Suy hô hấp cấp

Tìm hiểu chung

Suy hô hấp là gì?

Suy hô hấp cấp là tình trạng cơ quan hô hấp đột nhiên không bảo đảm được chức năng trao đổi khí, gây ra thiếu oxy máu, có hoặc không có kèm theo tăng cacbonic (CO2) máu, được biểu hiện qua kết quả đo khí máu động mạch. Suy hô hấp có thể cấp tính hoặc mạn tính, và biểu hiện của hai dạng này là khác nhau hoàn toàn.

Suy hô hấp cấp đặc trưng bởi những rối loạn về nội môi (khí máu, kiềm toan…) đe dọa tính mạng thì suy hô hấp mạn thường thường diễn tiến âm thầm, thậm chí có thể không có biểu hiện trên lâm sàng. Suy hô hấp cấp là một trong những cấp cứu thường gặp nhất.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy hô hấp cấp

Các biểu hiện lâm sàng bao gồm:

  • Khó thở, thở nhanh;
  • Tím tái:
  • Sớm: quanh môi, môi, đầu chi.
  • Muộn: Lan rộng toàn thân.
  • Rối loạn tim mạch;
  • Rối loạn thần kinh và ý thức.

Biến chứng có thể gặp khi bị suy hô hấp cấp

Bệnh suy hô hấp cấp có thể dẫn đến những biến chứng bao gồm:

  • Tại phổi: Nhồi máu phổi, chấn thương áp lực, xơ phổi, nhiễm trùng.
  • Tim mạch: Hạ huyết áp, rối loạn nhịp,  giảm cung lượng tim, nhồi máu cơ tim cấp, viêm màng ngoài tim.
  • Tiêu hóa: Xuất huyết, tràn khí phúc mạc, liệt ruột, tiêu chảy, giãn dạ dày, loét do stress (thường xảy ra trong chấn thương, sốc, nhiễm trùng, suy thận, suy gan).
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng huyết.
  • Thận: Suy thận cấp do thiếu nước, hoại tử ống thận cấp do hạ huyết áp (10-20% ở phòng điều trị tích cực), rối loạn nước điện giải.
  • Dinh dưỡng: Giảm dinh dưỡng tại cơ quan hô hấp và toàn thân, bên cạnh đó là những biến chứng liên quan đến dinh dưỡng qua đường miệng và đường tĩnh mạch.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Suy hô hấp cấp nếu được điều trị đúng mức thì có thể lui bệnh hoàn toàn, nếu điều trị không kịp thời thì có thể tiến triển nặng dần, bệnh nhân có thể hôn mê và tử vong. Vì vậy, nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp

Nguyên nhân gây bệnh suy hô hấp cấp bao gồm:

  • Đường thở: tắc nghẽn thanh quản: u, viêm, phù Quincke, dị vật đường thở, chấn thương thanh quản, co thắt…
  • Bệnh lý phổi và màng phổi – thành ngực:
    • Viêm phổi
    • Xẹp phổi, u phổi
    • Tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi
    • Hen phế quản
    • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
    • Suy hô hấp tiến triển ở người lớn
    • Chấn thương phổi – màng phổi – thành ngực
  • Bệnh lý tim mạch:
    • Phù phổi cấp huyết động
    • Suy tim nặng
    • Tắc mạch phổi.
  • Bệnh lý thần kinh – cơ:
    • Liệt cơ hô hấp (liên sườn, hoành): hội chứng Guillain – Barrier: nhược cơ, rắn độc cắn.
    • Phù phổi do cơ chế thần kinh.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải suy hô hấp cấp?

Bệnh suy hô hấp có thể ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Di truyền.
  • Mẹ bị tiểu đường.
  • Tổn thương chu sinh.
  • Sinh mổ.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chuẩn đoán suy hô hấp cấp

Chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng, điều tra bệnh sử, xét nghiệm khí máu động mạch, X-quang phổi, điện tim.

Các xét nghiệm khác bao gồm:

  • Công thức máu.
  • Siêu âm tim, điện tim, siêu âm tĩnh mạch cho dưới.
  • Chụp thông khí tưới máu phổi, chụp CT scan phổi.
  • Điện cơ, chọc dịch não tủy.

Phương pháp điều trị suy hô hấp cấp hiệu quả

Phương án điều trị được đưa ra dựa vào:

  • Mức độ tiến triển của suy hô hấp cấp.
  • Mức độ giảm oxy máu, tăng cacbonic và axit máu.
  • Mức độ của các rối loạn khác xuất hiện cùng với suy hô hấp cấp: tim mạch, thần kinh…

Nếu bệnh nhân bị suy hô hấp cấp mức độ nặng, tức chưa có rối loạn huyết động và thần kinh nghiêm trọng thì chỉ cần làm thông thoáng đường thở, dùng liệu pháp oxy để tăng cường khí oxy cho bệnh nhân, sử dụng thuốc và theo dõi sát sự tiến triển.

Nếu bệnh nhân bị suy hô hấp cấp mức độ nguy kịch thì cần nhanh chóng thiết lập đường thở cấp cứu và tiến hành thông khí cơ học ngay, sau đó mới dùng thuốc hoặc phải sử dụng các phương án điều trị song song.

Do suy hô hấp và nhiễm trùng đường hô hấp thường gắn liền với nhau, khi mắc một trong hai bệnh này đều có nguy cơ dẫn đến bệnh còn lại. Vì vậy người bệnh cũng cần được chống nhiễm khuẩn khi cần thiết bằng các loại thuốc kháng sinh.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy hô hấp cấp

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
  • Tăng cường luyện tập thể dục và chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao đề kháng.
  • Phải giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết lạnh.
  • Nên đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là khi đến những nơi ô nhiễm, dễ lây lan vi khuẩn.
  • Rửa tay sạch sẽ.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan