U tế bào hắc tố

Tìm hiểu chung

U tế bào hắc tố là gì?

U tế bào hắc tố hay còn có tên gọi khác là ung thư tế bào hắc tố. Đây là loại ung thư da nguy hiểm nhất bắt đầu từ sự rối loạn của các tế bào hắc tố. Hầu hết các khối u ác tính xuất hiện như nốt ruồi và lan ra các vùng lân cận. Sau đó, các khối u này sẽ ảnh hưởng đến da, sắc tố mắt, tĩnh mạch, các hạch bạch huyết và cuối cùng ảnh hưởng đến gan, não, phổi và xương. Những người dưới 40 tuổi thường có xu hướng mắc bệnh này. Ngoài ra, những người đã gặp các vấn đề về da từ trước cũng có nguy cơ mắc bệnh rất cao.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của u tế bào hắc tố

Nếu mắc ung thư tế bào hắc tố, các dấu hiệu sau có thể xuất hiện:

  • Bờ viền quanh nốt ruồi không đều;
  • Kích thước của các nốt ruồi lớn dần, có thể lớn đến 6mm;
  • Hình dạng nốt ruồi không đối xứng giữa hai bên;
  • Màu sắc các nốt ruồi thay đổi;
  • Nốt ruồi chảy máu khi bị vỡ;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Khó thở;
  • Đau xương (khối u di căn đến xương);
  • Đau đầu, co giật;
  • Gặp vấn đề về thị lực (khối u di căn đến não).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn:

  • Thấy nốt ruồi lan rộng và màu sậm lại.
  • Màu của nốt ruồi hoặc đốm đen trên da chuyển đỏ hoặc vùng da quanh nốt đen tái đi, chuyển màu nâu.
  • Nốt ruồi bị chảy mủ, chảy máu hoặc lở loét.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến u tế bào hắc tố

Melanin là thành phần quyết định đến màu sắc của tóc và của da. Người có nhiều sắc tố melanin thường có màu da sẫm hơn người có ít sắc tố này. Melanin chịu tác động rất lớn từ ánh sáng mặt trời. Vì thế, với những người phơi nắng nhiều, kích thích sắc tố melanin tích tụ sẽ khiến màu da sẫm hơn. Và tia cực tím từ ánh sáng mặt trời hoặc đèn tia cực tím chính là nguyên nhân gây rối loạn quá trình tạo sắc tố melanin của da.

Ngoài tác nhân trên, đột biến gen di truyền cũng có thể gây phát sinh u tế bào hắc tố.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc u tế bào hắc tố?

Những người dưới 40 tuổi thường có xu hướng mắc bệnh này. Ngoài ra, phụ nữ cũng có nguy cơ mắc phải u tế bào hắc tố cao hơn nam giới.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị u tế bào hắc bao gồm:

  • Bị cháy nắng nặng;
  • Có da sáng màu;
  • Da bị tàn nhang;
  • Sử dụng thuốc nhuộm da;
  • Có thành viên trong gia đình đã bị u tế bào hắc tố;
  • Hệ thống miễn dịch yếu.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u tế bào hắc tố

Sinh thiết là cách duy nhất để đưa ra chẩn đoán chắc chắn u hắc tố. Đôi khi, cần phải lấy hạch lân cận để quan sát dưới kính hiển vi (phẫu thuật này cũng được coi là một phần của điều trị vì có thể giúp kiểm soát được bệnh). Bác sĩ cũng phải thăm khám kỹ lưỡng và tuỳ thuộc vào độ dày của khối u có thể yêu cầu chụp X-quang lồng ngực; xét nghiệm máu; chụp cắt lớp vi tính gan, xương và não.

Phương pháp điều trị u tế bào hắc tố hiệu quả

Đối với giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ loại bỏ vùng da bị u và cả vùng da xung quanh để đảm bảo rằng tất cả các tế bào ung thư được lấy ra. Phẫu thuật vào giai đoạn đầu của khối u có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh.

Nếu u tế bào lan sang các hạch bạch huyết, bác sĩ cũng sẽ loại bỏ các hạch này, đồng thời sẽ cho bạn dùng thuốc interferon. Trong trường hợp các khối u ác tính đã di căn đến các cơ quan khác, ngoài phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành xạ trị, hóa trị và các liệu pháp miễn dịch kết hợp nhưng khả năng bạn khỏi bệnh hoàn toàn không cao.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của u tế bào hắc tố

Để hạn chế diễn tiến ung thư tế bào hắc tố bạn cần:

  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc mà chưa có chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
  • Tránh nhuộm da.
  • Tự kiểm tra da ít nhất mỗi tháng một lần để phát hiện có đốm đen hoặc nốt ruồi mới hay không.
  • Sử dụng kem chống nắng với chỉ số chống nắng cao để có hiệu quả tốt nhất. Sử dụng các sản phẩm cửa hàng có uy tín, tránh mua hàng trôi nổi trên thị trường.
  • U tế bào hắc tố có thể điều trị khỏi hoàn toàn khi phát hiện ở giai đoạn sớm. Hãy quan sát cơ thể mình thường xuyên và chú ý những nốt ruồi hay tàn nhang mới xuất hiện, to và gồ lên mặt da. Nếu những nốt ruồi này to ra nhanh chóng và bờ nham nhở, bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán chính xác bệnh.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan