Hội chứng tiền kinh nguyệt

Tìm hiểu chung

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Hội chứng tiền kinh nguyệt là các triệu chứng về thể chất và cảm xúc xảy ra vào một trong hai tuần trước kỳ kinh nguyệt và mất đi sau đó.

Hội chứng tiền kinh nguyệt chiếm tỷ lệ 85-90% phụ nữ theo mức độ từ nhẹ đến nặng. Hội chứng tiền kinh nguyệt không phải là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng nó ảnh hưởng đến đời sống bình thường nếu ở mức độ nặng. Các triệu chứng không xuất hiện khi có thai hoặc sau khi mãn kinh.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt

Các triệu chứng thường gặp nhất ở chị em là mọc mụn, ngực nhạy cảm, đầy bụng, cảm giác mệt mỏi, khó chịu, và tâm trạng thay đổi. Vì cơ địa của mỗi người là khác nhau nên sẽ có nhiều dạng triệu chứng xuất hiện:

  • Các triệu chứng về thể chất: Đau bụng, sưng bụng dưới, đau thắt lưng, nặng hông, đau và sưng ngực, da sần sùi, rối loạn tiêu hóa, tăng cân…
  • Các triệu chứng về hành vi: dễ cáu gắt, tinh thần bất ổn, dễ chán nản, thờ ơ, khó tập trung, trầm cảm, quá khích, khóc vô cớ…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết mọi phụ nữ cảm thấy hơi phiền phức trước mỗi kỳ kinh, nhưng với người bị hội chứng tiền kinh nguyệt, họ có thể thấy rất phiền phức đến độ không thể sinh hoạt thường ngày. Do đó, nếu bạn cảm thấy mình có các triệu chứng rối loạn cơ thể và tinh thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thì nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị sớm.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng tiền kinh nguyệt

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác của hội chứng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tình trạng này như: mất cân bằng nội tiết tố nữ, estrogen và progesterone (hai hormone do buồng trứng sản xuất), biến động của serotonin.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị hội chứng tiền kinh nguyệt

Mọi lứa tuổi từ lúc còn là thiếu nữ đều có nguy cơ mắc bệnh, nhưng tần suất xảy ra nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20 đến 40 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị hội chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm:

  • Người thường mắc chứng trầm cảm, căng thẳng kéo dài.
  • Ăn uống không đủ chất, ăn nhiều thức ăn mặn, uống đồ uống có chứa caffeine hoặc rượu.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt

Để chẩn đoán một phụ nữ có bị hội chứng tiền kinh nguyệt, bệnh nhân cần phải có ít nhất các triệu chứng: phù, tăng trọng, nhạy cảm, kích thích và căng thẳng.

Và theo tiêu chí chẩn đoán của Đại học California ở San Diego: Ít nhất có một rối loạn cơ thể và cảm xúc suốt 5 ngày trước khi có kinh ở mỗi ba kỳ kinh trước như:

  • Rối loạn cảm xúc: trầm cảm, giận hờn, kích thích, lo âu, bối rối, xa cách xã hội.
  • Rối loạn cơ thể: căng vú, đầy bụng hay đau bụng, đau đầu, căng tứ chi.

Các rối loạn chấm dứt từ ngày 4 đến ngày 13 của chu kỳ kinh nguyệt.

Phương pháp điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt hiệu quả

Bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng bệnh của bệnh nhân để tiến hành điều trị và khắc phục. Các thuốc thường được sử dụng để điều trị là:

  • Sử dụng nội tiết: Estrogen, progestins, thuốc viên tránh thai.
  • Các thuốc điều trị triệu chứng: Thuốc kháng viêm không steroid, lợi tiểu, magie, B6, an thần, nhuận trường.

Kiêng cữ một số chất kích thích: cafeine-gây mất ngủ, triệu chứng nặng thêm. Gây căng ngực, rượu, thuốc lá, muối, đường.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng tiền kinh nguyệt

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Nên tập thể dục đều đặn, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Ngủ đủ và đúng giấc.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Bệnh nhân cần có một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng.

  • Bổ sung: Canxi giúp giảm thay đổi tính khí, đau đầu, ứ nước, kích thích (có nhiều trong bơ sữa, yaourt, bánh mì, ngũ cốc…), Magie giúp giải phóng ứ nước, căng ngực (trong trái cây, rau quả), vitamin B6 giúp giải quyết vấn đề trầm cảm (trong thịt gà, cá, khoai tây, trứng), vitamin E giúp giảm đau đầu và căng ngực (trong rau xanh, đậu phộng).
  • Hạn chế muối, đường, caffeine, rượu.

Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả

Mọi người cần tập thói quen sống khoa học để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

  • Dinh dưỡng đầy đủ, thường tập thể dục.
  • Tránh áp lực dẫn đến trầm cảm, căng thẳng thần kinh.
  • Không ăn mặn trước khi bắt đầu chu kỳ.
  • Ngưng hút thuốc, đồ uống có caffeine và rượu bia.
  • Ăn nhiều thực phẩm chứa carbonhydrate như trái cây tươi.
  • Ngủ đúng và đủ giấc.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan