Lo âu

Tìm hiểu chung

Lo âu là gì?

Lo âu là biểu hiện phản ứng tự nhiên của con người trước mối đe dọa hoặc khó khăn. Lo âu là tốt khi nó giúp bạn cảnh báo trước những việc cần làm hay thận trọng hơn với các tình huống. Tuy nhiên, lo âu nếu kéo dài dai dẳng hoặc quá mức gây ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và sức khỏe của người bệnh thì đó chính là triệu chứng của lo âu bệnh lý.

Hiện nay, bệnh rối loạn lo âu là chứng bệnh rất nhiều người mắc phải trong xã hội hiện đại. Bệnh nhân nên nhận thức việc đối diện với tình trạng bệnh và tìm đến bác sĩ để được tư vấn liệu pháp điều trị.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của lo âu

Tùy theo tình trạng bệnh mà bệnh nhân có những triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng thường thấy có thể kể đến như:

  • Căng thẳng quá ngưỡng trước những vấn đề bình thường.
  • Căng cơ hay đau cơ.
  • Đau đầu và buồn nôn.
  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Vã mồ hôi, run rẩy.

Các dạng lo âu bệnh lý gồm:

  • Rối loạn lo âu lan tỏa: Sự lo âu lan tỏa dai dẳng trong bất cứ tình huống đặc biệt nào.
  • Ám ảnh sợ hãi (như ám ảnh sợ màu sắc hoặc ám ảnh sợ xã hội).
  • Cơn kinh hoảng kịch phát: Bệnh nhân có biểu hiện run rẩy, lú lẫn, hoa mắt, buồn nôn hoặc khó thở. Cơn diễn ra nhanh và dễ xuất hiện khi stress.
  • Sợ khoảng rộng: Xảy ra khi người bệnh đang ở nơi có lối thoát hiểm khó khăn hoặc nhận thấy không có sự bảo bọc, trợ giúp.
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Không làm chủ được các ý nghĩ lặp đi lặp lại một cách vô lý, buộc phải thực hiện hành vi cưỡng chế để giảm sự khó chịu trong người đang thôi thúc.
  • Rối loạn stress sau sang chấn: Thường xảy ra sau khi trải qua sang chấn tâm lý lớn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn cảm thấy tình trang lo âu tinh thần nghiêm trọng, luôn cảm thấy khó chịu thái quá trước các vấn đề trong suốt một thời gian dài, và không thể kiểm soát nguồn cơn thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến lo âu

Hiện tại vẫn chưa có nguyên nhân cụ thể được làm rõ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng bệnh có liên quan đến các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, GABA và norepinephrine.

Nguyên nhân cũng có thể do yếu tố di truyền, môi trường sống, căng thẳng thần kinh…


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị lo âu?

Có khoảng 273 triệu người (4.5%) có dấu hiệu lo âu, trong đó nữ giới thường mắc phải hơn nam giới.

Trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải.

Bạn có thể làm giảm khả năng mắc bệnh bằng việc hạn chế các yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh thường gặp ở bệnh nhân:

  • Tuổi thơ bất hạnh.
  • Rối loạn nhân cách.
  • Stress.
  • Di truyền.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lo âu

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ đặt câu hỏi chi tiết về triệu chứng và bệnh sử. Bệnh nhân cũng có thể được tiến hành kiểm tra vật lý để tìm ra dấu hiệu lo lắng.

Khi bệnh nhân đáp ứng các tiêu chí nêu ra trong hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM) của hiệp hội tâm thần Mỹ thì sẽ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát.

Phương pháp điều trị lo âu hiệu quả

Hai phương pháp điều trị là thuốc và tâm lý trị liệu. Thậm chí có kết hợp cả hai. Tuy nhiên cần lưu ý rằng sự lo âu có thể chữa nhưng không thể trị dứt điểm.

Liệu pháp tâm lý:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi: thay đổi suy nghĩ theo hướng thay đổi tích cực lối sống, hành động để chống lại tình trạng rối loạn lo âu.
  • Liệu pháp thể hiện hành vi: hướng dẫn cách đối phó với các tình huống gây lo âu, căng thẳng…

Thuốc chống rối loạn lo âu: Buspirone, benzodiazepine (thuốc an thần để hỗ trợ ngắn hạn các triệu chứng lo âu), thuốc chống trầm cảm và thuốc ngủ có thể được cân nhắc.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lo âu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Tiếp xúc với nhiều người, giữ tâm trạng vui vẻ để hạn chế lo âu.
  • Không nên ăn và uống các loại thực phẩm dễ gây kích thích và khó ngủ.
  • Tập thể dục đều đặn, tốt nhất là tập hít thở để giữ cân bằng tâm trạng.
  • Hãy tìm một bác sĩ tâm lý mà bạn tin tưởng để nêu các vấn đề mà bạn gặp phải trong cuộc sống khiến bạn lo âu.
  • Lo âu có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, vì vậy bên nên uống một cốc sữa, tắm với nước nóng hoặc nghe nhạc nhẹ trước khi ngủ.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bệnh nhân nên có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và khoa học để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
  • Ăn nhiều rau xanh, hải sản.
  • Bổ sung choline (trong trứng, đậu phụ và phần lớn các loại thịt), Omega-3 có nhiều trong mỡ cá.
  • Thực phẩm lên men rất tốt cho não bộ.
  • Nói không với gluten và đường.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Vận động hằng ngày.
  • Hạn chế các chất kích thích: cà phê, bia, rượu…
  • Hạn chế thức đêm.
  • Ăn uống khoa học, không bỏ bữa.
  • Quản lý hoạt động hằng ngày, không làm việc quá sức.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan