Tai biến mạch máu não

Tìm hiểu chung

Tai biến mạch máu não là gì?

tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ, xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não không nhận đủ oxy, khi đó một phần não bắt đầu chết đi và gây tổn thương não. Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây nên tử vong cao và để lại một số di chứng vĩnh viễn cho bệnh nhân.

Đây là một tình trạng khẩn cấp, việc điều trị sớm có thể giảm thiểu mức độ tổn thương não và các di chứng tiềm năng.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của tai biến mạch máu não

Các triệu chứng điển hình của tai biến mạch máu não bao gồm:

  • Đau đầu một cách đột ngột;
  • Mất khả năng thăng bằng; đi đứng khó khăn;
  • Bất tỉnh hoặc hôn mê;
  • Hoa mắt, chóng mặt đột ngột và có thể kèm theo nôn mửa;
  • Tầm nhìn bị tối hoặc mờ ;
  • Tê và yếu đi phần cánh tay, chân, mặt ở cùng một bên cơ thể;
  • Gặp khó khăn trong việc nói và hiểu.

Biến chứng thường gặp do tái biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não có thể làm thương tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào thời gian não thiếu oxy và các mô não bị ảnh hưởng. Các biến chứng thường gặp của tai biến mạch máu não bao gồm:

  • Liệt nửa người hoặc mất kiểm soát một số cơ bắp nhất định.
  • Mất khả năng tự chủ đại tiện, tiểu tiện.
  • Rối loạn ngôn ngữ hoặc mất khả năng nói, giao tiếp bình thường.
  • Mất khả năng tự chăm sóc bản thân.
  • Thay đổi tính cảm, có thể lãnh đạm hoặc bốc đồng hơn.
  • Suy giảm hoặc mất trí nhớ, không xác định được thời gian và không gian.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên gọi bác sĩ nếu gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Đột ngột bị tê, có cảm giác châm chích, yếu hoặc mất vận động mặt, tay hoặc chân, đặc biệt khi chỉ xảy ra ở một bên cơ thể;
  • Thay đổi thị lực đột ngột;
  • Không thể nói hoặc khó nói;
  • Đột ngột lú lẫn hoặc gặp vấn đề trong việc hiểu những câu đơn giản;
  • Đột ngột gặp vấn đề trong việc đi lại hoặc giữ thăng bằng;
  • Đau đầu dữ dội khác với những cơn đau đầu trước đây;
  • Có triệu chứng của thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ, ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất;
  • Đang uống aspirin hoặc các thuốc chống đông máu khác và bạn thấy dấu hiệu của chảy máu;
  • Nuốt sặc do thức ăn rớt vào khí quản;
  • Có dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm: đỏ, nóng và đau một vùng cụ thể trên cánh tay hoặc chân;
  • Bị loét do tỳ đè;
  • Thấy cánh tay hoặc chân bị ảnh hưởng ngày càng cứng hơn và bạn không thể duỗi thẳng nó ra được (co cứng);
  • Thấy dấu hiệu của nhiễm trùng tiểu, bao gồm sốt, tiểu đau, tiểu ra máu và đau thắt lưng;
  • Gặp vấn đề trong việc giữ thăng bằng.

Trong trường hợp gặp người bị nghi ngờ tai biến mạch máu não, điều bạn cần làm trong khoảng thời gian chờ cấp cứu đến hỗ trợ là:

  • Hô hấp nhân tạo nên người đó ngưng thở.
  • Quay đầu người bệnh sang một bên nếu họ bị nôn mửa để ngăn chặn nghẹt thở.
  • Không cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến tai biến mạch máu não

Khi sự lưu thông máu đến não bị phá vỡ sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não. Thiếu máu đồng nghĩa với việc não không được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động, các tế bào não sẽ chết dần gây đột quỵ.

Có 2 loại đột quỵ chính, loại phổ biến nhất là đột quỵ do thiếu máu cục bộ; xảy ra khi mạch máu bị tắc nghẽn làm máu không lên được đến não. Loại còn lại là đột quỵ do xuất huyết xảy ra khi mạch máu bị nứt hoặc vỡ làm máu chảy ra ngoài. Trong đó, gần 90% các trường hợp mắc bệnh đều do thiếu máu cục bộ gây ra.

Có một trường hợp khác bạn cần quan tâm là thiếu máu cục bộ thoáng qua. Loại này không khác gì so với thiếu máu cục bộ, cũng do mạch máu bị tắc nghẽn gây nên, nhưng cơn thiếu máu chỉ xảy ra thoáng qua và không để lại những tác động lâu dài do đây chỉ là tắc nghẽn tạm thời.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải tai biến mạch máu não?

Bất cứ lứa tuổi nào cũng có nguy cơ mắc phải tai biến mạch máu não. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Thừa cân hay béo phì;
  • Lười vận động;
  • Uống rượu nhiều;
  • Dùng thuốc bị cấm như cocaine và methamphetamines.
  • Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động;
  • Tăng cholesterol;
  • Tiểu đường;
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ – một rối loạn giấc ngủ trong đó nồng độ oxy giảm từng đợt trong suốt đêm ngủ;
  • bệnh tim mạch bao gồm suy tim, rung tâm nhĩ, khiếm khuyết tim, nhiễm trùng tim hoặc loạn nhịp;
  • Tăng huyết áp – nguy cơ tai biến bắt đầu tăng khi chỉ số huyết áp cao hơn 120/80 mmHg.
  • Tiền căn cá nhân hoặc gia đình bị tai biến, nhồi máu cơ tim hoặc thiếu máu não thoáng qua;
  • Độ tuổi từ 55 tuổi trở lên;
  • Nam giới có nguy cơ tai biến cao hơn nữ. Nữ thường ở lứa tuổi già hơn khi bị tai biến và dễ tử vong vì tai biến hơn nam. Ngoài ra, nữ còn có nguy cơ từ việc mang thai và sinh con, sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone như estrogen.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tai biến mạch máu não

Để có hướng điều trị tốt nhất phải tìm ra được loại đột quỵ nào đang mắc phải và những phần nào ở não đã bị ảnh hưởng.

Để xác định có phải đột quỵ hay không, bác sĩ sẽ tiến hành khám, kiểm tra huyết áp, dùng ống nghe để nghe tim và nghe động mạch cảnh, hỏi người nhà bệnh nhân về các triệu chứng mà người bệnh gặp phải, các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử bệnh lý của cá nhân người bệnh và gia đình. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm cũng được chỉ định như:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Hình ảnh chụp cắt lớp não bộ và động mạch sẽ giúp bác sĩ tìm ra phình động mạch, dị dạng động mạch hoặc vị trí tắc nghẽn của động mạch, đánh giá mức độ hẹp của mạch máu.
  • Cộng hưởng từ (MRI): Giúp phát hiện tế bào não bị hư hỏng do đột quỵ.
  • Siêu âm động mạch cảnh: Hiển thị hình ảnh động mạch bị thu hẹp hoặc huyết khối trong động mạch cảnh.
  • Điện tâm đồ.

Phương pháp điều trị tai biến mạch máu não hiệu quả

Phương pháp điều trị tai biến sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân nào gây ra bệnh. Tuy nhiên nhìn chung, tỷ lệ sống còn phụ thuộc vào thời gian não bị ngừng cung cấp oxy và dinh dưỡng. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Nếu tai biến do thiếu máu cục bộ:

Dùng thuốc:

Bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc làm tan huyết khối Busting nhằm hòa tan các cục máu đông. Để có hiệu quả, điều trị này phải được bắt đầu trong vòng 3 đến 4 giờ khi các triệu chứng đầu tiên bắt đầu. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cho bạn dùng một số thuốc khác để làm loãng máu như heparin, warfarin (Coumadin), aspirin hoặc clopidogrel (Plavix).

Thông mạch:

Một cách khác để loại bỏ cục máu đông là sử dụng ống thông rồi đưa một thiết bị nhỏ lên não bộ để lấy và loại bỏ huyết khối.

Nong mạch và ống đỡ động mạch:

Dùng ống thông bong bóng đưa vào vị trí động mạch bị tắc nghẽn. Bơm bóng căng ra để nén các mảng xơ vữa chặt vào thành mạch, đồng thời làm rộng diện tích trong lòng mạch. Một ống lưới kim loại (stent) thường được để lại trong động mạch để ngăn ngừa tình trạng hẹp trở lại.

Nếu tai biến do xuất huyết:

Kẹp động mạch:

Kẹp nhỏ sẽ được kẹp vào vị trí động mạch bị phình vĩnh viễn và cô lập sự lưu thông của động mạch để động mạch bị phình không vỡ ra do áp lực máu cao.

Phẫu thuật loại bỏ AVM:

Phẫu thuật này sẽ loại bỏ mạch máu bị dị dạng, nhưng phương pháp này không phải lúc nào cũng áp dụng được do có trường hợp nó quá to hoặc nằm sâu trong não.

Phục hồi chức năng:

Nếu tai biến mạch máu não ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể thì người bệnh phải được chăm sóc đặc biệt để lấy lại sức khỏe, phục hồi chức năng và có thể trở lại cuộc sống độc lập. Những tác động của đột quỵ phụ thuộc vào phần não bị ảnh hưởng. Bác sĩ sẽ dựa trên những hạn chế của cơ thể sau tai biến, tuổi tác, sức khỏe tổng thể của người bệnh để đưa ra chương trình điều trị phục hồi hợp lý.

Tùy vào hạn chế của người bệnh, người giúp đỡ trong việc phục hồi chức năng có thể là:

  • Bác sĩ phục hồi chức năng;
  • Điều dưỡng;
  • Nhân viên vật lý trị liệu;
  • Chuyên gia dinh dưỡng;
  • Nhân viên xã hội;
  • Chuyên gia ngôn ngữ;
  • Chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần.

Mức độ phục hồi ở mỗi người bệnh cũng là khác nhau.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não không phải là bệnh hiếm gặp nên bạn không cần quá lo lắng và cảm thấy đơn độc khi mắc phải căn bệnh này. Điều quan trọng bạn cần làm là tạo một tinh thần thoải mái, lạc quan, dành thời gian để phục hồi chức năng sau tai biến.

Bạn nên chia sẻ những khó khăn của bản thân để nhờ những người xung quanh hỗ trợ. Nếu hoạt động của các cơ bị yếu, bạn có thể nhờ sự hỗ trợ của gậy, khung đi bộ, xe lăn để hoạt động hiệu quả hơn. Lưu ý, giữa việc luyện tập và nghỉ ngơi cũng cần được cân bằng một cách hợp lý.

Hãy gặp các chuyên gia thường xuyên để họ giúp bạn cải thiện chức năng và đánh giá sự tiến bộ của bạn.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Tai biến mạch máu não là tình trạng có thể ngăn ngừa nếu bạn kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây bệnh và xây dựng một cuộc sống lành mạnh như:

  • Ngừng hút thuốc.
  • Ăn chế độ ăn ít chất béo, giàu trái cây và rau củ.
  • Kiểm soát huyết áp, nồng độ cholesterol và đường huyết.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Không sử dụng ma túy.
  • Nếu đã từng bị một cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ thoáng qua, bạn có thể hỏi bác sĩ về các loại thuốc dự phòng để giảm nguy cơ tái phát.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan