Chấn thương sọ não
Mục lục
Chấn thương sọ não là gì?
Tìm hiểu chung
Chấn thương sọ não là gì?
Chấn thương sọ não là tình trạng não bị tổn thương làm phá vỡ các chức năng bình thường của não bộ vốn là nơi kiểm soát hô hấp, lưu lượng máu và các chuyển động của cơ thể. Sau chấn thương não có thể ngừng làm việc dẫn đến việc mất một số kỹ năng, tri giác trong thời gian ngắn hay dài hạn. Chấn thương sọ não có thể xảy đến với bất kỳ ai khi bị tai nạn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu gây chấn thương sọ não chính là tai nạn giao thông. Vì vậy, mọi người cần hết sức lưu ý đến vấn đề bảo hộ phần đầu để tránh những rủi ro không đáng có và nguy co bị tử vong.
Về cơ bản chấn thương sọ não được chia thành: chấn động não, đụng giập não và máu tụ nội sọ.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương sọ não
Sau khi não bị chịu tổn thương, người bệnh có thể có các triệu chứng sau đây:
- Nôn ói;
- Ngủ gà (nhắm mắt ngủ, lay mạnh thì người bệnh mở mắt rồi lại tiếp tục thiếp đi);
- Đau đầu dữ dội;
- Có biểu hiện quên những gì xảy ra trước đó;
- Hôn mê kéo dài, mất ý thức;
- Giãn đồng tử;
- Màng não bị rách gây chảy nước não tủy (chất giúp bảo vệ và nuôi dưỡng mô não) ở tai hoặc mũi;
- Chóng mặt và rối loạn thăng bằng, có biểu hiện kích động la hét;
- Có vấn đề hô hấp;
- Nhịp tim, nhịp thở chậm, huyết áp tăng;
- Nghe tiếng vang trong tai, thay đổi thính giác;
- Cơ miệng bị ảnh hưởng, nói và nuốt khó.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bị chấn thương đầu mạnh bệnh nhân cần được đưa đến địa chỉ cấp cứu ngay. Hoặc hậu tai nạn người bệnh có các biểu hiện khác thường được nêu trên, người nhà bệnh nhân nên đưa đi khám và xét nghiệm kịp thời để tránh di chứng.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến chấn thương sọ não
Hộp sọ không chỉ bị tổn hại khi não bị chấn thương. Chấn thương sọ não có thể xảy ra khi não đập vào hộp sọ do đầu bị đập vào bề mặt cứng hay đầu bị lắc, giật mạnh.
Các nguyên nhân chủ yếu:
- Tai nạn giao thông: Nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương sọ não.
- Té từ trên cao xuống: Sập dàn giáo, leo cây té, nhảy hoặc té lầu.
- Trượt té: Té ngửa đập đầu xuống đất.
- Ẩu đả bằng hung khí: Búa, gậy gộc, đá.
- Vật nặng rơi trúng đầu.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị chấn thương sọ não?
Chấn thương sọ não có thể xảy đến với bất kỳ ai khi bị tai nạn (tai nạn giao thông, lao động,…); đặc biệt là người ở độ tuổi từ 35 trở lên, tỉ lệ mắc chấn thương ở nam cao gấp hai lần so với nữ. Trong đó nguyên nhân chủ yếu gây chấn thương sọ não chính là tai nạn giao thông. Vậy nên mọi người cần hết sức lưu ý và cảnh giác khi tham gia giao thông để tránh gây rủi ro cho bản thân và người đi đường khác.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chấn thương sọ não
Các bác sĩ có thể chẩn đoán chấn thương sọ não bằng cách:
- Nắm bắt thông tin bệnh nhân như tình trạng chảy máu đầu, có bị đau đầu, nôn ói hay không.
- Kiểm tra tiền sử va chạm của bệnh nhân.
- Tiến hành khám thực thể.
- Nếu có triệu chứng xấu dần, tăng dần, bác sĩ sẽ thực hiện khám chuyên khoa Thần kinh kỹ lưỡng.
Bệnh nhân có thể được chỉ định xét nghiệm máu và chiếu chụp thêm như: Xét nghiệm thời gian Thromboplastin từng phần hoạt hóa (APTT hoặc PTT), xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) và xét nghiệm đo thời gian Prothrombin (PT, INR).
Phương pháp điều trị chấn thương sọ não hiệu quả
Kiểm soát đường hô hấp và tuần hoàn của bệnh nhân.
Cần phải xử lí vùng chấn thương càng sớm càng tốt nhằm tránh mất máu quá nhiều và nhiễm khuẩn.
Với những khối máu tụ nội sọ thì cần phải mổ cấp cứu ngay, nếu để muộn sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chấn thương sọ não
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ đúng các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Bệnh nhân cần tái khám thường xuyên tại các cơ sở y tế để tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng và theo dõi phát hiện các di chứng như: động kinh sau chấn thương, rò nước não tủy muộn, máu tụ mạn tính, áp-xe não…
- Không được để bệnh nhân vận động mạnh hay xúc động mạnh, gây các kích thích thần kinh. Cần theo dõi người bệnh liên tục từ 7 – 10 ngày để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường.
Chế độ dinh dưỡng:
- Bệnh nhân bị chấn thương não cần được cung cấp chất dinh dưỡng sớm, giúp não và cơ thể được hồi phục tốt hơn.
- Các chất dinh dưỡng thiết yếu: Omega-3 (có nhiều trong cá, dầu cá, dầu hạt lanh, tảo, quả óc chó…), amino acid (nguồn amino acid dồi dào nhờ các protein có trong thịt gà nạc, cá, đậu que, đậu đũa, đậu Hà Lan…).
- Khẩu phần ăn nhiều trái cây, rau quả, tránh các chất béo bão hòa, chất béo hydrogen hóa, thức ăn chứa nhiều sodium (natri) vì dễ gây đột quỵ.
- Bổ sung choline- rất quan trọng để hình thành các chất dẫn truyền thần kinh giúp truyền đi tín hiệu ở não. Choline có nhiều ở trứng, đậu phộng.
- Cung cấp nước đầy đủ cho bệnh nhân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hoặc dụng cụ bảo hộ cho các môn thể thao chuyên biệt hoặc người làm việc trên cao.
- Không chạy xe qua tốc độ cho phép, không dùng rượu bia, thuốc gây buồn ngủ khi điều khiển xe.
- Chú ý giám sát trẻ nhỏ, tránh các môn thể thao hoặc dụng cụ quá lứa tuổi phù hợp tránh rủi ro cho bé.
- Luôn chú ý tuân thủ các quy tắc an toàn của từng nơi.
- Không mặc trang phục gây cản trở tầm nhìn khi di chuyển.
- Thường xuyên kiểm tra độ an toàn của sân và dụng cụ thể thao.
- Loại bỏ và thay thế các dụng cụ thể thao hoặc đồ bảo hộ bị hư hỏng.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.