Tắc động mạch phổi

Tìm hiểu chung

Tắc động mạch phổi là gì?

Tắc động mạch phổi là tình trạng xảy ra khi một hay nhiều động mạch trong phổi bị tắc nghẽn. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này là cục máu đông di chuyển từ nơi khác đến phổi, thông thường là ở chân. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả người khỏe mạnh và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Tắc động mạch phổi có thể được điều trị bằng thuốc chống đông máu và cũng có thể phòng ngừa được bằng cách xử lý kịp thời sự xuất hiện cục máu đông ở chân.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của tắc động mạch phổi

Triệu chứng của tắc động mạch phổi có thể khác nhau ở từng người, tùy thuộc vào kích thước cục máu đông, mức độ ảnh hưởng đến phổi, sức khỏe tổng thể của người bệnh và quan trọng nhất là sự có mặt hay vắng mặt của bệnh phổi hay bệnh tim tiềm ẩn. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Khó thở, diễn ra đột ngột kể cả khi đang hoạt động hay khi nghỉ ngơi;
  • Ho, có thể ho có đờm hoặc đờm lẫn máu;
  • Đau ngực, giống như một cơn đau tim. Đau nặng hơn khi hít thở sâu, ho, ăn, uốn cong người hoặc đứng và cũng không thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

Một số triệu chứng khác bạn có thể gặp phải:

  • Thở khò khè;
  • Sưng phù chân;
  • Niêm mạc hoặc da có màu hơi xanh;
  • Ra mồ hôi quá nhiều;
  • Nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều;
  • Mạch yếu;
  • Choáng váng hoặc ngất xỉu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tắc động mạch phổi nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên hoặc khi bạn có một cơn đau ngực, khó thở không giải thích được thì nên đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến tắc động mạch phổi

Tắc động mạch phổi xảy ra khi có một vật, thông thường là cục máu đông nằm chắn lòng động mạch phổi. Cục máu đông thường bắt nguồn từ tĩnh mạch sâu ở chân nhưng cũng có thể đến từ những nơi khác. Ngoài cục máu đông, một số chất khác cũng gây tắc động mạch phổi như:

  • Chất béo trong tủy của xương bị gãy.
  • Một phần của khối u.
  • Bong bóng khí.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ tắc động mạch phổi?

Ai cũng có thể bị tắc động mạch phổi, nhưng những trường hợp sau đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Bất động trong thời gian dài.
  • Tuổi tác: Tuổi càng lớn nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Rối loạn đông máu di truyền.
  • Phẫu thuật làm người bệnh bất động trong thời gian dài hoặc phẫu thuật thay khớp xương nhân tạo khiến mảnh vỡ mô có thể đi vào máu và tạo cục máu đông.
  • Tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.
  • Mang thai.
  • Ung thư, đặc biệt là tuyến tụy, buồng trứng và ung thư phổi.
  • Hút thuốc lá.
  • Thừa cân.
  • Dùng thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tắc động mạch phổi

Các bác sĩ chẩn đoán tắc động mạch phổi bằng cách:

  • Khám lâm sàng.
  • Dựa trên yếu tố nguy cơ.
  • Điều tra bệnh sử.
  • Xét nghiệm hình ảnh:
    • Chụp X-quang: cho thấy hình ảnh của tim và phổi trên phim, có thể loại bỏ bệnh lý giống thuyên tắc phổi.
    • Chụp động mạch phổi: cung cấp bức tranh rõ ràng của dòng máu trong động mạch của phổi.
    • Siêu âm duplex tĩnh mạch: có thể ước tính được áp lực máu ở phía bên phải của tim.

Phương pháp điều trị tắc động mạch phổi hiệu quả

Các phương án điều trị tắc động mạch phổi bao gồm:

  • Thuốc chống đông máu: Giúp ngăn ngừa cục máu đông mới hình thành.
  • Thuốc làm tiêu cục máu đông: Thường dùng để hòa tan cục máu đông nhanh chóng, được dành riêng cho những tình huống đe dọa tính mạng.
  • Dùng ống thông luồn qua mạch máu để bỏ cục máu đông có kích thước lớn.
  • Dùng bộ lọc tĩnh mạch giúp chặn các cục máu đông tiến vào phổi.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tắc động mạch phổi

  • Đi tất ép chân để đề phòng huyết khối tĩnh mạch chân.
  • Năng vận động để máu không bị ứ đọng.
  • Ngăn ngừa tắc động mạch phổi bằng cách ngăn ngừa cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu ở chân.
  • Không ngồi bất động, phải thường xuyên di chuyển.
  • Uống nhiều nước. Nước là chất lỏng tốt nhất để ngăn ngừa mất nước – tác nhân góp phần vào sự phát triển của các cục máu đông.
  • Tránh uống rượu, vì rượu góp phần làm mất dịch.
  • Tập thể dục và đặc biệt là đi bộ sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan