Á sừng

Tìm hiểu chung

Á sừng là gì?

Á sừng là bệnh viêm da cơ địa dị ứng, chỉ hiện tượng da bị khô, nứt nẻ, bong tróc; đặc biệt là vùng da ở lòng bàn tay, bàn chân. Bệnh hiện vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm và thường tái đi tái lại theo một chu kỳ, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh và khiến người bệnh ngại tiếp xúc với người khác.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh á sừng

  • Da dày và chai sần, có hiện tượng lan rộng ra những vùng da khác;
  • Nổi mụn nước, ngứa, đặc biệt vào mùa hè;
  • Móng có những lỗ nhỏ li ti, móng chuyển vàng và có thể tách ra khỏi nền móng;
  • Da nứt nẻ có thể càng lúc càng sâu hơn tạo các rãnh lớn và làm chảy máu;
  • Thường xuất hiện ở đầu ngón tay, kẽ tay, lòng bàn tay và tương tự với bàn chân;
  • Có khả năng nhiễm nấm, vi khuẩn ở các vùng da bị tổn thương.

Nếu da đã bị á sừng mà vẫn tiếp xúc với các loại hóa chất, chất tẩy rửa, nước bẩn,… thì tình trạng trên sẽ biến chuyển nặng hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi phát hiện da xuất hiện những biểu hiện trên, bạn hãy đến gặp bác sĩ để nhận được sự tư vấn chính xác nhất. Mỗi người có cơ địa khác nhau, vì vậy bạn không nên tự ý điều trị vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh á sừng

Nguyên nhân gây bệnh á sừng đến nay vẫn chưa tìm ra, song một số các bằng chứng khoa học cho là bệnh có sự ảnh hưởng từ hai yếu tố:

  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có bố/mẹ từng bị bệnh á sừng thì nguy cơ mắc bệnh của người con sẽ cao hơn người khác.
  • Cơ địa da dị ứng: Tự bản thân cơ thể quá mẫn với các chất gây hại từ môi trường nên có thể tạo ra trạng thái tấn công ngược lại da khi hệ miễn dịch gặp rối loạn.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh á sừng?

Bệnh thường gặp ở những người nội trợ, người làm trong môi trường nhiều chất độc hại, nông dân, thợ làm tóc, kỹ thuật viên y tế,… do họ thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, môi trường ô nhiễm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh á sừng, bao gồm:

  • Cọ xát;
  • Sang chấn;
  • Thời tiết lạnh, độ ẩm thấp.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh á sừng

Bác sĩ có thể dựa vào tiền sử gia đình, một số câu hỏi liên quan đến quá khứ tiếp xúc hoặc khám da, sinh thiết da để xét nghiệm dưới kính hiển vi để cho biết kết quả chẩn đoán bệnh á sừng.

Phương pháp điều trị bệnh á sừng hiệu quả

Các loại thuốc được dùng trong điều trị á sừng là:

  • Thuốc để làm bay lớp sừng và chống viêm: mỡ nizoral, dẫn xuất imidazol, griseofulvin. Trường hợp nặng có thể phải dùng corticoid, kháng histamin.
  • Các loại kem dưỡng ẩm, làm mềm lớp sừng.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh á sừng

Một số giải pháp bạn có thể thực hiện để hạn chế diễn tiến của bệnh á sừng:

  • Không bóc hay chà xát các lớp sừng đã bị bong tróc vì chúng có thể ảnh hưởng đến những vùng da lành tính.
  • Không tiếp xúc với các chất độc hại như hóa chất công nghiệp, xăng dầu, chất tẩy rửa, xà phòng.
  • Luôn mang găng tay, ủng chân để bảo vệ da khi phải tiếp xúc với hóa chất; lưu ý nên dùng găng tay có chất liệu nhựa dẻo vì găng tay cao su rất dễ gây kích ứng da.
  • Giữ ẩm cho lòng bàn tay, bàn chân bằng các loại kem dưỡng ẩm, đặc biệt là vào thời tiết lạnh giá.
  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau, củ, quả tươi hoặc viên uống bổ sung vitamin A, C, D, E; một số các nhà khoa học cho rằng thiếu các loại vitamin này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lớp sừng của da.
  • Cắt ngắn móng tay, móng chân để không tạo nơi trú ẩn cho vi khuẩn, đồng thời để hạn chế sự tác động của móng lên da làm trầy xước.
  • Không gãi các vùng da nhiễm bệnh vì có thể làm tổn thương tế bào da, đồng thời khiến vi khuẩn trong tay có điều kiện xâm nhập vào da nhanh hơn,
  • Không ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, cá biển, gà, bò, nhộng, mắm,…
  • Nếu cần thiết, bạn nên thay đổi môi trường sống hoặc môi trường làm việc phải tiếp xúc nhiều với hóa chất.

Á sừng là căn bệnh mãn tính, hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh dứt điểm. Song, một số yếu tố làm thay đổi hormone như dậy thì, mang thai, mãn kinh,… có thể khiến bệnh tự khỏi. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên trông đợi quá nhiều vào chúng. Thay vào đó, bạn có thể xây dựng một lối sống lành mạnh để chủ động ngăn chặn căn bệnh này diễn tiến xấu đi.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan