Cơn đau thắt ngực

Tìm hiểu chung

Cơn đau thắt ngực là gì?

Cơn đau thắt ngực xảy ra khi động mạch vành bị hẹp do tắc nghẽn hoặc co thắt dẫn đến lượng máu cung cấp đến tim không đủ đáp ứng nhu cầu của tim và gây ra việc tim bị thiếu oxy để bơm máu. Cơn đau thắt ngực cần được chú ý bởi đó có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng về tim.

Có ba loại cơn đau thắt ngực: ổn định, không ổn định hoặc đau thắt ngực mao mạch và thường xảy ra sau khi bệnh nhân gắng sức, trải qua những cơn stress về cảm xúc nặng nề, hoặc sau khi ăn quá nhiều.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của cơn đau thắt ngực

Những triệu chứng ban đầu của cơn đau thắt ngực là đau và có cảm giác khó chịu. Cơn đau bắt đầu ở ngực, thỉnh thoảng lan đến lưng, cổ, vai trái và xuống cả cánh tay (đặc biệt là tay trái), đôi khi có thể xuất hiện các triệu chứng như ợ nóng hoặc khó tiêu.

Tùy thuộc vào loại đau thắt ngực mà bạn mắc phải sẽ có các triệu chứng xuất hiện khác nhau. Có 3 loại đau thắt ngực kèm theo các triệu chứng như sau:

Đau thắt ngực ổn định:

  • Xảy ra khi người bệnh vận động quá sức dẫn đến tim đập nhanh hơn bình thường;
  • Cơn đau thường có thể cảm nhận trước được và diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng 5 phút);
  • Cảm giác ợ nóng hoặc khó tiêu;
  • Cơn đau ngực có thể lan tỏa đến tay, lưng hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Đau thắt ngực không ổn định:

  • Cơn đau thường xuất hiện lúc nửa đêm khi bạn đang ngủ hoặc khi bạn đang nghỉ ngơi;
  • Cơn đau thường đến một cách đột ngột;
  • Thường cơn đau sẽ kéo dài đến 30 phút;
  • Theo thời gian, nếu không được chữa trị cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch.

Đau thắt ngực mao mạch:

  • Cơn đau thường trầm trọng và kéo dài hơn các cơn đau thắt ngực khác;
  • Thường kèm theo những triệu chứng thở gấp, khó ngủ, mệt mỏi;
  • Cơn đau thường xuyên xảy ra trong các hoạt động thường ngày và khi bạn cảm thấy căng thẳng.

Các triệu chứng khác thường đi kèm với cơn đau:

  • Khó thở nhanh, nông;
  • Đánh trống ngực, hồi hộp;
  • Buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi;
  • Có trường hợp xuất hiện tiểu nhiều.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ngay cả khi bạn đã nghỉ ngơi và dùng thuốc nhưng cơn đau vẫn kéo dài và không dứt, nó có thể là triệu chứng của nhồi máu cơ tim. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến cơn đau thắt ngực

Động mạch vành là hệ thống mạch máu có chức năng dẫn máu nuôi dưỡng quả tim. Khi động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn, máu sẽ không thể bơm đủ để cung cấp cho tim dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim, với biểu hiện là các cơn đau thắt ngực.

Cơn đau thắt ngực sẽ đến khi lưu lượng máu tuần hoàn trong mạch vành giảm xuống dưới mức 50% so với bình thường. Các nguyên nhân có thể làm máu qua động mạch vành bị giảm là:

  • Trong mạch vành tích tụ các mảng xơ vữa, chúng gây tổn thương thành mạch và gây hẹp động mạch.
  • Viêm động mạch vành, viêm lỗ động mạch vành do giang mai, bệnh viêm nút quanh động mạch.
  • Co thắt động mạch vành.
  • Dị tật bẩm sinh ở động mạch vành.

Những nguyên nhân khác gây đau thắt ngực mà không do động mạch vành gây ra:

  • Các vấn đề ở tim như: nhịp tim bất thường, bệnh van động mạch chủ, bệnh hẹp khít lỗ van 2 lá, bệnh sa van 2 lá, bệnh cơ tim phì đại hoặc bệnh cơ tim thể giãn.
  • Cơ thể bị thiếu máu nghiêm trọng.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải cơn đau thắt ngực?

Ai cũng có thể mắc cơn đau thắt ngực do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, những người gặp phải vấn đề tim mạch, nam giới trên 45 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi có nhiều khả năng mắc chứng đau thắt ngực hơn thanh thiếu niên.

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Hay căng thẳng, gặp áp lực trong công việc và cuộc sống.
  • Bị chấn thương tâm lí
  • Có tuổi tác cao.
  • Cao huyết áp.
  • Cảm lạnh.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Nồng độ chất béo trung tính (triglyceride) hoặc cholesterol trong máu cao.
  • Có người trong gia đình bị mắc bệnh mạch vành hay nhồi máu cơ tim.
  • Hút thuốc.
  • Bị tiểu đường.
  • Béo phì và ít vận động.

Các yếu tố nêu trên chỉ gây được cơn đau thắt ngực khi trong cơ thể ít nhiều đã có những tổn thương ở động mạch vành.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cơn đau thắt ngực

Bác sĩ sẽ chẩn đoán thông qua các triệu chứng, xác định đặc tính của cơn đau, và làm các xét nghiệm bao gồm:

  • Đo điện tâm đồ ECG; bao gồm điện tim ngoài cơn đau, điện tim trong lúc có cơn đau thắt ngực và điện tim khi gắng sức.
  • Chụp X-quang mạch vành: Đây là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán cao. Nó giúp bác sĩ nhìn thấy tình trạng tổn thương ở mạch vành, tiên lượng về nguy cơ của thiếu máu cơ tim và hỗ trợ xác định hướng điều trị hợp lí.
  • Các xét nghiệm khác:
    • Xét nghiệm enzym (SGOT, LDH, CPK, MB).
    • Chụp xạ hình cơ tim.
    • Chụp buồng tim có đồng vị phóng xạ.
    • Siêu âm tim hai chiều để đánh giá mức độ tổn thương cơ tim do thiếu máu.

Bệnh cũng cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh ở vùng tim như:

  • Sa van hai lá.
  • Viêm màng ngoài tim.
  • Phình bóc tách thành động mạch chủ.
  • Viêm co thắt thực quản.
  • Bệnh túi mật.
  • Thoát vị cơ hành.
  • Viêm sụn sườn; vôi hoá sụn sườn; thoái hoá khớp vai; khớp cột sống lưng.

Phương pháp điều trị cơn đau thắt ngực hiệu quả

Nếu có dấu hiệu của tim bị tắc nghẽn thì bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật thông tim.

Mục đích của việc điều trị là giúp bệnh nhân không còn các cơn đau co thắt, giúp máu lưu thông đến tim ổn định và giải quyết tận gốc nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị cắt cơn đau thắt ngực:

  • Để bệnh nhân ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, tuyệt đối không được di chuyển bệnh nhân khi cơn đau ngực đang xảy ra.
  • Cho người bệnh dùng thuốc giãn mạch vành nhóm nitrit và thuốc chẹn kênh canxi.

Điều trị sau cơn đau:

Sau cơn đau thắt ngực, bệnh nhân vẫn cần phải nghỉ ngơi hoàn toàn để tim không phải hoạt động nhiều. Cần tìm hiểu rõ nguyên nhân làm khởi phát cơn đau để loại bỏ chúng, ví dụ:

  • Thay đổi lối sống như: ăn ít muối, tránh cảm xúc mạnh, bỏ hút thuốc lá, hoạt động nhẹ nhàng, không để bị cảm lạnh,…
  • Điều trị các căn bệnh có thể ảnh hưởng đến tim như: bệnh thiếu máu, tăng huyết áp, bệnh béo phì, bệnh đái tháo đường,…
  • Dùng thuốc:
    • Dùng các thuốc giãn mạch vành như: nhóm nitrat và dẫn chất, nhóm chẹn thụ cảm thể beta, nhóm chẹn kênh canxi.
    • Nhóm thuốc ức chế kết dính tiểu cầu như aspirin.
    • Nhóm thuốc ức chế men chuyển dạng angiotensin: perindopril; enalapril.
    • Nếu bị suy tim phải dùng thuốc cường tim và lợi tiểu.

Điều trị can thiệp:

Hầu hết các trường hợp bị cơn đau thắt ngực đều do xơ vữa động mạch gây ra. Vì vậy, nếu kết quả chụp X-quang cho thấy động mạch vành bị hẹp thì bác sĩ sẽ tiến hành sửa lại đoạn động mạch vành đó bằng một trong các phương pháp sau:

  • Phẫu thuật bắc cầu nối: Dùng một đoạn mạch thay thế để nối hai đầu động mạch bình thường lại với nhau để máu lưu thông, bỏ qua chỗ động mạch bị hẹp.
  • Nong động mạch vành: Dùng bóng đưa vào đoạn mạch bị hẹp để nong rộng đoạn mạch này ra và dùng giá đỡ (stent) để chống hẹp lại.
  • Loại bỏ xơ vữa để tái tạo lòng mạch.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cơn đau thắt ngực 

Bạn có thể phòng tránh cơn đau thắt ngực bằng cách giảm nguy cơ dẫn đến bệnh tim. Thực hiện các thói quen sống tốt hằng ngày sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh, hạn chế các chất béo, muối và ăn nhiều ngũ cốc, rau quả.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ để có một chế độ tập thể dục hiệu quả nhất mà không bị quá sức.
  • Nếu bạn đang thừa cân, hãy hỏi bác sĩ các biện pháp giảm cân tốt cho sức khỏe.
  • Dùng thuốc trị đau thắt ngực theo đúng liều và sự chỉ định của bác sĩ.
  • Chữa các bệnh gây nguy cơ đau thắt ngực như tiểu đường, cao huyết áp, cholesterol cao.
  • Không nên làm việc quá sức. Hãy học cách thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan