Viêm bàng quang

Tìm hiểu chung

Viêm bàng quang là gì?

Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu cấp tính do vi khuẩn trong bàng quang gây ra gọi là nhiễm trùng bàng quang hay còn gọi là bệnh viêm bàng quang. Biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh viêm bàng quang là bệnh viêm đài bể thận.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang

Bệnh viêm bàng quang có các dấu hiệu, triệu chứng phổ biến rất giống với các bệnh khác về đường tiết niệu, bao gồm:

  • Đau giữa lưng hoặc hai bên sườn;
  • Trẻ em thì tè dầm vào ban ngày;
  • Nước tiểu có máu và mùi hôi;
  • Đi tiểu nhiều lần, mỗi lần ra rất ít nước và cảm thấy đau rát khi tiểu;
  • Vùng bụng dưới đau nặng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm bàng quang

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm bàng quang, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:

Nhiễm vi khuẩn:

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến viêm bàng quang, điển hình là vi khuẩn E.coli – sống trong ruột già. Loại vi khuẩn này sinh sôi nảy nở rất mạnh nên số lượng của chúng trong bàng quang rất lớn, nước tiểu không thể nào thải chúng ra ngoài hết được. Tích tụ lâu ngày trong bàng quang, chúng gây bệnh viêm bàng quang.

Ngoài ra, còn số một số loại vi khuẩn khác gây nên bệnh này: Mycoplasma, Chlamydia; chúng được lây nhiễm qua đường tình dục.

Không do nhiễm vi khuẩn:

  • Biến chứng của các bệnh: tiểu đường, tuyến tiền liệt phì đại, sỏi thận, chấn thương tủy sống.
  • Hóa chất từ xà phòng tạo nhiều bọt, dung dịch vệ sinh hay kem thuốc diệt tinh trùng.
  • Thiết bị y tế: ống thông tiểu.
  • Do viêm bàng quang kẽ.
  • Do tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị; đặc biệt xạ trị khu vực xương chậu.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc viêm bàng quang?

Đây là một bệnh rất phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và giới tính. Tỉ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới.

Theo thống kê, có hơn 50% người phụ nữ viêm bàng quang ít nhất một lần trong đời; nam giới nguy cơ mắc bệnh này tăng cao theo độ tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm bàng quang, bao gồm:

  • Dùng thiết bị y tế: Dùng ống thông tiểu trong thời gian dài.
  • Giới tính: Nữ giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới.
  • Độ tuổi: Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Quan hệ tình dục không an toàn.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong thời kì mãn kinh.
  • Mắc bệnh về tuyến tiền liệt, chẳng hạn tuyến tiền liệt phì đại.
  • Đang điều trị các bệnh ung thư, bệnh tiểu đường hoặc nhiễm HIV.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm bàng quang

Ngoài việc khám tổng quát, điều tra tiền sử bệnh, bệnh nhân còn được tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang, chụp CT và nội soi bàng quang. Sau khi đã có các kết quả rõ ràng thì các bác sĩ đưa ra chẩn đoán chuẩn xác nhất và giải pháp điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân.

Phương pháp điều trị viêm bàng quang hiệu quả

Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh.

Do vi khuẩn gây ra:

  • Nhiễm lần đầu: Dùng thuốc kháng sinh từ 3 ngày đến hết một tuần dù các triệu chứng có cải thiện hay không.
  • Nhiễm trùng tái phát: Sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài hơn.
  • Nhiễm trùng tại bệnh viện: Đây là trường hợp khá phức tạp vì trong môi trường bệnh viện chứa nhiều vi khuẩn kháng thuốc.
  • Phụ nữ mãn kinh thì dùng thuốc kháng sinh kết hợp với thuốc hỗ trợ bổ sung estrogen.

Không do vi khuẩn gây ra:

  • Uống thuốc hoặc đưa thuốc trực tiếp vào bàng quang.
  • Phẫu thuật bàng quang.
  • Tránh dùng những sản phẩm có chứa hóa chất gây bệnh để điều trị bệnh và ngăn ngừa tái bệnh.
  • Uống thuốc giảm đau hoặc uống nhiều nước để thải các chất gây bệnh ra ngoài nếu viêm bàng quang do xạ trị hoặc dùng thuốc điều trị các bệnh khác.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm bàng quang

  • Uống nhiều nước và tuyệt đối không nhịn tiểu hoặc tiểu không hết dòng đã ngưng.
  • Đi tiểu và vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục.
  • Tắm vòi sen thay vì tắm bồn.
  • Uống thuốc và ăn uống theo hướng dẫn, chỉ định của các bác sĩ.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

 


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan