Di vật đường thở

Tìm hiểu chung

Dị vật đường thở là gì?

Dị vật đường thở là trường hợp những dị vật có thể là chất rắn, lỏng thông thường trong cuộc sống xâm nhập vào đường hô hấp ở vùng mũi, miệng. Đây là một tai nạn nguy hiểm có thể chết người nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời; đặc biệt ở trẻ em.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của dị vật đường thở

Khi các dị vật lọt vào đường thở, người bệnh sẽ có các triệu chứng như khó thở, lên cơn ho sặc sụa dữ dội. Nếu dị vật là mắc trong thanh quản thì người bệnh sẽ có cảm giác đau, khó chịu, niêm mạc phù nề, đỏ, xuất tiết, đôi khi có ít giả mạc.

Biến chứng có thể gặp khi mắc dị vật đường thở

Biến chứng thường gặp khi mắc dị vật có thể xảy ra ngay lập tức hoặc chỉ sau 2 – 3 ngày xảy ra tai nạn như: khó thở nặng, thở nhanh nông đối với dị vật trong phế quản. Nếu không kịp thời xử trí sẽ dẫn đến ngạt thở.

Dị vật vướng vào thanh quản sẽ gây phù nề vết thương, mưng mủ và  khi không xử lý sẽ dẫn đến nhiễm trùng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Dị vật rơi vào đường thở rất nguy hiểm vì có thể gây nghẽn đường thở và dẫn đến tử vong nếu không kịp thời lấy dị vật ra. Vì vậy, ngay khi phụ huynh thấy trẻ nuốt hay hít phải vật gì đó vào hoặc khi có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra thì hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và lấy dị vật ra ngoài.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến dị vật đường thở

Dị vật đường thở có rất nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:

  • Trẻ em có thói quen ngậm thức ăn hoặc đồ chơi vào miệng.
  • Người lớn có thói quen ngậm dụng cụ khi làm việc.
  • Trong quá trình ăn uống không cẩn thận để các dị vật vướng vào.
  • Do hít mạnh, sâu và đột ngột.
  • Sau một cơn cười, khóc hay khi quá ngạc nhiên, quá sợ hãi.
  • Phụ huynh cho trẻ uống thuốc nguyên viên, không được bẻ nát.
  • Bị sặc khi ăn.

Tác nhân gây dị vật đường thở có rất nhiều, có thể là đồ vật hoặc thức ăn. Đối với trẻ thì đó là tất cả những thứ có thể cho vào miệng hoặc vào mũi như hạt gạo, hạt cườm, nút áo, viên bi,…


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc dị vật đường thở?

Bất kỳ ai cũng có thể bị mắc dị vật đường thở. Tuy nhiên trẻ em là đối tượng dễ mắc phải nhất do trẻ còn nhỏ nên chưa ý thức được mức độ nguy hiểm khi ngậm các vật dụng trong miệng hoặc đưa chúng vào mũi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc dị vật đường thở, bao gồm:

  • Bị liệt hầu họng nhưng vẫn cho ăn đường miệng.
  • Người lớn chủ quan, cẩu thả trong việc ăn uống của trẻ.
  • Có thói quen uống nước sông, nước suối trong quá trình tắm gây dị vật sống vào đường thở.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán dị vật đường thở

Khi đến khám, người bệnh sẽ được kiểm tra tổng quát, nội soi, chụp x-quang để kiểm tra vị trí của dị vật và tìm cách để lấy dị vật ra.

Phương pháp điều trị dị vật đường thở hiệu quả

Sơ cứu khi phát hiện mắc dị vật đường thở là vô cùng quan trọng.

  • Đối với trẻ trên 2 tuổi và người lớn:

Khi người bệnh có dị vật trong đường thở, có thể để người bệnh ở tư thế đứng hay tư thế ngồi trên ghế dựa, người cấp cứu đứng sau nạn nhân, hai cánh tay ôm vòng ra trước bụng nạn nhân. Tay này nắm chồng lên tay kia, đặt ở phần bụng dưới xương ức và trên rốn. Ấn mạng liên tục 5 cái theo hướng từ dưới lên để đẩy dị vật ra ngoài.

  • Đối với trẻ dưới 2 tuổi:

Có thể sử dụng một trong hai cách là vỗ lưng và ấn ngực.

Vỗ lưng: Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.

Ấn ngực: Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Không ép trẻ ăn khi trẻ đang khóc và không đùa giỡn khiến trẻ cười khi đang ăn.
  • Không để trẻ ăn các thực phẩm dễ bị hóc như các loại thực phẩm nguyên hạt.
  • Tập cho trẻ thói quen không đưa đồ vật vào miệng ngậm mút.
  • Tuyên truyền để nhiều người được biết rõ những nguy hiểm của dị vật đường thở.
  • Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc.
  • Người lớn cần tránh thói quen ngậm dụng cụ vào miệng khi làm việc.
  • Nếu bị hóc hoặc nghi bị hóc vào đường thở, cần đưa đi bệnh viện ngay.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan