Rối loạn giấc ngủ

Tìm hiểu chung

Rối loạn giấc ngủ là gì?

Rối loạn giấc ngủ là bệnh lý gây ảnh hưởng đến tinh thần bệnh nhân, bắt nguồn từ sự biến đổi thời gian, cả chất và lượng trong giấc ngủ. Người mắc phải bệnh lý này thường mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức ngủ.

Rối loạn giấc ngủ làm giảm trí nhớ, khó tập trung, giảm khả năng lao động. Nếu người bệnh không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng như ảnh hưởng tới tim mạch: tăng huyết áp, suy tim, đột tử trong đêm, tai biến mạch máu não, đặc biệt là hội chứng ngưng thở trong khi ngủ (bệnh nhân ngưng thở khoảng 20 – 40 giây trong giấc ngủ).


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn giấc ngủ

Rối loạn nhịp thức – ngủ: Bệnh nhân ban ngày ngủ, ban đêm thức hoặc thời gian thức và ngủ bị lệch đi một khoảng nhất định so với quy luật, trong khi tỷ lệ thời gian thức và ngủ vẫn bình thường.

Khó vào giấc ngủ: Nằm trằn trọc rất lâu mà không ngủ được.

Giấc ngủ đứt quãng: Giấc ngủ của bệnh nhân thường bị chia cắt, chắp nối, nhiều khi rất khó ngủ tiếp.

Rối loạn thời lượng ngủ:

  • Ngủ không đủ, giấc ngủ ngắn hơn so với nhu cầu sinh lý, khi thức giấc không ngủ lại được.
  • Ngủ quá dài so với nhu cầu sinh lý, cơn buồn ngủ kéo đến đột ngột khiến bệnh nhân không thể cưỡng lại được.

Rối loạn chất lượng giấc ngủ:

  • Rối loạn thời gian và tỷ lệ các pha của giấc ngủ hoặc rối loạn các giai đoạn của giấc ngủ.
  • Ngủ không sâu: Bệnh nhân vẫn chập chờn láng máng nhận thức được những sự việc xảy ra xung quanh trong khi ngủ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bệnh nhân có các biểu hiện rối loạn giấc ngủ kéo dài và ảnh hưởng đến tinh thần cũng như chất lượng cuộc sống khiên tinh thần mệt mỏi, căng thẳng… hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và tìm ra nguyên nhân sẽ giúp bệnh nhân sớm cân bằng được nhịp điệu sinh học của cơ thể và có tinh thần tốt hơn.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ

Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ rất đa dạng, có thể do cơ thể bị tác động bởi các yếu tố bên ngoià hoặc xuất phát từ bên trong cơ thể, bao gồm:

  • Stress trong công việc, cuộc sống.
  • Khủng hoảng tâm lý, tình cảm.
  • Ám ảnh vì những chuyện trong quá khứ hoặc do xem các bộ phim kinh dị.
  • Ô nhiễm tiếng ồn.
  • Biến đổi hormone, nội tiết tố trong giai đoạn mang thai hoặc thời kì thiền mãn kinh.
  • Do tuổi tác.
  • Dùng các thuốc chống động kinh, hạ huyết áp, thuốc làm hưng phấn tinh thần, thuốc lợi tiểu.
  • Dùng nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

Có thể một số nguyên nhân khác gây mất ngủ vẫn chưa được đề cập tại đây.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ?

Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh nếu có liên quan đến một trong các nguyên nhân gây bệnh.

Phụ nữ có những biểu hiện về rối loạn giấc ngủ nhiều hơn so với nam giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ, bao gồm:

  • Áp lực thường trực với các mối lo.
  • Thay đổi môi trường sống.
  • Gặp các chấn thương về tinh thần.
  • Thường sử dụng thuốc.
  • Sử dụng các chất kích thích và gây nghiện.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn giấc ngủ

Các bác sĩ có thể chẩn đoán rối loạn giấc ngủ bằng cách:

  • Bạn sẽ được hỏi về những vấn đề liên quan đến giấc ngủ chẳng hạn như: Bạn gặp khó khăn khi ngủ vào thời điểm nào? Bạn có gặp vấn đề nào gây tác động mạnh đến tinh thần trước đó không? Những triệu chứng kèm theo với tình trạng khó ngủ? Các loại thuốc hoặc chất kích thích bạn đang dùng?…
  • Bạn có thể được đề nghị ngủ lại tại bệnh viện để bác sĩ quan sát tình trạng của bạn khi ngủ, dùng thiết bị hỗ trợ ghi lại toàn bộ những dấu hiệu bất thường trong giấc ngủ của bạn để giúp cho việc chẩn đoán.
  • Các kênh điện não, điện tim, điện cơ, thông khí hô hấp, chỉ số oxy sẽ giúp tìm ra nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ để điều trị kịp thời và hiệu quả.

Phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ hiệu quả

Cần tìm ra nguyên nhân rối loạn giấc ngủ để từ đó tìm hướng chữa trị thích hợp.

  • Chế độ sinh hoạt khoa học như ngủ đúng giờ, không dùng thuốc và các chất có thể kích thích thần kinh, tránh để bị stress.
  • Thư giãn đầu óc bằng cách nghe nhạc, yoga.
  • Nếu các biện pháp trên không hiệu quả thì bạn có thể sử dụng thuốc ngủ theo chỉ định của bác sĩ.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn giấc ngủ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn cân bằng protein, chất béo và tinh bột để ổn định đường huyết trước khi ngủ.
  • Uống đủ nước.
  • Hạn chế đồ uống có cồn.
  • Ăn tối nhẹ nhàng tránh bị trào ngược acid dạ dày.
  • Các thực phẩm an thần giúp dễ ngủ: hạt sen, tim sen, atiso,…

Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả

  • Cần thường xuyên tập thể dục, ăn thức ăn có lợi cho giấc ngủ: hạt sen, hải sản, mật ong.
  • Tập yoga và thiền, nghe nhạc hoặc đọc sách để thư giãn.
  • Chỗ ngủ phải yên tĩnh, tối.
  • Nên ngủ ở tư thế nghiêng.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan