Sâu răng

Tìm hiểu chung

Sâu răng là gì?

Sâu răng là một loại bệnh nhiễm khuẩn phổ biến nhất ở trẻ em, chiếm tỷ lệ 90%. Sâu răng ở trẻ em có thể bị đau, ảnh hưởng đến ăn uống và sinh hoạt của trẻ. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ sâu răng tái phát , viêm tủy răng, viêm cuống răng.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của sâu răng

Nếu muốn nhận biết dấu hiệu của sâu răng thì có 5 dấu hiệu, chẳng hạn:

  • Hơi thở có mùi hôi: Vi khuẩn làm mòn men răng, làm cho thức ăn mắc kẹt và bám lâu trên bề mặt răng làm hơi thở của bạn có mùi hôi.
  • Những đốm trắng đục trên răng: Vi khuẩn làn mất các chất khoáng, đặc biệt là canxi trong men răng dẫn đến xuất hiện các đốm trắng đục.
  • Xuất hiện chấm đen trên men răng: Ở giai đoạn này, sâu răng xảy ra ở men răng nên rất khó nhận biết, có thể chỉ là những đốm trắng đục hoặc những chấm đen trên bề mặt men răng.
  • Xuất hiện những lỗ nhỏ trên bề mặt răng: Khi sâu răng đã tiến triển đến ngà răng thì sẽ hình thành lỗ sâu răng trên bề mặt răng và có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
  • Đau buốt khi dùng thức ăn quá nóng và quá lạnh: Vi khuẩn sâu răng tấn công làm men răng bị ảnh hưởng, răng rất nhạy cảm khi nhai hoặc nuốt, đặc biệt là những thức ăn nóng hoặc lạnh

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có những triệu chứng trên hoặc khi bạn muốn biết mình bị sâu răng thì bạn nên đi khám răng định kỳ 6 tháng/1 lần với người bình thường và 3 tháng /lần với người có nguy cơ sâu răng cao. Bác sĩ sẽ phát hiện những tổn thương sâu răng sớm và sử dụng những biện pháp điều trị, dự phòng thích hợp giúp phục hồi lại mô răng bị tổn thương.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến sâu răng

Streptococcus mutans là chủng vi khuẩn có khả năng gây sâu răng cao nhất. Đến 95% nguyên nhân gây sâu răng là từ loại vi khuẩn này.

Vi khuẩn thường xuất hiện trong các mảng bám của răng. Chính vì thế, nếu vệ sinh răng miệng không tốt sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát sinh và gây sâu răng.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị sâu răng?

Theo các nghiên cứu thì trẻ em và người lớn tuổi là những đối tượng dễ bị sâu răng. Vì ở trẻ em men răng chưa được hoàn thiện do đó dễ bị vi khuẩn tấn công, điều này tương tự như ở người già khi men răng đã thoái hóa.

Ngoài ra, những người đã hàn, trám răng nhiều lần hoặc từng phẫu thuật can thiệp vào hàm răng cũng có nguy cơ cao bị sâu răng do men răng và các chức năng bảo vệ khác của răng suy giảm đáng kể.

Yếu tố làm tăng nguy cơ sâu răng

Chất bột đường là yếu tố gây sâu răng nhiều nhất. Khi ăn thức ăn chứa đường, chất đường sẽ nhanh chóng khuếch tán vào khan miệng và bám vào các mảng bám trên răng. Vi khuẩn trong mảng bám sẽ chuyển hóa chúng thành acid, làm mất cân bằng độ acid và pH của mảng bám. Nếu độ pH giảm xuống mức thấp hơn 5.5 thì sẽ gây mất khoáng men răng, đây là bước đệm dẫn đến sâu răng.

Nguy cơ bị sâu răng của một người phụ thuộc vào chế độ ăn đường và tỉ lệ chuyển hóa đường của người đó hơn là tổng số lượng đường tiêu thụ. Vì trên thực tế có người ăn ít đường cũng bị sâu răng nhiều hơn người ăn nhiều đường và nhiều loại yếu tố khác


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sâu răng

Người ta có thể chẩn đoán sâu răng thông qua protein trong nước bọt.

Tia X-quang cũng được sử dụng để kiểm tra toàn bộ hàm răng và mức độ thương tổn do sâu răng gây ra.

Phương pháp điều trị sâu răng hiệu quả

Trám răng là phương pháp phổ biến nhất trong phụ hồi răng bị sâu. Tùy vào loại răng, mức độ ảnh hưởng của sâu răng sẽ có biện pháp điều trị khác nhau.

  • Với răng vĩnh viễn cần làm sạch hết ngà mủn và trám bằng vật liệu amalgam, composite, xi măng glassionomer.
  • Với răng sữa trám bằng xi măng glassionomer, xi măng sứ và xi măng phosphat.
  • Lỗ sâu lớn phục bằng inlay hoặc onlay kim loại hoặc sứ,
  • Răng vỡ lớn nên được bọc bằng chụp kim loại hoặc chụp sứ.
  • Răng tổn thương tủy cần được điều trị tủy rồi phục hồi răng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sâu răng

  • Nên ăn đa dạng, cân bằng và điều độ các thức ăn tốt cho sức khỏe cũng như cung cấp đủ lượng vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết cho răng miệng.
  • Hạn chế ăn vặt, nhất là thức ăn có chất đường để giảm lượng acid có hại cho răng.
  • Uống nước có chứa florua nếu có thể. Nước làm sạch răng và florua chống lại bệnh sâu răng hữu hiệu.
  • Hãy đánh răng đều đặn sau mỗi bữa ăn để hạn chế sự tồn tại của mảng bám, nơi chứa vi khuẩn tiết ra acid.
  • Nếu bạn không đánh răng được đều đặn sau mỗi bữa thì nên đánh răng ít nhất 2 lần/ 1 ngày với kem đánh răng có chứa florua.
  • Nếu trước đây bạn có thói quen hút thuốc thì giờ là lúc nên thôi không hút nữa. Hút thuốc làm tăng nguy cơ sâu răng và làm hơi thở có mùi khó chịu.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan