Mộng du

Tìm hiểu chung

Mộng du là gì?

Mộng du còn gọi là Ngủ đi rong hay Miên hành. Đây là một trong những biểu hiện của rối loạn giấc ngủ. Mộng du thường xuất hiện khi cơ thể rơi vào giai đoạn ngủ sâu, não không còn ý thức (hoặc ý thức kém) nhưng lại thực hiện được những hành động trong trạng thái ý thức đầy đủ. Người mộng du có thể làm được nhiều công việc khác nhau nhưng lại không có ý thức để nhận biết và điều khiển hành vi của mình.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của mộng du

Cơn mộng du có thể bắt đầu sau khi ngủ từ 1 – 2 giờ. Nó có thể kéo dài khoảng 30 giây cho đến hơn 30 phút và kèm theo các biểu hiện sau đây:

  • Nét mặt không biểu lộ cảm xúc nhưng hành động lại có mục đích;
  • Nói chuyện hoặc lẩm bẩm trong khi ngủ;
  • La hét;
  • Đột ngột ngồi trên giường, đi lang thang, nấu nướng, lau nhà, tiểu tiện, thay đồ,…
  • hành vi đơn giản, vụng về;
  • Lặp đi lặp lại các hành động đã làm;
  • Không đáp trả khi được hỏi và không biết có sự hiện diện của những người xung quanh;
  • Khó thức giấc hoặc bối rối khi bị đánh thức;
  • Hành động mộng du có thể xảy ra hằng đêm hoặc đôi khi;
  • Nhớ rất ít hoặc không hề có ký ức gì về những việc đã làm khi ngủ;

Hành động của người mộng du thường lành tính, nhưng trong cơn mộng du, họ không ý thức được những điều mình đang làm và nơi mình đang đến. Ở mức độ nguy hiểm hơn, người mộng du có thể đi đến những nơi không an toàn, lái xe, có cử chỉ bạo lực, làm hại bản thân hoặc thậm chí là giết người.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người nhà cần đưa bệnh nhân đến bác sĩ điều trị khi thấy có các dấu hiệu sau:

  • Mộng du xảy ra thường xuyên và thời gian của một cơn mộng du kéo dài hơn trước.
  • Người mộng du có hành vi nguy hiểm.
  • Người mộng du có xu hướng bạo lực, tự làm hại mình hoặc làm hại người khác.
  • Gây rối loạn chức năng hoạt động của ban ngày.
  • Làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
  • Mộng du kéo dài từ nhỏ đến tuổi trưởng thành.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến mộng du

Những nguyên nhân có thể gây nên tình trạng mộng du:

  • Trạng thái lo âu, mệt mỏi kéo dài.
  • Mất ngủ hoặc sợ hãi ban đêm.
  • Đau nửa đầu hoặc chấn thương đầu.
  • Lối sống không khoa học: uống nhiều bia rượu, ngủ không giờ giấc.
  • Bệnh tật thường xuyên hoặc sốt cao hơn 38 độ C.
  • Lạm dụng thuốc điều trị tâm thần, thuốc kháng histamin.
  • Ngủ ở môi trường lạ hoặc nơi ngủ có nhiều tiếng ồn, ánh sáng.
  • Bàng quang chứa đầy nước tiểu khi ngủ.
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Có các bệnh về não bộ như thiếu thiếu máu não, các bệnh liên quan đến mạch máu não,…

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị mộng du?

Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ Hoa Kỳ cho biết có khoảng 1% – 15% dân số mắc chứng mộng du. Đây là căn bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, nhưng phổ biến nhất  và có tần suất diễn ra cao hơn ở trẻ em (nhất là trẻ trong giai đoạn từ 3 – 7 tuổi).

Theo một thống kê khác, có đến 80% người mắc bệnh mộng du có người nhà cũng từng hoặc đang mắc bệnh.

Đặc biệt, với những cặp song sinh, nếu 1 trong số họ mắc bệnh mộng du thì tỉ lệ người còn lại mắc bệnh cao gấp 5 lần so với những người bình thường.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mộng du

Bác sĩ có thể chẩn đoán cơn mộng du và diễn tiến của bệnh thông qua những dấu hiệu mà bạn thông báo với bác sĩ và qua xét nghiệm tình trạng rối loạn giấc ngủ. Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân ngủ qua đêm trong phòng thí nghiệm, sau đó sử dụng máy đo giấc ngủ. Bác sĩ sĩ sẽ dùng bộ cảm biến gắn lên vùng thái dưỡng, da đầu, ngực và chân để theo dõi giấc ngủ của bạn. Thông qua màn hình vi tính, bộ cảm biến này sẽ cho biết một số thông tin về:

  • Các sóng não.
  • Lượng oxy trong máu.
  • Nhịp tim.
  • Nhịp thở.
  • Chuyển động của mắt và chân.

Qua các thông tin này, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về trạng thái ngủ của bạn ở mức độ nào và nguyên nhân nội tại gây nên chứng mộng du.

Phương pháp điều trị và hạn chế diễn tiến của bệnh mộng du

Để đối phó với cơn mộng du, người bệnh và người nhà có thể thực hiện các phương pháp sau đây:

Giảm bớt sự nguy hiểm do mộng du gây ra:

  • Ngăn ngừa các tai nạn có thể xảy ra trong quá trình mộng du:
  • Khóa và giấu chìa khóa cẩn thận, không để người mộng du mở cửa sổ hoặc cửa chính đi ra ngoài.
  • Cất các vật dụng có khả năng gây sát thương ở gần bệnh nhân.
  • Làm thanh chắn hai bên giường hoặc để người bệnh nằm dưới đất nếu có thể.
  • Chặn cầu thang, nhà tắm, nhà bếp hoặc những nơi nguy hiểm mà bệnh nhân có thể đi đến.
  • Xử lý khi thấy người bị mộng du:
  • Cần gọi thêm người trợ giúp nếu bạn hoảng hốt và không biết phải làm gì.
  • Nhẹ nhàng hướng dẫn người mộng du quay lại giường ngủ bằng giọng nói nhỏ nhẹ.
  • Không chạm vào người hoặc lớn tiếng đánh thức họ khiến họ tỉnh dậy vì người bị mộng du thường bối rối và có xu hướng bạo lực sau cơn mộng.
  • Nếu gặp người mộng du đang trong tình trạng bạo lực vô thức, bạn nên giữ khoảng cách hay tìm nơi trú ẩn để đảm bảo an toàn cho bản thân và tìm người hỗ trợ.

Điều trị dứt điểm chứng mộng du:

  • Ngủ nhiều hơn: Một trong những nguyên nhân gây mộng du là do thiếu ngủ. Bạn cần ngủ đủ 8 tiếng/ 1 ngày (với trẻ là 14 tiếng/ 1ngày) để đảm bảo có đủ năng lượng và tinh thần tỉnh táo. Thay đổi đồng hồ sinh học để khiến cơ thể ngủ và thức dậy đúng giờ sẽ làm bạn tránh được cơn mộng du.
  • Thư giãn tình thần và quản lý căng thẳng: Tập luyện thể dục, nghe nhạc, tắm bằng nước ấm, sử dụng tinh dầu,… là những liệu pháp để tinh thần bạn không rơi vào tình trạng căng thẳng và khiến cho cơn mộng du xuất hiện ít dần đi.
  • Theo dõi tình trạng mộng du: viết thời gian, địa điểm, ngày tháng xảy ra mộng du vào sổ tay và nhờ người thân chú ý khi bạn có hiện tượng mộng du là cách để bạn kiểm soát và biết được nguyên nhân dẫn đến cơn mộng du.
  • Đánh thức người bệnh trước khi cơn mộng du xuất hiện: Hãy nhờ người biết rõ thời điểm xảy ra cơn mộng du của bạn (hoặc đồng hồ báo thức) để đánh thức bạn vào trước thời gian đó. Thời gian bạn cần thức giấc là trước 15 phút khi cơn mộng du bắt đầu xuất hiện và bạn phải giữ trạng thái tỉnh táo trong khoảng 5 phút. Điều này sẽ giúp phá vỡ chu kỳ mộng du.
  • Không dùng chất kích thích: Các chất như caffeine, trà, bia rượu,… có thể gây rối loạn giấc ngủ, khiến bạn không thể ngủ hoặc ngủ trong tình trạng một mỏi. Điều này rất dễ làm tăng nguy cơ mộng du.

Hỗ trợ từ y tế:

Một số loại thuốc chữa rối giấc ngủ như thuốc an thần, thuốc cho người bệnh tâm thần,… có khả năng điều trị mộng du. Tuy nhiên không được tự ý sử dụng khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ vì có thể tác dụng phụ của thuốc có thể khiến mộng du nghiêm trọng hơn.

Một số loại thuốc được dùng để hỗ trợ điều trị bệnh là:

  • Benzodiazepines: Thường có tác dụng an thần.
  • Thuốc chống trầm cảm: Hữu ích trong việc điều trị rối loạn liên quan đến lo âu.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của mộng du

Không có cách nào có thể ngăn chặn hoàn toàn mộng du. Tuy nhiên, bạn có thể tiến hành một số gợi ý điều trị nêu trên để giảm thiếu tối đa khả năng bị mộng du cũng như là tránh bị thương trong khi mộng du. Điều quan trọng nhất là người bệnh và người nhà không nên hoảng loạn khi thấy mình hoặc người thân bị mộng du vì đây không phải là một bệnh lý nghiêm trọng và có thể tự khỏi.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan