Ung thư buồng trứng

Tìm hiểu chung

Ung thư buồng trứng là gì?

Buồng trứng là nơi sản sinh ra tế bào trứng đồng thời sản xuất ra các hormone giới tính nữ: estrogen và progesterone.

Tình trạng xuất hiện khối u ác tính ở buồng trứng gọi là bệnh ung thư buồng trứng. Bệnh này rất khó phát hiện nếu đang ở giai đoạn đầu, tuy nhiên nếu phát hiện sớm thì việc điều trị rất thuận lợi và hiệu quả.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng

Ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu và triệu chứng không biểu hiện rõ ràng nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Nhưng nhìn chung bệnh ung thư buồng trứng có các dấu hiệu triệu chứng sau:

  • Cảm thấy mau no khi ăn uống, bụng sưng căng;
  • Sụt cân;
  • Đi tiểu thường xuyên; bị táo bón; khó chịu vùng xương chậu.

Ở nhiều bệnh nhân còn xuất hiện các triệu chứng khác nữa, gồm:

  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, chảy máu giữa chu kỳ kinh;
  • Thường xuyên buồn nôn, ói mửa, bụng đầy hơi; đau lưng không rõ nguyên nhân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào xảy ra hãy đến ngay bệnh viện thăm khám, xét nghiệm để có kết quả chính xác về tình hình bệnh.

Cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người là khác nhau, chỉ có thảo luận với bác sĩ chuyên khoa mới tìm được giải pháp điều trị phù hợp.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư buồng trứng

Các bác sĩ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thật sự gây bệnh ung thư buồng trứng, nhưng đặc điểm chung nhất của bệnh ung thư là do có một gen nào đó trong cơ thể đột biến, khiến các tế bào bình thường thành tế bào ung thư, chúng nhanh chóng sinh sôi phát triển thành khối u.

Tế bào biến đổi gen còn tấn công các tế bào xung quanh và lan sang các bộ phận khác của cơ thể.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng?

Bệnh ung thư buồng trứng khá phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi, phần lớn các ca tử vong do bệnh này xảy ra ở người từ 55 tuổi trở lên.

Nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng càng cao nếu người phụ nữ đó có các yếu tố sau đây:

  • Người đã lớn tuổi.
  • Người sinh ít con càng ít thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Người từng sử dụng liệu pháp thay thế estrogen trong vòng 5 năm trở lên.
  • Người từng bị bệnh ung thư vú hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc mắc bệnh ung thư sinh dục khác.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư buồng trứng

Từ các triệu chứng biểu hiện trên bệnh nhân, khám lâm sàng và kết quả của các xét nghiệm bằng hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang, CT, MRI, các bác sĩ sẽ đưa ra các chẩn đoán chính xác nhất có thể.

Tuy nhiên, sinh thiết là phương pháp tối ưu nhất trong việc xác định khối u trong buồng trứng là khối u ác tính hay lành tính rồi đưa ra giải pháp điều trị phù hợp.

Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng hiệu quả

Phẫu thuật là phương pháp phổ biến nhất trong việc điều trị ung thư buồng trứng. Các bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ cả buồng trứng và ống dẫn trứng; tử cung hoặc các cơ quan khác kề cận cũng có thể bị cắt bỏ nếu tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan đó.

Để tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư còn sót lại, phương pháp hóa trị có thể được sử dụng trong trường hợp thật cần thiết.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư buồng trứng

  • Thăm khám đúng lịch hẹn để quá trình theo dõi diễn ra liên tục và chặt chẽ, đảm bảo sức khỏe và bệnh không tái diễn.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây tươi, ít chất béo, dầu mỡ.
  • Uống thuốc đúng liều đúng giờ, tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không nằm trong toa của các bác sĩ điều trị.
  • Liên hệ ngay với các bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra khi điều trị.

 

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh.

Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tốt nguy cơ mắc bệnh khi thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh và bảo vệ sức khỏe đúng cách.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan