Rối loạn tiền đình

Tìm hiểu chung

Rối loạn tiền đình là bệnh gì?

Tiền đình là một hệ thống thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai (hai bên), có nhiệm vụ chính là giữ thăng bằng cho cơ thể.

Rối loạn tiền đình biểu hiện chủ yếu bằng các triệu chứng chủ quan như chóng mặt và đi kèm với những dấu hiệu lâm sàng, trong đó thường gặp nhất là rung giật nhãn cầu.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tiền đình

  • Biểu hiện đầu tiên thường thấy nhất của bệnh là chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai và buồn nôn. Bệnh có thể phục hồi sau vài ba ngày nhưng cũng có thể kéo dài hơn và để lại nhiều di chứng.
  • Nếu bệnh nặng thì bệnh nhân chỉ có thể nằm ở một tư thế, không ngồi dậy được, buồn nôn hoặc nôn dữ dội. Cơ thể bệnh nhân mất cân bằng và mất phương hướng, đứng không vững và đi lại loạng choạng.
  • Người bệnh tỉnh táo, đầu không đau nhức nhưng nặng trĩu, sợ ánh sáng, tiếng động.
  • Thính lực suy giảm, có cảm giác ù tai.
  • Khó tập trung, suy giảm trí nhớ, mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần.
  • Bệnh nhân có biểu hiện thay đổi tâm lý do bệnh: mất tự chủ, tự ti, lo âu, hoảng loạn, trầm cảm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu người bệnh có các biểu hiện thường thấy như hoa mắt chóng mặt, ù tai và buồn nôn. Hoặc nặng hơn là mất thăng bằng và định hướng không gian, thời gian… thì nên được đến các cơ sở chuyên khoa để sớm được chẩn đoán và điều trị.

Tiền đình kéo dài lâu có thể dẫn đến nhiều di chứng, gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân. Vì thế bệnh nhân cần được phát hiện và điều trị sớm. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình

Nguyên nhân trực tiếp:

Các bệnh lý như u dây thần kinh, u não, viêm tai giữa, nghẽn tắc mạch tiền đình, cơ quan trong hệ tiền đình bị thoái hóa, virus gây tổn thương dây thần kinh số 8.

Nguyên nhân gián tiếp:

  • Mất ngủ thường xuyên dẫn đến stress.
  • Thiếu máu, huyết áp thấp, tắc nghẽn động mạch.
  • Môi trường sống và thói quen sinh hoạt không lành mạnh.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ rối loạn tiền đình?

Rối loạn tiền đình là bệnh lý có thể xảy đến với bất cứ ai.

Tỷ lệ người mắc phải bệnh cao hơn ở phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh, khi cơ thể có nhiều sự thay đổi về nội tiết tố.

Yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn tiền đình, bao gồm:

  • Người từ 65 tuổi trở lên.
  • Nhân viên văn phòng làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ít vận động và thường xuyên tiếp xúc với máy tính.
  • Môi trường sống quá ồn, thời tiết chuyển mùa, ăn thức ăn nhiễm độc.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn tiền đình

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ hỏi về bệnh sử và các triệu chứng kết hợp với khám lâm sàng, tiến hành xét nghiệm chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng. Quy trình kiểm tra có thể kể đến như:

  • Ghi điện rung giật nhãn cầu (ENG): Đo chuyển động của mắt để đánh giá các dấu hiệu của rối loạn chức năng tiền đình hay các vấn đề về thần kinh.
  • Xét nghiệm xoay vòng: Theo dõi chuyển động của mắt, đánh giá mắt và tai trong làm việc với nhau như thế nào.
  • MRI: Có thể phát hiện các khối u, đột quỵ và sự bất thường về mô mềm khác.
  • Âm ốc tai (OAE): Cung cấp thông tin về các tế bào lông trong ốc tai làm việc như thế nào.

Phương pháp điều trị rối loạn tiền đình hiệu quả

Khi tìm được nguyên nhân gây rối loạn tiền đình, người bệnh sẽ được tư vấn hướng điều trị thích hợp.

  • Ở mức độ nhẹ: Người bệnh có thể dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Mức độ nặng: Người bệnh có thể cần phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa.

Bên cạnh các phương pháp trên, người bệnh cần luyện tập để cải thiện bệnh hoặc ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh đối với người bình thường.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh rối loạn tiền đình

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống đủ nước.
  • Tránh thực phẩm chứ hàm lượng đường và muối cao.
  • Tránh đồ uống và thực phẩm chứa chất kích thích.
  • Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi.
  • Bổ sung axit folic có trong bánh mì, nước ép cam, lạc.

Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả

  • Sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ, giảm căng thẳng.
  • Không ngồi lâu trong phòng máy lạnh hoặc trước máy tính.
  • Ăn đầy đủ chất và khoa học.
  • Tập thể dục hằng ngày.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan