Thiếu máu thiếu sắt

Tìm hiểu chung

Thiếu máu thiếu sắt là gì?

Chất sắt là một trong những chất cơ bản trong việc sản sinh hồng cầu cho máu. Nếu cơ thể không cung cấp đủ chất sắt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu cũng như lượng dự trữ sắt không đủ để vận hành các hoạt động của cơ thể.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu thiếu sắt

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây thiếu máu mà cơ thể sẽ biểu hiện những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng phổ biến nhất và thường có những dấu hiệu sau:

  • Da dẻ nhợt nhạt, xanh xao;
  • Mệt mỏi, suy nhược, hay chóng mặt, nhức đầu;
  • Nhịp tim đập không đều, có hiện tượng đau ngực và khó thở;
  • Khả năng nhận thức yếu đi;
  • Lạnh tay và chân;

Ban đầu, thiếu máu có thể rất nhẹ nên  không được chú ý. Nhưng dấu hiệu và triệu chứng sẽ tăng xấu đi nếu tiếp tục thiếu máu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thiếu máu do thiếu sắt thời kỳ đầu không xảy ra những dấu hiệu rõ ràng, nhưng nếu lượng sắt không kịp thời bù đắp có thể làm bệnh nghiêm trọng và các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ hơn. Bạn nên đi bác sĩ khám khi cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi kèm theo một vài triệu chứng liên quan đến thiếu máu.

Tuy thiếu sắt dạng nhẹ không ảnh hưởng nhiều đến cơ thể, nhưng thiếu máu do thiếu sắt có nghĩa là tình trạng lượng sắt dự trữ đã cạn kiệt và lượng sắt đang sử dụng trong cơ thể cũng đang giảm mạnh, không đủ cung cấp cho việc vận hành các chức năng, khiến các cơ quan bị ức chế hoạt động, gây nên nhiều biến chứng khiến cơ thể mệt mỏi, tim mạch suy yếu và có thể dẫn đến tử vong khi các tế bào không thể hoạt động do không có oxy từ máu cung cấp.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu thiếu sắt

Bệnh thiếu máu là do lượng hồng cầu trong máu giảm. Yếu tố chính gây nên tình trạng này là vì cơ thể thiếu sắt, không thể sản sinh hemoglobin tạo ra hồng cầu. Cơ chế của thiếu sắt gây thiếu máu:

Máu trong cơ thể chứa rất nhiều tế bào hồng cầu, có chức năng chính là hô hấp, chuyên chở oxy đến các mô trong cơ thể để đảm bảo sự hoạt động của các cơ quan.

Cấu tạo của hồng cầu bao gồm rất nhiều hemoglobin (do tủy xương tạo ra), việc cơ thể có đủ hồng cầu hay không là tùy thuộc vào lượng chất này có nhiều hay ít.

Chất sắt đóng vai trò lớn trong việc sản sinh hemoglobin. Khi cơ thể thiếu sắt, các tủy xương không thể sản xuất được hemoglobin, đồng nghĩa với việc lượng hồng cầu trong máu giảm sút, mặt khác, lượng sắt dự trữ trong cơ thể cũng bị tiêu hao do quá trình vận động, khiến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt xảy ra.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt?

Người có khả năng bị thiếu máu do thiếu sắt:

  • Phụ nữ mang thai: Thời kỳ này phụ nữ cần rất nhiều chất sắt để sản sinh hemoglobin tạo hồng cầu, đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành tế bào của thai nhi.
  • Người có thể chất hấp thu sắt kém: Tùy thuộc vào cơ địa mỗi người mà lượng sắt hấp thu vào nhiều hay ít. Thiếu máu đôi khi do cơ thể không thể hấp thu được chất sắt.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt

Để chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ có thể tiến hành khám lâm sàng và xét nghiệm máu.

  • Xét nghiệm máu sẽ cho biết nồng độ hồng cầu và hàm lượng hemoglobin trong máu. Nếu hemoglobin ở dưới mức 12 gram/dL thì có nghĩa cơ thể đang thiếu máu.
  • Ngoài ra, dưới kính hiển vi, các tế bào máu đỏ còn cho biết kích thước, hình dạng và màu sắc. Nếu thiếu máu do thiếu sắt, các tế bào máu đỏ sẽ có màu nhạt hơn và nhỏ hơn bình thường.

Phương pháp điều trị thiếu máu thiếu sắt hiệu quả

Để điều trị thiếu máu do thiếu sắt, chúng ta cần phải cân bằng giữa lượng sắt bổ sung và lượng sắt bị mất đi trong cơ thể bằng cách:

Dùng thuốc, viên uống bổ sung sắt hoặc các loại sinh tố đa vi lượng có chứa chất sắt.

Khi mang thai, người mẹ cần cung cấp nhiều chất sắt theo đơn thuốc và qua chế độ ăn để đảm bảo lượng sắt đủ cho cả mẹ lẫn thai nhi.

Khi sinh con, trong sữa mẹ đôi khi không đủ chất sắt cho trẻ phát triển. Các loại sữa công thức sẽ có chứa thành phần này nhưng chưa hẳn là đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ. Bạn hãy hỏi bác sĩ về những cách bổ sung chất sắt cho trẻ. Lưu ý: không nên tự ý bổ sung chất sắt cho trẻ nếu chưa thông qua bác sĩ.

Nếu nồng độ sắt trong máu vẫn không tăng sau khi thực hiện các phương pháp trên, có thể nguyên nhân gây thiếu sắt là do cơ thể không hấp thu được chất sắt hoặc do có nguồn chảy máu. Tùy vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị, bao gồm:

  • Dùng thuốc: Ví dụ như thuốc tránh thai để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Thuốc kháng sinh và các loại khác để điều trị viêm loét dại dày – tá tràng.
  • Phẫu thuật: Mục đích là loại bỏ polyp gây chảy máu, khối u hoặc xơ. Nếu thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng, truyền máu có thể giúp thay thế sắt và hemoglobin nhanh chóng.

Sắt có thể khiến phân màu đen, điều này hoàn toàn vô hại. Nhưng sắt cũng có thể khiến bạn bị táo bón, vậy nên bác sĩ có thể kèm thuốc làm mềm phân trong thời gian uống sắt.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thiếu máu thiếu sắt

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Đảm bảo cơ thể có đủ lượng chất sắt mỗi ngày thông qua việc ăn uống, đặc biệt ở những người có nhu cầu sắt cao như trẻ em, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt và mang thai. Chế độ dinh dưỡng cung cấp chất sắt là:

  • Thịt đỏ, thịt gà, thịt nai.
  • Cá và các loại hải sản có vỏ.
  • Ngũ cốc và các chế phẩm từ ngũ cốc.
  • Trứng.
  • Đậu và hạt.
  • Các loại rau có màu xanh sẫm.
  • Chocolate, bột ca cao, bột cà ri, trái anh đào.

Không uống trà trong bữa ăn vì nó gây hạn chế sự hấp thụ chất sắt.

Nên bổ sung thêm vitamin C vì chúng làm tăng khả năng hấp thu chất sắt. Bạn có thể hấp thu vitamin C thông qua các loại thực phẩm như: dưa gang, dâu, mơ, kiwi, xoài, bông cải xanh, hồ tiêu, cà chua, bắp cải, khoai tây, rau lá xanh…

Trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ và sữa bột trong những tháng đầu đời để có chất sắt. Không dùng sữa bò cho trẻ sơ sinh vì chúng không bổ sung sắt, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tháng tuổi.

Sữa mẹ giúp trẻ dễ hấp thu chất sắt nhất.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan