi ngày, khi cơ thể hấp thụ từ 1.5 – 2 lít nước sẽ giúp thận tăng cường lọc các chất độc ra bên ngoài hơn, điều đó lí giải cho việc cơ thể chúng ta có nhu cầu đi tiểu nhiều hơn (kể cả tiều nhiều và tiểu nhiều lần).

Tuy nhiên, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa việc đi tiểu nhiều do uống nước và đi nhiều nhiều do gặp các bệnh về thận. Nhất là khi bạn tiểu nhiều vào ban đêm thì lại càng nguy hiểm.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của tiểu đêm

Cách phân biệt tiểu đêm do uống nhiều nước và tiểu đêm do bệnh lý.

Tiểu đêm do uống nhiều nước:

Thận có khả năng nhận định được lượng nước cơ thể cần là bao nhiêu, từ đó giữ lại lượng nước phù hợp cho cơ thể và tống các lượng nước thừa ra ngoài. Nếu chúng ta nạp vào nhiều nước, nước lợi tiểu, các chất lợi tiểu thì việc cơ thể có nhu cầu đi tiểu nhiều và tiểu nhiều lần cũng không có gì lạ.

Ở một người khỏe mạnh, lượng nước tiểu thải ra thường khoảng 400 – dưới 3.000 ml là hợp lý và một ngày có thể đi 8 lần (7 lần buổi sáng và 1 lần vào đêm).

Tiểu đêm do bệnh lý:

Một số dấu hiệu có thể cho bạn biết tiểu đêm là do gặp phải các vấn đề do bệnh gây ra.

  • Tiểu đêm từ lần thứ hai trở đi;
  • Cơ thể đào thải ít hơn 400 ml hay quá 3.000 ml nước mỗi ngày;
  • Nước tiểu đột ngột có màu vàng sậm, vàng tươi phát sáng, màu trắng hoặc màu đỏ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi chứng tiểu đêm kéo dài liên tục trong nhiều ngày liền và xuất hiện kèm theo các triệu chứng nói trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm và biết được kết quả chính xác nhất về tình trạng sức khỏe của mình. Vì chứng tiểu đêm ngoài các tác nhân không gây hại gây nên thì còn là dấu hiệu của rất nhiều căn bệnh nguy hiểm.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến tiểu đêm

Nguyên nhân bệnh lý:

  • Bệnh của tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt to ra chèn ép bàng quang làm diện tích trữ nước tiểu của nó bị hẹp xuống, kích thích tiểu nhiều lần.
  • Viêm bàng quang: Dù viêm bàng quang mạn tính hay cấp tính cũng khiến người bệnh mắc tiểu dù vừa tiểu xong, không ngoại trừ ban đêm và tiểu són.
  • Sỏi thận: Tiểu đêm là một trong các triệu chứng của sỏi thận. Ngoài ra còn có tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đục.
  • Đái tháo đường loại 2: Đi tiểu nhiều, đặc biệt là tiểu đêm, được xem là một trong những biểu hiện đầu tiên của bệnh đái tháo đường.
  • Viêm đường tiết niệu. Biểu hiện rất rõ ràng: đi tiểu liên tục dù là ngày hay đêm. Ngoài ra còn kèm theo đau rát, khó chịu.

Nguyên nhân không do bệnh lý:

  • Uống nhiều nước.
  • Dùng các chất kích thích như rượu, trà, cà phê. Vì những thứ này đều có tác dụng lợi tiểu.
  • Do lớn tuổi.
  • Do mang thai, tử cung to ép lên bàng quang.
  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc chữa tăng huyết áp và bệnh phù thũng do suy tim, suy thận và xơ gan có thể gây tiểu nhiều.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ tiểu đêm?

Người lớn tuổi và phụ nữ mang thai có khả năng bị tiểu đêm nhiều hơn.

Những người đang mắc trong mình các căn bệnh sau có nguy cơ tiểu đêm nhiều:

  • Phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.
  • Phụ nữ bị sa tử cung do sinh đẻ.
  • Viêm bàng quang.
  • Suy thận mãn tính: Vào thời kỳ suy thận độ 2, 3, chức năng của thận bị suy yếu gây tiểu đêm nhiều.
  • Đái tháo đường: Đường máu cao thường gây tiểu đêm.
  • Có khối u như trong u xơ cổ tử cung và ung thư tuyến tiền liệt.
  • Mắc chứng ngưng thở khi ngủ.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tiểu đêm

Một số phương pháp xét nghiệm chuyên khoa có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được chứng tiểu đêm và nguyên nhân gây ra:

  • Phân tích nước tiểu người bệnh.
  • Siêu âm khoang bụng để kiểm tra các bộ phận bàng quang, thận, tử cung, tuyến tiền liệt.
  • Chụp phim ổ bụng để kiểm tra xem có xuất hiện sỏi thận, sỏi tiết niệu hau không.
  • Xét nghiệm chức năng thận và đường máu.

Khi bạn nghĩ mình mắc phải chứng tiểu đêm và trước khi đến gặp bác sĩ, bạn cần thu thập một số thông tin liên quan đến tình trạng của mình để kịp thời trao đổi với bác sĩ như:

  • Tiểu đêm bắt đầu khi nào?
  • Trong một đêm bạn đi tiểu bao nhiêu lần?
  • Lượng nước tiểu thải ra nhiều hay ít hơn trước đây?
  • Bạn có gặp tai nạn hoặc làm ướt giường không?
  • Có điều gì làm cho tình trạng này nghiêm trọng hơn không?
  • Bạn có bất cứ triệu chứng nào khác không?
  • Những loại thuốc bạn đang dùng?
  • Tiền sử bệnh lý của bạn?

Phương pháp điều trị chứng tiểu đêm hiệu quả

Tùy vào nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu đêm mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc cho bạn, chẳng hạn như:

  • Thuốc kháng acetylcholin: Giúp giảm bớt các triệu chứng do bàng quang hoạt động quá mức.
  • Thuốc desmopressin: Làm thận sản xuất ít nước tiểu hơn.

Tiểu đêm có thể là một triệu chứng của một bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như tiểu đường hay nhiễm trùng tiểu. Trong trường hợp này thì phải điều trị bệnh lý đó thành công mới chấm dứt được chứng tiểu đêm.

Ngoài ra, nếu tiểu đêm là do bạn dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc có chức năng lợi tiểu thì bạn nên dùng thuốc đó sớm hơn và dùng vào ban ngày.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tiểu đêm

Để phòng chứng tiểu đêm và các căn bệnh liên quan, nhất là người già cần thực hiện các một số phương pháp phòng bệnh sau đây:

  • Tăng cường ăn rau xanh, các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ.
  • Không ăn quá nhiều thịt và muối.
  • Hạn chế ăn trái cây chứa nước hay uống nhiều nước, nhiều canh, các loại thức uống lợi tiểu, bia rượu vào buổi tối trước khi ngủ.
  • Giữ tinh thần thoải mái, không căng thẳng hay stress khi ngủ để có thể ngủ sâu giấc.
  • Tập thói quen đi tiểu đúng giờ và đi trước giờ ngủ.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan