Tổ đỉa

Tìm hiểu chung

Tổ đỉa là gì?

Tổ đỉa là bệnh do viêm da gây nên. Cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh thật sự nhưng có thể liên quan đến việc tiếp xúc với hóa chất và một số dị nguyên thường gây kích ứng da. Tổ đỉa có biểu hiện đặc trưng là các mụn nước có độ lớn nhỏ khác nhau xuất hiện trên da, chủ yếu ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Bệnh thường tái đi tái lại nhiều lần nên cần phải theo dõi lâu dài.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của tổ đỉa

Dấu hiệu và triệu chứng của tổ đỉa bao gồm:

  • Các mụn nước nhỏ, thường dưới 3 mm, có màu trắng trong;
  • có thể mọc rải rác hoặc thành chùm;
  • Mụn thường xuất hiện ở kẽ tay/chân, lòng bàn tay/bàn chân;
  • Gây ngứa da;
  • Đổ nhiều mồ hôi tay/chân;
  • Có thể làm hư móng tay/chân;
  • Chuyển sang giai đoạn nặng, mụn nước có thể tự vỡ, đóng vảy và làm nứt nẻ da.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Việc phát hiện sớm có thể ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng hơn và điều trị dễ dàng hơn. Nếu có nghi ngờ hoặc có những dấu hiệu trên, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kiểm tra. Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự ý dùng thuốc hoặc tự điều trị tại nhà có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến tổ đỉa

Hiện nay vẫn chưa tìm được tìm nguyên nhân gây bệnh.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị tổ đỉa?

Khoảng một nửa số người bị tổ đỉa cũng phát hiện thấy viêm da cơ địa. Tổ đỉa thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn gấp hai lần so với nam giới. Đặc biệt, đây là một trong những bệnh lý ở tay phổ biến nhất.

Ngoài ra, tổ đỉa thường thấy nhiều ở người làm nông, người làm trong môi trường nhiều dầu nhớt và làm trong các xí nghiệp phải tiếp xúc với hóa chất và các chất thải.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị tổ đỉa, bao gồm:

  • Tiếp xúc nhiều với hóa chất như thuốc trừ sâu, xà phòng, chất tẩy rửa, chất hóa học công nghiệp.
  • Tiếp xúc với dầu nhớt.
  • Thường xuyên tiếp xúc với chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp, chất thải y tế.
  • tiếp xúc với kim loại như coban, niken.
  • Da nhạy cảm với một số tác nhân thường không gây hại như phấn hóa, lông vật nuôi, thực phẩm, hóa chất, cao su,…
  • Chàm da.
  • Tay chân bị nhiễm bẩn do bụi bẩn, nguồn nước bẩn.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tổ đỉa

Không có phương pháp xét nghiệm nào cụ thể giúp phát hiện bệnh tổ đỉa. Bác sĩ có thể kiểm tra các biểu hiện của bệnh trên da và dựa vào những đặc điểm sau đây để chẩn đoán:

  • Mụn nước có độ lớn từ 1 – 3 mm, màu trắng hơi ngả đục.
  • Mụn mọc trong kẻ tay/chân hoặc lòng bàn tay/chân.
  • Gây ngứa.
  • Có hiện tượng đóng vảy và làm nứt da sau khi bị bọng nước.
  • Bệnh tái đi tái lại nhiều lần.

Tổ đỉa có thể được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có triệu chứng tương tự. Phương pháp để chẩn đoán phân biệt thường dùng là cạo một lớp da vùng bị ảnh hưởng để làm xét nghiệm. Nếu thấy có sợi nấm là tình trạng mụn nước do nấm gây ra. Loại viêm da này thường bị nhầm lẫn với tổ đỉa.

Phương pháp điều trị tổ đỉa hiệu quả

Điều trị tổ đỉa là tập trung điều trị các triệu chứng do bệnh gây ra, đồng thời tìm hiểu các tác nhân có thể gây bệnh để giảm thiểu tiếp xúc với chúng. Điều trị được chia thành điều trị tại chỗ và toàn thân.

Điều trị tại chỗ:

Ngâm vùng tay, chân bị ảnh hưởng vào dung dịch nước ấm và thuốc tím pha loãng theo tỉ lệ 1/10.000 (dung dịch sẽ có màu hồng). Điều này giúp cắt cơn ngứa và sát khuẩn da.

Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây mụn nước mà sẽ bác sĩ sẽ kê những loại thuốc khác nhau cho bệnh nhân.

  • Nguyên nhân do nấm và các mụn nước thông thường: Dùng BSI 1 – 3% hoặc dùng thuốc chống nấm Nizoral bôi lên da bị mụn.
  • Dị ứng: Dùng thuốc có chứa corticoid bôi ngoài da.
  • Nguyên nhân do nhiễm khuẩn: Mụn nước phình to, chứa mủ thì phải chọc mủ ra rồi bôi thuốc chống mủ Milian, Eosine.
  • Liệu pháp ánh sáng: Khi các phương pháp trên không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể tiến hành dùng tia tử ngoại (dạng tia cực tím) kết hợp dùng thuốc để kích thích vùng da bị ảnh hưởng.

Điều trị toàn thân:

Dùng thuốc chống nấm, chống nhiễm khuẩn và chống dị ứng cho toàn thân khi biết nguyên nhân gây mụn nước.

Một số trường hợp tổ đỉa nghiêm trọng có thể sẽ tiêm thuốc botulinum toxin.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tổ đỉa

  • Chú ý các chất có thể gây dị ứng hoặc kích ứng da để hạn chế tiếp xúc.
  • Điều trị và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để đem lại hiệu quả tốt nhất.
  • Đây là bệnh dai dẳng và có khả năng tái phát cao nên bạn cần phải thường xuyên theo dõi bệnh, không nên nản chí bỏ dở giữa chừng.
  • Không nên căng thẳng và lo âu vì chúng có khả năng làm bệnh nặng hơn.
  • Không tự ý điều trị bằng mẹo hay các bài thuốc truyền tai mà không có bằng chứng khoa học.
  • Khi có dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị, bạn nên báo ngay với bác sĩ.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Cần tăng cường đề kháng bằng việc bổ sung các loại vitamin nhóm B, vitamin C.
  • Hạn chế tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ gây bệnh.
  • Những người có tiền sử dị ứng cần tránh các tác nhân gây dị ứng.
  • Đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu của tổ đỉa xuất hiện trên cơ thể.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan